TRÌNH ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI DỰ ÁN LUẬT ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ

16/09/2019

Chiều ngày 16/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Tờ trình dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Trình bày Tờ trình dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện quy định chi tiết cho hoạt động PPP mới chỉ dừng ở cấp Nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật (Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng...). Do vậy, để tiếp tục thúc đẩy đầu tư PPP thì cần có khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn. Nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính bền vững của các quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng. Hiện khung pháp lý còn thiếu các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như đảm bảo việc thực hiện dự án thành công. Do đó, việc ban hành một đạo luật riêng để đảm bảo tính đặc thù của đầu tư PPP, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng là cần thiết với mục tiêu ổn định, lâu dài, bền vững.

Toàn cảnh phiên họp

Việc xây dựng dự án Luật nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế nói chung và phát triển kết cấu hạ tầng nói riêng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Xây dựng khung pháp lý riêng biệt, kế thừa các quy định về PPP đã triển khai hiệu quả; xử lý các khác biệt giữa quy định hiện hành về PPP với các Luật khác; khắc phục các tồn tại, bất cập trên tinh thần tránh xáo trộn, ảnh hưởng các dự án đã và đang triển khai. Đảm bảo quy định của Luật phù hợp với các cam kết quốc tế về đầu tư, thương mại; tuân thủ nguyên tắc kinh tế thị trường, lấy lợi ích cho người dân, nhà nước và nhà đầu tư là trọng tâm khi xây dựng chính sách. Tạo lập cơ chế thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả, đơn giản. Thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực của khu vực tư nhân cũng như các nguồn lực của Nhà nước trong dự án PPP, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế, xã hội của đất nước. 

Dự thảo Luật PPP được bố cục thành 11 chương với 102 điều, trên cơ sở kế thừa Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về PPP; đồng thời bổ sung một số chính sách mới, cụ thể như sau:

Để đảm bảo tính thống nhất giữa Luật này và các Luật có liên quan, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo quy định theo hướng: các nội dung thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan (đầu tư công, ngân sách Nhà nước, xây dựng..) được dẫn chiếu cụ thể; các nội dung cần sửa đổi của Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ môi trường được nêu rõ về điều, khoản, điểm cụ thể tại Điều 101 dự thảo Luật.

Ngoài ra, để đảm bảo tính đặc thù đối với dự án PPP, tại khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật quy định trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và các luật khác về trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án PPP; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; luật áp dụng; bảo đảm đầu tư; cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án PPP thì thực hiện theo quy định của Luật này.

Dự thảo Luật đã được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định và thống nhất quan điểm là một vấn đề, một nội dung chỉ nên được quy định tại một Luật; Luật ban hành sau không nên “lấn sân” sang Luật chuyên ngành. Đối với nội dung này, nhằm đảm bảo tính đặc thù cho dự án PPP mà không phá vỡ tính chỉnh thể, thống nhất của hệ thống pháp luật, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét lại quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện cũng đang được thảo luận để sửa đổi.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình

Về phạm vi áp dụng trong lĩnh vực đầu tư, dự thảo được thiết kế theo hướng lược bỏ các lĩnh vực không được triển khai theo PPP trên thực tế hoặc có triển khai theo PPP nhưng không hiệu quả hoặc không hấp dẫn khu vực tư nhân hoặc đã triển khai ổn theo các phương thức đầu tư khác (xã hội hóa, đầu tư tư nhân; liên kết 4 nhà trong lĩnh vực nông nghiệp). Tuy nhiên, để xử lý linh hoạt trong thực tiễn, trường hợp phát sinh về lĩnh vực, Bộ, ngành, địa phương được đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về quy mô thực hiện dự án PPP (Khoản 2 Điều 5), dự thảo Luật đang quy định nguyên tắc ngưỡng tối thiểu thực hiện dự án PPP - theo từng lĩnh vực do Chính phủ quy định chi tiết nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng (trừ dự án áp dụng loại hợp đồng Kinh doanh – Quản lý (O&M) là dự án cung cấp dịch vụ, không có cấu phần xây dựng).

Về Hội đồng thẩm định dự án PPP, dự thảo Luật đề xuất cơ chế Hội đồng thẩm định cho các dự án PPP. Tùy theo quy mô, tính chất, yêu cầu dự án, Hội đồng thẩm định có các cấp khác nhau như các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thì phải được xem xét bởi Hội đồng thẩm định nhà nước; đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư thì thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành.

Quy trình chung thực hiện dự án PPP theo quy định hiện hành đã tiệm cận với thông lệ quốc tế, cụ thể bao gồm các khâu: Chuẩn bị đầu tư; Lựa chọn nhà đầu tưThành lập doanh nghiệp dự án và ký kết hợp đồng; Triển khai thực hiện dự án. Ngoài ra, Dự thảo Luật thiết kế quy trình đặc thù cho dự án ứng dụng công nghệ cao (ví dụ các dự án BOT điện công nghệ cao, dự án xử lý rác thải phát điện sử dụng công nghệ mới, dự án có phương án kinh doanh mới theo xu hướng 4.0...), tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện ngay sau khi quyết định chủ trương đầu tư; sau đó nhà đầu tư trúng thầu sẽ tổ chức lập FS và thực hiện hợp đồng.

Liên quan đến việc việc lựa chọn nhà đầu tư, dự thảo Luật thiết kế một chương riêng về nội dung này (Chương III dự thảo Luật) và đề xuất bãi bỏ nội dung tương ứng tại Luật Đấu thầu 2013 (Điều 101 dự thảo Luật). Đây là việc cần thiết để đảm bảo tính thống nhất, chỉnh thể của văn bản quy phạm pháp luật về PPP, đảm bảo tính liên tục của quy trình thực hiện một dự án PPP.

Dự thảo Luật cũng kế thừa Nghị định 63/2018/NĐ-CP với 07 loại hợp đồng cơ bản theo 03 nhóm: thu phí từ người sử dụng – BOT, BTO, BOO, O&M; nhà nước thanh toán theo chất lượng dịch vụ - BLT, BTL; đổi nguồn lực công lấy công trình – BT.

Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lựa chọn của người dân, người sử dụng, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật quy định: Đối với các dự án nâng cấp, cải tạo, không áp dụng nhóm hợp đồng mà doanh nghiệp dự án được kinh doanh thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng.

Để khẳng định tính đặc thù của doanh nghiệp dự án PPP, đồng thời nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp dự án PPP huy động được các nguồn vốn thứ cấp, giảm chi phí vốn đầu tư, dự thảo Luật PPP quy định: doanh nghiệp dự án PPP được thành lập cho mục đích duy nhất là thực hiện dự án PPP theo hợp đồng được ký kết (theo thông lệ quốc tế), có trách nhiệm huy động ngay vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư để triển khai dự án. Doanh nghiệp dự án PPP được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn thứ cấp, sau khi hoàn thành xây dựng công trình đối với dự án có cấu phần xây dựng hoặc sau khi chuyển sang giai đoạn vận hành đối với dự án không có cấu phần xây dựng. Vốn huy động thông qua hoạt động phát hành trái phiếu không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào ngoài mục đích phục vụ dự án PPP. Doanh nghiệp dự án chỉ được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này, không được phát hành cổ phiếu đại chúng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trên cơ sở Tờ trình một số nội dung cơ bản của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Sau khi nghe Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và cho ý kiến về sự cần thiết ban hành; các nội dung cụ thể của dự án Luật này./.

Thu Phương – Trọng Quỳnh

Các bài viết khác