Toàn cảnh Phiên họp
Tham dự Phiên họp có Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hoàng Điệp, đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Kiểm toán Nhà nước.
Cử tri lo lắng về tình trạng giá xăng dầu vẫn ở mức cao, kéo theo nhiều giá dịch vụ, hàng hóa khác tăng gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân
Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và tháng 6 năm 2022, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, cử tri và Nhân dân đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ Ba và cho rằng Kỳ họp đã thành công tốt đẹp, thể hiện ở chất lượng, nội dung của Kỳ họp; thể hiện rõ sự đổi mới trong xây dựng một Quốc hội “Trí tuệ - Đoàn kết - Đổi mới - Trách nhiệm”, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc giúp người dân và doanh nghiệp giảm bớt khó khăn do đại dịch Covid -19. Cử tri đặc biệt quan tâm theo dõi và đánh giá cao hoạt động chất vấn của Quốc hội về 04 nhóm vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của Nhân dân và phục hồi, phát triển kinh tế đất nước. Qua chất vấn, Chính phủ và thành viên của Chính phủ đã giải trình, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, đồng thời nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế, đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Cử tri hết sức tin tưởng vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời quan tâm và đánh giá cao việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện 04 chuyên đề giám sát trong năm 2023 và mong muốn thông qua hoạt động giám sát sẽ có những đánh giá khách quan, toàn diện hơn về lĩnh vực có liên quan đến nội dung giám sát; xác định điểm nghẽn về thể chế cũng như việc tổ chức thực hiện để đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện hơn nữa chính sách, pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri đánh giá cao việc Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, thiết kế lại môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp Trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh; kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa; có biện pháp hạ giá thành sách giáo khoa; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về tài liệu tham khảo, tránh lãng phí.
Cử tri đánh giá cao việc Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, thiết kế lại môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp Trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh; kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa; có biện pháp hạ giá thành sách giáo khoa; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và tháng 6 năm 2022.
Cử tri hoan nghênh và đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời tổ chức phiên họp bất thường ngày 06/7/2022 để xem xét, thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo đề nghị của Chính phủ, theo đó đã giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang tăng cao hiện nay.
Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân hết sức quan tâm lo lắng về tình trạng giá xăng dầu vẫn ở mức cao đã kéo theo nhiều giá dịch vụ, hàng hóa khác tăng gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân; tình trạng quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các trang mạng xã hội về các loại thuốc, thực phẩm chức năng... không đúng như chất lượng của sản phẩm, gây thiệt hại về sức khỏe, tiền bạc của người dân; việc đăng tải và lan truyền các thông tin liên quan đến việc tự tử của trẻ em gây ra những hệ lụy không tốt tới trẻ em, gia đình và xã hội; tình hình tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn xảy ra gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản; tình trạng chậm trả căn cước công dân gắn chip cho người dân vẫn còn ở một số nơi; việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng tại một số đô thị, khu dân cư nhưng không đồng bộ với các quy hoạch khác đã được phê duyệt trước đó gây quá tải hạ tầng giao thông, thiếu trường học, nhà trẻ, giảm tiện ích tại một số dự án; vướng mắc trong việc xác định giá trị sử dụng đất và phương án sắp xếp, sử dụng đất đai gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; việc sử dụng tài sản công, nhất là nhà, đất vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết trái quy định gây thất thoát tài sản nhà nước…
Ngoài ra, cử tri và Nhân dân còn lo lắng về: tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế để khám, chữa bệnh cho người dân; tình hình dịch bệnh xuất huyết đang diễn biến phức tạp có xu hướng lan rộng, tăng cả về số ca mắc và số ca tử vong; sự xâm nhập của biến chủng BA.5, BA.4 của Omicron; tình hình biến đổi khí hậu dẫn đến diễn biến thời tiết bất thường gây mưa lớn, sạt lở đất, ngập lụt… khiến người dân bị thiệt hại nặng nề.
Tình hình khiếu nại, tố cáo 6 tháng đầu năm 2022 chủ yếu liên quan đến đất đai, môi trường, quản lý và vận hành chung cư thương mại
Đề cập về tình hình khiếu nại, tố cáo, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong 06 tháng đầu năm 2022, có 71.312 lượt người với 77.681 người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 56.507 vụ việc và có 621 đoàn đông người. Qua theo dõi tình hình khiếu nại, tố cáo trong 02 tháng, nổi lên 22 vụ việc khiếu kiện đông người liên quan đến đất đai, môi trường, quản lý và vận hành chung cư thương mại có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự.
