Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Dự án), Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án tại Tờ trình số 153/TTr-CP ngày 28 tháng 4 năm 2022.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đi qua 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau và thành phố Cần Thơ. Nghị quyết số 44/2022/QH15 có xác định nhu cầu sơ bộ sử dụng đất của Dự án khoảng 5.481 ha, trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha; giao Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương trước khi quyết định đầu tư dự án.
Thưc hiện Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11 tháng 02 năm 2022, trong đó giao Ủy ban nhân dân các tỉnh có dự án tổ chức thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc địa phận quản lý của địa phương và gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức thẩm định theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; tổng hợp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên, đất trồng lúa nước còn lại; đánh giá so với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt để báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định.
Căn cứ ý kiến các bộ và địa phương liên quan, ngày 15 tháng 4 năm 2022 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Báo cáo số 34/BC-BTNMT về kết quả thẩm định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Diện tích rừng Chính phủ đề nghị chuyển mục đích sử dụng là 1.054,63 ha.
Về diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích sử dụng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, phạm vi nghiên cứu của Dự án dự kiến có chuyển mục đích sử dụng rừng giai đoạn 2021 - 2025 và thời kỳ 2021 – 2030 gồm 7 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa; Diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích sử dụng 1.054,63 ha, bao gồm: 111,84 ha rừng phòng hộ; 4,45 ha rừng đặc dụng; 802,91 ha rừng sản xuất; 135,43 ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng (có nguồn gốc rừng phòng hộ 14,89 ha, từ rừng đặc dụng 0,22 ha, từ rừng sản xuất 120,32 ha).
Về chuyển mục đích đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo Nghị quyết số 44/2022/QH15 xác định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng là “đất rừng” và “đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên”; tuy nhiên, pháp luật về đất đai chỉ quy định đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa nước, đất trồng lúa nước còn lại và đất trồng lúa nương; đối với đất lâm nghiệp bao gồm đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và đất rừng sản xuất. Vì vậy, để thống nhất cho phù hợp với phân loại đất theo quy định của pháp luật về đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sử dụng số liệu tổng hợp của các địa phương báo cáo về diện tích đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất để đánh giá đất rừng; đất chuyên trồng lúa nước để đánh giá đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên. Trên cơ sở báo cáo của các địa phương có dự án đi qua và số liệu tổng hợp của Bộ Giao thông vận tải, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất như sau: Đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên và đất trồng lúa còn lại: Dự án chiếm dụng 1.721,96 ha đất trồng lúa, bao gồm: đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên 1.537,23 ha, đất trồng lúa còn lại 184,73 ha; Đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất; Dự án chiếm dụng 1.863,94 ha, bao gồm: đất rừng phòng hộ 138,10 ha, đất rừng đặc dụng 4,61 ha, đất rừng sản xuất 1.721,23 ha trên địa bàn của 7 tỉnh là: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa).
Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với pháp luật lâm nghiệp; phù hợp với diện tích đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên trong Quyết định chủ trương đầu tư dự án; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; phù hợp với quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để có cơ sở quyết định dự án đầu tư và triển khai các bước tiếp theo, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, với nội dung chủ yếu:
- Diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích sử dụng 1.054,63 ha, bao gồm: 111,84 ha rừng phòng hộ, 4,45 ha rừng đặc dụng, 802,91 ha rừng sản xuất, 135,43 ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng (có nguồn gốc rừng phòng hộ 14,89 ha, từ rừng đặc dụng 0,22 ha, từ rừng sản xuất 120,32 ha).
- Diện tích đất lâm nghiệp 1.863,94 ha, bao gồm: đất rừng phòng hộ 138,10 ha, đất rừng đặc dụng 4,61 ha, đất rừng sản xuất 1.721,23 ha.
- Diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên 1.721,96 ha.
