Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Cho ý kiến đối với dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí sự cần thiết phải xây dựng, ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cũng như phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Song Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần phải tiếp tục rà soát những quy định thủ tục hòa giải, đối thoại tại tòa theo Luật này phải phù hợp với các quy định trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí sự cần thiết phải xây dựng, ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay chúng ta tồn tại 2 loại hòa giải, đối thoại. Đó là: hòa giải, đối thoại trong tố tụng và hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng. Do đó, dự thảo Luật này cần phải xác định rõ bản chất của hòa giải, đối thoại tại Tòa án là trong tố tụng hay ngoài tố tụng? Và mối quan hệ giữa hòa giải, đối thoại tại Tòa theo quy định dự thảo Luật này với thủ tục hòa giải, đối thoại trong giai đoạn chuẩn bị xét xử tại Tòa án; làm rõ bản chất, mối quan hệ, cũng như mối quan hệ với hoạt động hòa giải tiền tố tụng trong các lĩnh vực lao động, hôn nhân gia đình, tranh chấp thương mại, đất đai v.v...
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một kênh giải quyết tranh chấp mới. Qua tổng kết thí điểm thực hiện cơ chế này thì các vụ việc lao động, thương mại, tranh chấp hợp đồng kinh tế giá trị lớn đạt tỷ lệ ít mà chủ yếu là hôn nhân gia đình. Do đó nếu như có cơ chế khuyến khích, có sự tổ chức nhân những điểm tốt lên thì có thể tỷ lệ hòa giải các vụ việc dân sự, lao động, thương mại sẽ dần dần tăng lên. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật xác định, dù được ít cũng giảm tải cho tòa án, huy động được trí tuệ của những người đã làm nghề, đã nghỉ hưu, tạo ra không khí xã hội mềm mại, nhẹ nhàng, tránh căng thẳng nếu đưa nhau ra Tòa; đồng thời giữ được bí mật cho các doanh nghiệp động thương mại. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị hồ sơ dự án Luật cần làm rõ hơn những ưu điểm này để tạo được sự đồng thuận cao hơn.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình làm rõ vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm
Giải trình làm rõ vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết bản chất đây là hòa giải ngoài tố tụng trước khi Tòa án thụ lý nhưng có sự tham gia của Tòa án trong điều hành, quản lý hoạt động hòa giải và Tòa án công nhận kết quả hòa giải. Kết quả hòa giải thành được Tòa án công nhận có giá trị như một bản án, có hiệu lực thi hành bắt buộc. Cùng với đó, cơ chế này có tính năng động ở chỗ hòa giải viên có lợi thế hơn thẩm phán trong phương pháp giải quyết những vẫn có sự tham gia của thẩm phán trong quá trình này.
Nhà nước hỗ trợ bảo đảm kinh phí trong giai đoạn đầu
Liên quan đến quy định phí hay lệ phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng nên dùng từ “phí” sẽ mang tính chất phục vụ, còn “lệ phí” thì cũng có tính chất phục vụ nhưng tính chất bắt buộc cao hơn, cho nên không nên dùng từ “lệ phí” mà dùng là “phí hòa giải”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, trong điều kiện hiện nay vấn đề hòa giải là một hoạt động rất tốt, không những làm giảm chi phí cho ngân sách, cho tòa án mà còn giảm được chi phí cho xã hội nên cần phải khuyến khích. Do đó, chưa nên đặt ra vấn đề thu phí trong giai đoạn này và tất cả những hoạt động đó thì ngân sách nhà nước bảo đảm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị quy định trong luật việc khuyến khích hoạt động hòa giải trước mắt chưa thu phí và được đảm bảo đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước. Khi nào thấy cần thu thì lúc đó theo cơ chế thị trường và điều kiện của lúc đó.
Có cùng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm rõ xét về bản chất hoạt động hòa giải hay đối thoại tại Tòa không phải là một dịch vụ công và không phục vụ cho công việc quản lý nhà nước, do đó những khoản thu này không thể gọi là lệ phí hay phí. Tuy nhiên, có những hoạt động cần phải thu phí như trong giải quyết tranh chấp thương mại, khiếu kiện thương mại, kinh doanh v.v... thì có miễn phí hoàn toàn hay không thì phải cân nhắc.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để khuyến khích người dân tìm đến cơ chế hòa giải, đối thoại, giảm bớt thời gian công sức tiền bạc của Tòa án để xét xử những vụ đó, nếu hòa giải, đối thoại thành công thì chưa nên quy định thu phí, có thể là ở giai đoạn đầu.
Về vấn đề này Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề xuất có thể quy định theo hướng chưa thu phí trong vòng 5 năm đầu tạo điều kiện để thu hút người dân vào hình thức này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận nội dung thảo luận
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, qua nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao và hoan nghênh tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo, đổi mới của Tòa án nhân dân tối cao trong việc xây dựng án luật rất mới, một thiết chế mới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hồ sơ dự án Luật đã đủ điều kiện để trình ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8.
Tuy nhiên do dây là cho ý kiến lần đầu, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục củng cố thêm, phân tích thêm số liệu như Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề cập để trình ra Quốc hội./.