Về công tác tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, trong tháng 5 và tháng 6, tại Địa điểm tiếp công dân của Quốc hội, Ban Dân nguyện đã tiếp và hướng dẫn 247 lượt công dân về 234 vụ việc, trong đó có 108 vụ việc khiếu nại, 01 vụ việc tố cáo, 125 vụ việc kiến nghị, phản ánh; đã trực tiếp tiếp 12 lượt đoàn khiếu nại đông người và phối hợp với các cơ quan chức năng tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội tiếp 35 lượt đoàn đông người. Qua tiếp dân, đã trực tiếp hướng dẫn về 114 vụ việc; hướng dẫn bằng văn bản đối với 40 vụ việc; nghiên cứu chuyển 74 vụ việc đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trong tháng 5 và tháng 6, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã tiếp 655 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 468 vụ việc, có 20 lượt đoàn đông người. Qua tiếp công dân, đã ban hành văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với 71 vụ việc; hướng dẫn bằng văn bản 15 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 382 vụ việc.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp.
Liên quan đến vấn đề tiếp nhận, xử lý đơn thư của các cơ quan của Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, các cơ quan của Quốc hội đã nhận được 3.448 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân trong tháng 5 và tháng 6. Qua phân loại, trong số 3.448 đơn thư của công dân gửi đến, có 893 đơn thư đủ điều kiện xử lý, 2.162 đơn không đủ điều kiện xử lý. Bên cạnh đó, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận tổng số 1.741 đơn thư, qua phân loại có 936 đơn đủ điều kiện xử lý, 805 đơn không đủ điều kiện xử lý.
Đề cập về thực hiện kiến nghị của UBTVQH tại các Báo cáo công tác dân nguyện kỳ trước, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, về phản ánh, kiến nghị của cử tri về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, nên không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm tại một số địa phương và đơn vị, mặc dù Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị. Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến Trung ương, Sở Y tế sớm có các giải pháp khắc phục; khẩn trương tổ chức triển khai lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc bằng các hình thức phù hợp để bảo đảm ngay sau kỳ nghỉ lễ (30/4-1/5/2022) có thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh…
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cũng đề cập đến việc xử lý sai phạm liên quan đến việc điều tra, khởi tố vụ việc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại công trình cải tạo, nâng cấp chợ Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc; vụ việc khiếu nại của Công ty TNHH Mai Thanh - chủ đầu tư Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định liên quan đến việc di dời, hoàn trả hệ thống đường ống dẫn nước sạch của Công ty Mai Thanh để thực hiện dự án Cụm công trình kênh nối Đáy-Ninh Cơ (dự án WB6); phản ánh, kiến nghị của cử tri liên quan đến hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Khu chăn nuôi tập trung Nhơn Tân ở thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Về hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 3, Đoàn giám sát UBTVQH về chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” đã tổ chức, thực hiện giám sát trực tiếp tại 06 tỉnh, thành phố: Kiên Giang, Khánh Hòa, Đắk Nông, Lào Cai, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Qua hoạt động giám sát trực tiếp tại 06 địa phương, về cơ bản các Báo cáo đã bám sát đề cương và có đầy đủ các phụ lục theo yêu cầu Đoàn giám sát; Báo cáo cũng đã thể hiện rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Tỉnh ủy và sự cố gắng, nỗ lực, tích cực, chủ động khắc phục khó khăn của cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, có nổi lên một số tồn tại, hạn chế về ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Kết quả giám sát trực tiếp tại 06 địa phương sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để trong thời gian tới Đoàn giám sát có những đánh giá khách quan, toàn diện và đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan, kể cả cơ quan dân cử trong việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, thực hiện và tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan có giải pháp bình ổn giá xăng, dầu trong nước nhằm giúp người dân và doanh nghiệp ổn định đời sống, phát triển sản xuất, kinh doanh; tiếp tục có các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các thông tin quảng cáo sai sự thật, quảng cáo không phù hợp; quản lý chặt chẽ các thông tin xấu trên mạng nhất là việc đăng tải và lan truyền các thông tin liên quan đến việc tự tử của trẻ em; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn giao thông; kiểm tra chặt chẽ việc đào tạo cấp bằng lái xe; đẩy nhanh tiến độ cấp phát, trả thẻ căn cước công dân sau khi công dân đã thực hiện thủ tục cấp thẻ; khắc phục sớm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế để đảm bảo thuốc điều trị cho người dân; tăng cường các biện pháp kịp thời, hiệu quả phòng chống dịch sốt xuất huyết; chủ động giám sát kỹ biến chủng mới, từ đó triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống lụt bão tránh những thiệt hại cho người dân…/.