Bảo đảm lợi ích hài hoà giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
Chất vấn về việc việc cung ứng xăng dầu, ĐBQH Nguyễn Đại Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho biết, thời gian qua giá dầu thế giới luôn tăng cao, nguồn cung trong nước bị thiếu hụt do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm sản lượng sản xuất vì gặp khó khăn về tài chính. Từ đó, phụ phí mỗi thùng dầu tăng từ 2 đến 3 lần so với năm 2021, dẫn đến nhiều doanh nghiệp, đầu mối nhập khẩu xăng dầu buộc phải giảm chiết khấu của các đại lý, giá bán của nhiều đại lý có thời điểm không đủ bù chi phí nên có hiện tượng có một số đại lý cửa hàng xăng dầu tư nhân găm hàng, treo biển hết xăng để chờ tăng giá, giá bán lẻ xăng dầu trong nước lên cao nhất trong 8 năm qua ảnh hưởng đến sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Từ thực tế này, đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp để bảo đảm lợi ích hài hoà giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu trong nước.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, giá xăng dầu thế giời biến động từng ngày theo chiều hướng tăng cao do đứt gẫy nguồn cung, biên độ giá tăng từ 40 – 60%. Trong bối cảnh ấy, thị trường trong nước gặp khó khăn do liên doanh Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cung ứng từ 35-40 sản phẩm xăng dầu trong nước bị giảm đột ngột, từ 100% giảm xuống có lúc chỉ còn 55% và thường xuyên chỉ ở vận hành ở mức 70-80% công suất.
Trước tình hình như vậy, từ đầu năm 2022, Bộ Công thương đã chủ động tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp chỉ đạo nhập khẩu đủ sản lượng để bù vào thiếu hụt. Bộ trưởng khẳng định, hết Quý I/2022 vẫn đảm bảo đủ cho nhu cầu trong nước, cụ thể là đến giữa tháng 2 thì cả nước vẫn còn trữ lượng 3 triệu khối xăng dầu, đủ điều kiện đến hết tháng 3. Trong thời tới, các đầu mối của Bộ sẽ tăng cường nhập khẩu hơn mức bình thường (gấp đôi) để đảm bảo dự trữ trong bối cảnh biến động phức tạp của thị trường thế giới.
Về giá, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, liên Bộ Tài chính – Công thương đã điều hành theo đúng quy định của pháp luật, tức là 10 ngày/lần và bám sát giá thế giới. Giá xăng dầu thế giới đã tăng 40-46% so với 2021, nhưng trong nước mới tăng 29%, thấp hơn so với thế giới. So sánh như vậy để thấy rằng giá xăng dầu trong nước đã được điều hành linh hoạt và phù hợp, mức hỗ trợ hiện tại đang ở mức dao động từ 500-1500đ/lít xăng dầu. Gần đây, khi giá tăng cao, Bộ Công thương cùng các bộ, ngành liên quan đã tham mưu Chính phủ kiến nghị Quốc hội giảm thuế môi trường, qua đó giảm giá xăng dầu, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế nhanh hơn. Cùng với đó, công tác thanh kiểm tra của ngành quản lý thị trường đã thực hiện ở hầu hết các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Cây xăng nào vi phạm thì đều bị xử lý nghiêm.
Liệu có mâu thuẫn trong quá trình điều hành xăng dầu?
Cũng liên quan đến vấn đề điều hành giá xăng dầu, ĐBQH Trần Văn Sáu, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu thực tế, giá xăng dầu cơ sở trên thị trường thế giới ở kỳ điều hành giá gần đây có biến động khá lớn so với thời điểm đầu năm 2022, cụ thể từ từ 44 - 60,02%, nên cùng với biến động này, giá tại thị trường trong nước cũng tăng từ 24,91 - 39,56%. Từ thực tế này, đại biểu đặt vấn đề, quá trình điều hành xăng dầu như vậy có gì mâu thuẫn? Thiệt hại này do ai gánh chịu?
Trả lời về nguyên nhân giá xăng dầu trong nước có biên độ biến động thấp hơn so với giá cơ sở trên thị trường thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công thương cùng với Bộ Tài chính, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, đã sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Bộ trưởng nhấn mạnh, “nếu không trích từ Quỹ này từ 500 - 1.500 đồng/lít trong một kỳ điều hành thì không thể có giá thấp hơn giá thế giới”. Theo Bộ trưởng vì thị trường trong nước và thị trường thế giới như bình thông nhau, để giảm biên độ biến động giá xăng dầu thời gian qua là nhờ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Cũng theo Bộ trưởng, trong bối cảnh thực hiện nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, thì việc duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu là vô cùng quan trọng, nhưng quỹ này có hạn, hiện còn khoảng trên dưới 600 nghìn tỷ đồng, trong khi đó có doanh nghiệp nhập khẩu âm quỹ này rất lớn.
