Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu lưu điều hành Phiên họp
Đề xuất cơ chế mới trong giải quyết tranh chấp, góp phần giảm tải cho Tòa án
Trình bày Tờ trình dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, quá trình phát triển đất nước cũng như kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận.
Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên.
Với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.
Trong những năm gần đây, các vụ việc dân sự, hành chính được Tòa án các cấp thụ lý tăng trung bình hàng năm là 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, biên chế không thay đổi. Có những địa bàn (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu v.v...) mỗi Thẩm phán phải giải quyết số lượng vụ việc gấp 4 lần số lượng định biên, dẫn đến tồn đọng, chậm trễ.
Pháp luật hiện hành chưa có quy định về cơ chế hòa giải, đối thoại đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đã có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết, trước khi Tòa án thụ lý theo quy định của pháp luật tố tụng. Tình hình nêu trên đặt ra yêu cầu phải có những giải pháp căn cơ thúc đẩy nhanh và hiệu quả việc giải quyết đơn của nhân dân, giảm áp lực cho Tòa án. Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một chế định ưu việt đáp ứng được đòi hỏi trước nhất của tình hình và lâu dài của tiến trình cải cách tư pháp.
Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình trình bày dự án Luật trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Để có cơ sở xây dựng luật, Tòa án nhân dân tối cao đã tiến hành thí điểm Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thí điểm tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng và 09 Tòa án nhân dân cấp huyện của thành phố. Sau 6 tháng triển khai thực hiện, hoạt động thí điểm đã thu được những thành công nhất định, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành đạt 76,2%.
Sau thành công thí điểm tại Hải Phòng, Tòa án nhân dân tối cao mở rộng triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thời gian thí điểm từ tháng 11-2018 đến tháng 9-2019) và đã thu được những kết quả tích cực, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá là mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống, xã hội, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.
Với mục tiêu xây dựng cơ chế pháp lý mới để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; thu hút, huy động nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội tham gia để giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính và nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; tăng tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành, Tòa án nhân dân tối cao trình xây dựng dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án với 04 chương và 30 điều.
Cân nhắc nhiều nội dung của dự án luật
Dự án Luật quy định phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên, Đối thoại viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. Luật này không điều chỉnh các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định.
Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết vẫn còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau về phạm vi hòa giải, đối thoại tại Tòa án, lệ phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tiêu chuẩn bổ nhiệm Hòa giải viên, Đối thoại viên; thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.
Toàn cảnh Phiên họp thứ 37 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 14/9
Theo đó, về phạm vi hòa giải, đối thoại tại Tòa án, quan điểm thứ nhất cho rằng, dự thảo Luật chỉ nên giới hạn phạm vi và đối tượng hòa giải, đối thoại tại Tòa án là những tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Quan điểm thứ hai cho rằng, cần mở rộng phạm vi áp dụng đối với những trường hợp tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhưng các bên không lựa chọn xét xử theo tố tụng mà lựa chọn cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Về lệ phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, quan điểm thứ nhất cho rằng, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Quan điểm thứ hai đồng tình về việc cần có chính sách tài chính hỗ trợ, khuyến khích các bên lựa chọn hòa giải, đối thoại để giải quyết tranh chấp, khiếu kiện. Tuy nhiên, cũng cần quy định thu lệ phí đối với một số trường hợp cụ thể với mức thu hợp lý để chia sẻ gánh nặng với ngân sách Nhà nước.
Về tiêu chuẩn bổ nhiệm Hòa giải viên, Đối thoại viên, quan điểm thứ nhất cho rằng, ngoài đối tượng là người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu thì những người là Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét bổ nhiệm làm Hòa giải viên, Đối thoại viên. Quan điểm thứ hai cho rằng, đối với Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác, dự thảo Luật chỉ cần quy định là có kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác của mình mà không cần giới hạn phải đủ 10 năm kinh nghiệm.
Về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án, các ý kiến đều đồng tình về việc cần quy định thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong Luật này theo hướng nhanh gọn, tạo thuận lợi cho các bên tham gia hòa giải, đối thoại. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị quy định thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong Luật này có thể áp dụng để công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án thay thế quy định tại Chương XXXIII của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành.
Sau khi nghe trình bày tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp và cho ý kiến về sự cần thiết ban hành Luật, điều kiện về hồ sơ dự án Luật, bản chất pháp lý của cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trình tự thủ tục giải quyết và các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.