Tờ trình cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh có dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện làm căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; triển khai thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định pháp luật. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa rà soát, điều chỉnh bổ sung diện tích đảm bảo chỉ tiêu quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh, cập nhật Dự án vào quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh có dự án trong quá trình thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai Dự án cần thống kê, kiểm đếm chính xác về loại đất, diện tích đất, tài sản trên đất, về loại rừng, diện tích rừng; giám sát tận thu đúng trong phạm vi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không để các đối tượng lợi dụng như khai thác lâm sản ngoài phạm vi cho phép, lấn, chiếm đất nông nghiệp, lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển khoáng sản không đúng quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phát sinh (nếu có).
Làm rõ nguyên nhân sự chênh lệch số liệu về chiếm dụng diện tích rừng, đất rừng và đất lúa giữa bước chủ trương đầu tư đã được Quốc hội thông qua.
Trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, ngày 11/01/2022, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 5.481 ha bao gồm đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha. Khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 44 quy định: “Giao Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương trước khi quyết định đầu tư Dự án”. Do đó, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phù hợp, đúng thẩm quyền theo quy định này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Có ý kiến cho rằng tại Nghị quyết số 44, Quốc hội không giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, tuy nhiên tại Tờ trình số 248, Chính phủ đề nghị xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của Dự án, do đó đề nghị cân nhắc về nội dung này. Nhiều ý kiến khác cho rằng Dự án có diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng lớn là 1.054,63 ha, trong đó rừng phòng hộ là 111,84 ha, rừng đặc dụng 4,45 ha, rừng sản xuất 802,91 ha, ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 145,43 ha, do đó, để bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về lâm nghiệp và phù hợp với tình hình thực tế thì đề xuất của Chính phủ là phù hợp. Theo đó, Hồ sơ kèm theo Tờ trình số 248 của Chính phủ đã cơ bản đáp ứng theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Nghị
Về sự phù hợp đối với quy hoạch lâm nghiệp và quy hoạch sử dụng đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung làm rõ hơn sự phù hợp của Dự án đối với các quy hoạch có liên quan khi các quy hoạch này vẫn đang trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt.
Mặc dù Tờ trình số 248, Chính phủ đã tiếp thu, giải trình các nội dung nêu trên, tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương cập nhật nhu cầu sử dụng đất, rừng của Dự án vào các quy hoạch có liên quan để bảo đảm chặt chẽ các cơ sở, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng, rừng, đất trồng lúa nước hai vụ cho Dự án.
Về diện tích đất rừng và đất lúa cần chuyển đổi, theo Tờ trình số 248, Dự án đang ở bước Báo cáo nghiên cứu khả thi, sau khi tính toán, chính xác lại số liệu so với Nghị quyết số 44 thì đất lâm nghiệp cần chuyển đổi là 1.863,94 ha, bao gồm: đất rừng phòng hộ 138,10 ha (tăng 28,10 ha tương đương 25,5%), đất rừng sản xuất 1.721,23 ha (tăng 285,23 ha tương đương 20%); diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên là 1.537,23 (tăng 5,23 ha). Do đó, một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn nguyên nhân sự chênh lệch số liệu về chiếm dụng diện tích rừng, đất rừng và đất lúa giữa bước chủ trương đầu tư đã được Quốc hội thông qua và Tờ trình số 248 về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án.