Trong trường hợp Quỹ bình ổn giá xăng dầu không còn nữa, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, "hiện hai Bộ đã đề nghị Chính phủ và Chính phủ cũng đã xây dựng dự thảo Nghị quyết đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm thuế bảo vệ môi trường. Nhưng nếu khi giá thế giới tăng cao sẽ tiếp tục sử dụng các loại thuế, phí khác. …". Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nêu rõ, "để kìm giá, giữ chỉ số CPI, đối tượng dễ tổn thương không khó khăn hơn, thì các bộ ngành, cơ quan hữu quan sẽ đề nghị Chính phủ sử dụng các quỹ an sinh xã hội hỗ trợ từ ngân sách để hỗ trợ đối tượng yếu thế, với doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu".
Cần giải pháp căn cơ
Tranh luận với phần trả lời của Bộ trưởng, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nêu vấn đề, Bộ trưởng cho biết nguồn cung không thiếu, chúng ta sẽ tăng cường nhập khẩu. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ nguồn cung phụ thuộc vào nước ngoài như vậy thì các nhà máy lọc dầu trong nước có vai trò như thế nào trong việc bình ổn giá xăng dầu, bảo đảm nguồn cung trong nước. "Bên cạnh Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Bộ trưởng có giải pháp nào căn cơ hơn để quản lý số lượng xăng dầu đưa ra thị trường trong nước, giá cả trên thị trường", đại biểu nêu câu hỏi.
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang
Liên quan đến nội dung tranh luận của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, vai trò của nhà máy lọc dầu trong nước hiện nay là một ẩn số trong phương trình giải bài toán nguồn cung trong nước. Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam có thời điểm không có nhà máy lọc dầu nào nhưng trong nước vẫn không thiếu xăng dầu, các nước bên cạnh không có nhà máy lọc dầu cũng không thiếu. Trong khi đó, các nước có nhà máy lọc dầu thì cũng không có giá chênh lệch quá xa so với giá thế giới.
Cung cấp thông tin về hoạt động các nhà máy lọc dầu trong nước, Bộ trưởng nêu rõ, Việt Nam hiện có hai nhà máy lọc dầu lớn là Bình Sơn và Nghi Sơn. Nhà máy Bình Sơn do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư hoạt động ổn định, công suất cung cấp 30-35% tổng lượng xăng dầu trong nước. Nghi Sơn là nhà máy liên doanh với đối tác nước ngoài thì hoạt động không hiệu quả.
Cho biết về vấn đề nội tại của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, theo Bộ trưởng chủ yếu là vấn đề tài chính. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với tư cách là một bên trong liên doanh, đã báo cáo vấn đề này với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tập đoàn này cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng để đấu tranh, yêu cầu hai liên doanh còn lại thực hiện đúng cam kết cung ứng dầu ra thị trường trong nước,...
Chia sẻ với những khó khăn trong điều hành cung ứng xăng dầu trong nước trước những diễn biến phức tạp của thị trường thế giới, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang cho rằng, tình hình căng thẳng, thiếu xăng dầu, có thể dẫn đến gián đoạn kinh tế của đất nước, trong khi sản phẩm nhiên liệu dự trữ quốc gia có số lượng thấp và phải được hiểu theo cơ chế luật dự trữ dự trữ quốc gia. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cũng như Chính phủ nêu giải pháp để bảo đảm căn cơ việc tiêu dùng của người dân, việc dự trữ của doanh nghiệp trong thời gian tới, nhất là khi thực tế một số nhà máy sản xuất, nhà máy lọc dầu trong nước đến nay vẫn chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất.
Giải đáp chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong bối cảnh xăng dầu thế giới diễn biến vừa qua cho thấy nếu không có một chiến lược, giải pháp căn cơ thì trong tương lai, mặt hàng này còn gặp nhiều khó khăn.
Về giải pháp, Bộ trưởng nêu rõ, đối với hoạt động của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần hoàn thiện đề án chiến lược về dự trữ. Từ góc độ quản lý nhà nước về ngành, Bộ trưởng nhận thấy trước hết phải đẩy mạnh năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa khai thác, vừa chế biến xăng dầu.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan, đặc biệt là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tham mưu các cấp có thẩm quyền giải quyết một cách triệt để những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của liên danh Lọc hóa dầu Nghi Sơn để làm sao đơn vị này phải giữ được cam kết ban đầu là cung cấp cho thị trường lượng xăng dầu nội địa từ 35 - 40% trong kỳ.
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ nghiên cứu có thể tăng cường hơn nữa Quỹ bình ổn xăng dầu theo cơ chế trích lập giá xăng dầu bán ra thị trường trong kỳ. Trong tương lai chúng tôi sẽ nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, sẽ kiên trì tham mưu với cấp có thẩm quyền để vừa nâng quy mô của Quỹ bình ổn, xem xét tạo nguồn quỹ này như thế nào, từ ngân sách hay là việc trích lập trên trên mỗi lít xăng dầu để có thể có được nguồn quỹ bình ổn đúng nghĩa, tuân thủ quy luật thị trường.
Ngoài ra, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tham mưu các cấp có thẩm quyền để nâng mức dự trữ, dự phòng. "Hiện nay lượng dự trữ không lớn. Trong tương lai chắc chắn phải nâng dự phòng lên thì mới ổn định được, thậm chí ít nhất là hàng chục lần so với hiện nay,..". Bộ trưởng cho biết.
Các vị Đại biểu Quốc hội dự phiên chất vấn tại điểm cầu phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội
Cũng tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội còn chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản;…/.