Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết và thống nhất bổ sung Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Khánh Hòa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; thống nhất áp dụng trình tự xem xét thông qua Nghị quyết tại một kỳ họp và trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết nhất trí bổ sung Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Khánh Hòa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội cho phép tỉnh Khánh Hòa được thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù cụ thể như sau:
Một là, về 06 chính sách đặc thù được áp dụng tại các tỉnh, thành phố khác đang thực hiện thí điểm: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với nội dung như Chính phủ trình gồm: tăng thêm mức dư nợ vay; được ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ số tăng thu; được phân bổ thêm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng dự toán chi thường xuyên; Hội đồng nhân dân tỉnh được quyết định cho phép các huyện, thị xã, thành phố sử dụng ngân sách của mình hỗ trợ huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh; địa phương được quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị; địa phương được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha, chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Đề nghị Chính phủ rà soát lại 06 chính sách để thể hiện đầy đủ, chặt chẽ trong Dự thảo Nghị quyết như các chính sách đã được Quốc hội ban hành cho các tỉnh, thành phố khác thực hiện thí điểm và nghiên cứu bổ sung quy định cho phép sử dụng nguồn thu hợp pháp khác của tỉnh Khánh Hòa để hỗ trợ huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh. Rà soát, quy định lại theo hướng cho phép Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh chuyển đổi mục đích đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha; được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng dự toán chi thường xuyên (thay thế mức được hưởng quy định tại khoản 16 Điều 5 của Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận
Hai là, về 04 chính sách đặc thù riêng cho tỉnh Khánh Hòa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với định hướng chính sách Chính phủ trình, với mỗi chính sách đề nghị rà soát, hoàn thiện thêm để trình Quốc hội, cụ thể:
Về thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm: Nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan được giao thực hiện chuẩn bị thu hồi đất, trách nhiệm phối hợp của Ủy ban nhân dân cấp xã; trình tự, thủ tục triển khai và hiệu lực pháp lý của kết quả điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; đánh giá, nghiên cứu thêm việc áp dụng thí điểm cơ chế này cho một số dự án đầu tư công. Đồng thời, cần làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân trong vùng dự án.
Về tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công (dự án nhóm B thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi): Nghiên cứu bổ sung các quy định để xử lý và có chế tài đối với trường hợp thu hồi đất, bồi thường, tái định cư xong nhưng không thực hiện dự án như quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư; quy định nghiêm cấm thay đổi mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng, cho thuê trái với chủ trương đầu tư được phê duyệt. Nghiên cứu dùng cụm từ phù hợp thay thế cho cụm từ “giải phóng mặt bằng”.
Về một số chính sách đặc thù để phát triển Khu kinh tế Vân Phong: Nghiên cứu bổ sung các điều kiện cụ thể để nhà đầu tư phải cam kết bảo đảm an ninh quốc phòng; cần có chế tài cụ thể đối với nhà đầu tư vi phạm các cam kết, các nghĩa vụ, các quy định phải thực hiện; làm rõ nội hàm tổ chức kinh tế nhà đầu tư phải thành lập, các chính sách nhà nước ưu tiên hỗ trợ thủ tục đầu tư, hỗ trợ bồi thường, tái định cư… Cân nhắc nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để thu hút các nhà đầu tư (như phân cấp, phân quyền chủ trương đầu tư, cấp giấy phép đầu tư đối với các dự án cho nhà đầu tư chiến lược trong Khu kinh tế Vân Phong; cơ chế khấu trừ bổ sung chi phí nghiên cứu phát triển khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp;...).
Về một số chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thuộc phạm vi khu vực biển do tỉnh Khánh Hòa quản lý: Rà soát, quy định chặt chẽ để thu hồi ưu đãi, giấy phép, chấm dứt hoạt động các trường hợp được giao khu vực biển để nuôi trồng thủy hải sản nhưng không sử dụng đúng mục đích, không tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan; quy định nghiêm cấm chuyển nhượng hoặc cho người nước ngoài sử dụng khu vực biển được giao, được cấp phép. Nghiên cứu thêm các cơ chế ưu đãi phù hợp để khuyến khích việc nuôi trồng thủy hải sản trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; các cơ chế, chính sách để phát triển các cơ sở hậu cần nghề cá, phòng, chống thiên tai và một số nội dung quy định về tổ chức bộ máy như một số các cơ chế áp dụng cho các địa phương khác như thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa; áp dụng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư mới về nuôi trồng thuỷ hải sản xa bờ, ngoài 6 hải lý như mức thuế đã áp dụng tại địa bàn đặc biệt khó khăn, từ 3-6 hải lý áp dụng mức ưu đãi như dự án đầu tư mới tại địa bàn khó khăn; áp dụng mức ưu đãi về thời hạn miễn tiền sử dụng mặt nước cho các dự án nuôi trồng thuỷ hải sản trong phạm vi 3-6 hải lý bằng mức tại địa bàn khó khăn (15 năm), đối với các dự án ngoài 6 hải lý bằng mức tại địa bàn khó khăn (15 năm) và giảm 50% cho thời gian còn lại.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu tối đa các ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội; đồng thời Giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2022)./.