Ủy ban Kinh tế nhận thấy, trong bước nghiên cứu tiền khả thi, hướng tuyến chủ yếu được xác định trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50.000 - 1/100.000, do đó số liệu được tính toán mang tính tương đối. Tại bước lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất trồng lúa, việc xác định diện tích chiếm dụng, phân loại rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên được xác định trên nền bản đồ hiện trạng rừng, bản đồ hiện trạng sử dụng đất với tỷ lệ 1/2.000, nên đã phân định khá chi tiết, chính xác hơn về các loại rừng, về đất rừng, đất trồng lúa và được cắm mốc tại thực địa, thống nhất với địa phương, các cơ quan liên quan, đây là nguyên nhân chính dẫn đến chênh lệch số liệu giữa Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Theo báo cáo giải trình bổ sung của Chính phủ, hướng tuyến của Dự án đã được lựa chọn phù hợp, vừa bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật của đường cao tốc, vừa hạn chế tối đa việc chiếm dụng rừng (đặc biệt là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ), đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên và các địa phương có diện tích rừng, đất rừng, đất lúa cần chuyển đổi phục vụ Dự án đã thống nhất bằng văn bản về hướng tuyến. So với hướng tuyến bước nghiên cứu tiền khả thi, trong bước nghiên cứu khả thi, hướng tuyến đã điều chỉnh cục bộ tại một số vị trí nhằm nâng cao hiệu quả, bảo đảm kinh tế - kỹ thuật. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này cơ bản không thay đổi nhiều về số liệu chiếm dụng rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án. Đồng thời, khu vực tuyến cao tốc đi qua chủ yếu là rừng trồng, rừng tự nhiên chỉ phân bố tại một số vị trí cục bộ, chiếm diện tích rất nhỏ (39,83 ha/1054,63 ha tổng diện tích rừng đề nghị thu hồi) và đây là khu vực bìa rừng nên chủ yếu là rừng tự nhiên có trữ lượng rừng ở mức nghèo kiệt.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị làm rõ tác động của việc thay đổi diện tích rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên đối với tổng mức đầu tư Dự án và phương án phát triển đất, trồng rừng, trồng lúa thay thế đối với phần diện tích cần chuyển đổi cho Dự án theo quy định pháp luật.
Có ý kiến cho rằng, diện tích đất trồng lúa hai vụ đề nghị chuyển mục đích sử dụng là 1.573,23 ha, theo đó tổng số tiền phải nộp để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa của chủ đầu tư Dự án là khoảng 388 tỷ đồng, do vậy, đề nghị các cơ quan liên quan phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm quản lý đối với diện tích đất trồng lúa hai vụ. Có ý kiến đề nghị lưu ý không chuyển đổi đất rừng để lấy mỏ khai thác vật liệu cho Dự án. Một số ý kiến đề nghị trong các bước tiếp theo khi triển khai thực hiện cần chú ý đến vấn đề có liên quan đến an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, chống biến đổi khí hậu, bảo đảm sinh kế của người dân khi bị thu hồi đất rừng, đất lúa phục vụ Dự án.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng nhận thấy tại Tờ trình số 248 Chính phủ đã tiếp thu, giải trình các ý kiến nêu trên; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát chặt chẽ diện tích đất rừng và diện tích đất trồng lúa hai vụ cần chuyển đổi, bảo đảm tối ưu diện tích đất cần chuyển đổi để thực hiện Dự án, chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu này và khẩn trương trồng rừng thay thế, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm quản lý đối với diện tích đất trồng lúa nước hai vụ theo đúng quy định pháp luật.
Về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, tại điểm a khoản 1 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết có nêu: “Trong quá trình thực hiện Dự án mà có sự thay đổi số liệu về diện tích thực tế so với số liệu về diện tích so với số liệu tại dự thảo Nghị quyết thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có dự án báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định để triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu và bản đồ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt” và khoản 2 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết (kèm theo Tờ trình số 153): “Trong quá trình tổ chức thực hiện Dự án, trường hợp phát sinh diện tích chiếm dụng rừng (do xây dựng khi tái định cư, khai thác mỏ vật liệu, nhu cầu đổ chất thải rắng xây dựng... để thực hiện Dự án) mà thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì cho phép Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định”, về vấn đề này, đa số ý kiến đề nghị bỏ nội dung này tại dự thảo Nghị quyết, do không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Chính phủ đã bỏ các nội dung này tại dự thảo Nghị quyết kèm theo Tờ trình số 248. Đối với những vấn đề phát sinh, trong quá trình giám sát triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 không có vấn đề lớn liên quan cần xử lý, Ủy ban Kinh tế đề nghị thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp: