UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT ĐIỆN ẢNH (SỬA ĐỔI)

22/03/2022

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, sáng ngày 22/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

 

Toàn cảnh phiên họp

Báo cáo một số vấn đề về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, quy định về chính sách Nhà nước tại dự thảo Luật được xây dựng và chỉnh lý trên cơ sở kế thừa Luật hiện hành và yêu cầu thực tế. Bên cạnh việc đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, rất cần có các chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội để phát triển công nghiệp điện ảnh.

Về sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho biết, quy định các hình thức sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu; giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đối với phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước và quy trình lựa chọn dự án sản xuất phim.

Về phổ biến phim trên không gian mạng, Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục đồng tình việc quy định thống nhất tại dự thảo Luật về thực hiện “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng; đồng thời, bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, biện pháp tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh báo cáo một số vấn đề về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Đối với việc cấp giấy phép phân loại phim, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho biết, thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, dự thảo Luật quy định phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép phân loại phim. Đồng thời lược bỏ quy định Giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp có giá trị ngang nhau.

Liên quan tới quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, Thường trực Uỷ ban nhận thấy, dự thảo Luật và nội dung giải trình về thành lập Quỹ được nêu trong Tờ trình của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 2 chưa giải quyết được các bất cập, cũng như sự cấp thiết, khả thi của quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2. Do đó, Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phương án bỏ các điều 42, 43, 44 ra khỏi dự thảo Luật và phương án giữ quy định tại Mục 2 lại như dự thảo Luật.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo tại phiên họp

Thay mặt Chính phủ báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc thu hút các tổ chức nước ngoài đến Việt Nam quay phim hoặc hợp tác sản xuất phim là rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển điện ảnh, các ngành dịch vụ liên quan, đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Vì vậy, việc quy định các chính sách ưu đãi nhằm thu hút các tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam là rất cần thiết.

Về việc cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức cá nhân nước ngoài, cơ quan soạn thảo nhận thấy, qua thực tiễn công tác thẩm định kịch bản hiện nay, tóm tắt phim chưa thể hiện hết được nội dung phim, việc thẩm định kịch bản để bảo đảm các nội dung có liên quan đến an ninh, chính trị và cần phải được xem xét trên kịch bản đầy đủ. Một số quốc gia như như Trung Quốc, Thái Lan đều yêu cầu gửi kịch bản đầy đủ để thẩm định. Như vậy mới bảo đảm được vấn đề liên quan đến chính trị, chủ quyền của Việt Nam. Do vậy, Chính phủ đề nghị giữ nguyên quy định tại dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV quy định thẩm định kịch bản đối với dự án phim sử dụng dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam

Liên quan tới Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc quy định thành lập và hoạt động của Quỹ phát triển điện ảnh với sự hỗ trợ nguồn vốn ban đầu của Nhà nước là cần thiết vì điện ảnh là một ngành công nghiệp mang tính rủi ro cao, khó thu hút đầu tư. Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là một công cụ hiệu quả nhằm hỗ trợ điện ảnh dân tộc trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc xác định nguồn thu ổn định để duy trì hoạt động là điểm mấu chốt cho việc thành lập và duy trì hoạt động của Quỹ. Chính phủ đã nghiên cứu các yêu cầu đề ra về việc không trùng lặp nguồn thu ngân sách với nguồn thu của Quỹ, đồng thời không được tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tham gia thảo luận tại phiên họp

Thảo luận tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Ủy ban Văn hoá, Giáo dục đã phối hợp tích cực và chặt chẽ với các cơ quan soạn thảo, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện Dự thảo Luật và báo cáo giải trình một cách kỹ lưỡng, công phu, đồng thời các đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo. Theo đó, các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận về các chính sách phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; tính khả thi, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đảm bảo điều kiện phát triển điện ảnh trong công nghiệp điện ảnh; các phương án khác nhau về quy định hoạt động điện ảnh liên quan đến nước ngoài, chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam; việc sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; phổ biến phim trên không gian mạng và quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh,…

