TIẾP THU KIẾN NGHỊ CỬ TRI, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CẤP THIẾT CỦA ĐẤT NƯỚC

13/05/2022

Tại Phiên họp thứ 11 của UBTVQH, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, qua báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, cử tri đánh giá cao Quốc hội, UBTVQH đã quan tâm tiếp nhận kiến nghị cử tri, chủ động, tích cực và hiệu quả trong các hoạt động, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của Nhân dân.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2 tại Phiên họp thứ 11

Theo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, cử tri tin tưởng và đánh giá cao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần chủ động dự báo; vào cuộc từ sớm, từ xa; phối hợp và giữ vững kỷ cương đã tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ cho Chương trình phòng, chống dịch Covid -19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của Nhân dân. Thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã linh hoạt điều chỉnh phương thức làm việc đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, tiếp nhận và trả lời 100% kiến nghị từ các cử tri.

Trưởng Ban Dân nguyện nêu rõ, về công tác xây dựng pháp luật, tiếp thu kiến nghị cử tri về đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng luật, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, hoạt động này tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới, tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật. Đảng đoàn Quốc hội ban hành Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm; lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt triển khai Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng chương trình pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn chủ động xem xét, cho ý kiến về các dự án luật ngay “từ sớm, từ xa” và có chỉ đạo kịp thời khi phát sinh vướng mắc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về 04 dự án luật. Hội nghị đã dành nhiều thời gian để các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến toàn diện các dự án Luật, nhất là các vấn đề lớn, quan trọng và các vấn đề còn có ý kiến khác nhau; cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp cơ quan soạn thảo đã báo cáo giải trình, tiếp thu để xin ý kiến Hội nghị ĐBQH chuyên trách nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng các dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua...

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo

Ngoài ra, tiếp thu kiến nghị cử tri về việc thu hút, tập trung và phát huy trí tuệ các chuyên gia, nhà khoa học có kiến thức rộng và có kinh nghiệm thực tế trong các lĩnh vực tham gia quá trình xây dựng pháp luật, ngày 16/02/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 15/2022/Ủy ban Thường vụ Quốc hội15 quy định việc sử dụng chuyên gia của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, làm cơ sở cho việc sử dụng chuyên gia hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức, địa phương.

Bên cạnh đó, Trưởng Ban Dân nguyện cũng cho biết, về hoạt động giám sát, tiếp thu kiến nghị cử tri về đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác giám sát, trong đó, tập trung vào giám sát những vấn đề bức xúc cử tri đang quan tâm, Tổng Thư ký Quốc hội đã thông tin đến cử tri về việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định hoạt động giám sát là trọng tâm, then chốt. Hoạt động giám sát đã được Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai Chương trình giám sát năm 2022, theo đó đã quán triệt và thống nhất các nội dung, giải pháp thực hiện đối với từng hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể giám sát, các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, thông suốt trong triển khai thực hiện.

Theo đó, trong năm 2022, các vấn đề được cử tri quan tâm, gắn với công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn giám sát, cụ thể: Quốc hội giám sát tối cao 02 chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”, “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 02 chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”, “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”.

Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giám sát của Quốc hội có nhiều đổi mới mạnh mẽ. Tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương về tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa … và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm trục lợi; việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt… là những lĩnh vực có phạm vi rộng, ảnh hưởng và tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm.

Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn, trong đó đã ghi nhận các giải pháp, cam kết của Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường và các thành viên Chính phủ có liên quan tại phiên chất vấn, đồng thời yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn./.

Hồ Hương

Các bài viết khác