Liên quan đến chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam, các đại biểu cho rằng, dự thảo đang quy định có chính sách ưu đãi liên quan đến giảm thuế, miễn thuế, hoàn thuế, thuế giá trị gia tăng, tuy nhiên nếu quy định như dự thảo Luật hiện nay mà không sửa đồng bộ trong Luật Thuế giá trị gia tăng sẽ không có tính khả thi, nếu quy định về chính sách ưu đãi như trong dự thảo Luật thì phải sửa đồng bộ Luật Thuế giá trị gia tăng.

Theo các đại biểu, Quỹ phát triển điện ảnh đã được quy định tại Luật Điện ảnh năm 2006 nhưng đến nay, đã 16 năm, quỹ này vẫn chưa được thành lập do không đảm bảo được nguồn thu. Do đó đề nghị, nếu quy định về quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh thì cần đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, cùng phải đó phải có phương án rõ ràng, khả thi về nguồn thu của quỹ để đảm bảo quỹ có thể thành lập và hoạt động được.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến chỉ đạo tại phiên họp

Cho ý kiến chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự tích cực phối hợp của cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã lắng nghe, tiếp thu dự án Luật này, đồng thời bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến trong báo cáo tiếp thu, giải trình. Nhấn mạnh các quan điểm, mục tiêu ban đầu là vấn đề cốt lõi, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo rà soát các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu xây dựng luật ban đầu xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi); cùng với đó, dự án Luật phải thể hiện nhất quán qua việc tiếp cận điện ảnh bằng hai góc nhìn, đó là tác phẩm văn học nghệ thuật và ngành công nghiệp văn hoá.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nếu coi ngành công nghiệp điện ảnh là ngành kinh tế thì phải tuân theo quy luật kinh tế, tuy nhiên, ngành công nghiệp điện ảnh là lĩnh vực văn hoá nên Nhà nước phải đầu tư, chăm sóc, quan tâm để thể thiện ngành điện ảnh góp phần xây dựng văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời khuyến khích việc sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật, thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, giá trị nhân văn, giá trị giáo dục. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trước khi trình dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) ra Quốc hội phải bảo đảm được những yêu cầu trên. Nhấn mạnh quan điểm của Đảng là văn hoá đặt ngang tầm với kinh tế và chính trị, tuy nhiên kinh đầu tư cho lĩnh vực văn hoá còn khiêm tốn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong dự án Luật cần thể hiện được sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ cho ngành điện ảnh, đây là một minh chứng để quán triệt thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với phát triển văn hóa, cụ thể là ngành điện ảnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung phiên họp

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) là một trong các dự án luật sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, do đó cần cố gắng hoàn thiện để đạt chất lượng tốt nhất và được sự đồng tình cao của các vị đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự thảo Luật đã đạt được sự đồng thuận cao giữa cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo, các ý kiến của thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với dự thảo luật và dự thảo báo cáo. Tuy nhiên, đây là một luật rất khó, do đó cần phải tiếp tục rà soát lại mục tiêu, quan điểm, yêu cầu khi xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi). Đồng thời đề nghị lưu ý về giải thích từ ngữ trong luật, phân loại phim, hành vi nghiêm cấm, cụ thể cấm vấn đề gì, làm rõ về việc xử lý vi phạm, cũng như các giải pháp ngăn chặn, tránh tình trạng nêu chung chung.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục chủ trì, chủ động phối hợp với Ban soạn thảo, các Ủy ban Quốc hội, các cơ quan có liên quan để tiếp thu đầy đủ, thấu đáo các ý kiến, hoàn thiện các văn bản có liên quan để xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vào ngày 29/3. Sau đó, gửi xin ý kiến Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, hoàn thiện gửi hồ sơ đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV…/.

Minh Thành - Phạm Thắng