Tâm sáng, trí cao, ngòi bút sắc Thênh thang đường lớn vượt lên nào

22/06/2010

Lược ghi phát biểu của ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, CHỦ TỊCH QH NGUYỄN PHÚ TRỌNG tại Lễ kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam do VPQH tổ chức

Thưa các vị đại biểu, các anh, các chị và các bạn!

Cách đây ít ngày, tôi có nhận được thư của Tổng biên tập Báo ĐBND Hồ Anh Tài mời về thăm, tâm tình với anh em Báo ĐBND nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Hôm nay, tại Lễ kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam do VPQH tổ chức, tôi không chỉ gặp gỡ anh em phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Báo ĐBND mà còn gặp gỡ anh em làm công tác báo chí của QH. Tôi rất vui mừng được đến dự cuộc gặp gỡ thân tình này – một hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Trước hết, thay mặt UBTVQH, tôi xin gửi lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp đến toàn thể anh chị em làm công tác báo chí của QH chúng ta, đặc biệt xin chúc mừng Báo ĐBND vừa được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Trải qua mấy chục năm làm báo, tôi vui mừng nhận thấy, các anh chị làm báo của QH rất trẻ, rất sung sức và nhiều người trong số đó là nữ. Đọc các bài viết, tôi hình dung, chắc tác giả phải là đấng mày râu, có quá trình công tác tại cơ quan của QH rất lâu rồi. Thế nhưng, hỏi ra lại không phải. Đội ngũ làm báo của chúng ta khá đông đảo và có nhiều bài viết sắc sảo.

Đến thăm và tâm tình với các anh chị em làm báo QH, tôi có điều băn khoăn, trăn trở và mong muốn được giải đáp. Trước hết, báo chí là gì? Văn hóa là gì? Có đến mấy trăm định nghĩa về văn hóa, vậy thì báo chí chúng ta có bao nhiêu định nghĩa? Có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Báo chí là phương tiện thông tin, giao lưu, trao đổi, diễn đàn. Báo chí là công cụ, là phương tiện để truyền tải thông tin, để tuyên truyền làm nhiệm vụ tư tưởng. Báo chí là vũ khí đấu tranh cách mạng, là vũ khí đấu tranh giai cấp. Lênin bắt đầu sự nghiệp cách mạng từ làm báo và dấu mốc là sự ra đời của Tờ báo Tia lửa nhỏ. Bác Hồ của chúng ta cũng bắt đầu sự nghiệp của mình từ làm báo, năm 1925, Bác ra Tờ báo Thanh niên. Nhiều Lãnh đạo cấp cao của chúng ta đều làm báo, đều dùng cán bút làm đòn xoay chế độ. Lênin nói, báo chí là người tuyên truyền tập thể, cổ vũ tập thể, tổ chức tập thể. Nhưng, nếu nói báo chí là phương tiện giải trí, là phương tiện giao tiếp xã hội thì cũng đúng. Tôi nghĩ báo chí là người thầy, là người bạn. Học được nhiều ở báo chí thì rõ ràng báo chí là người thầy; thường xuyên tâm tình, trao đổi với báo chí thì báo chí là người bạn. Vậy khái quát nhất báo chí là gì, nhất là trong điều kiện hiện nay? Đề nghị những người làm báo của QH suy nghĩ thêm.

Thứ hai, báo của QH chúng ta thì giống và khác các báo khác ở chỗ nào? Cái gì làm nên bản sắc của báo chí QH, dù là một trang thông tin? Với tính chất của QH, yêu cầu, đòi hỏi của QH thì báo chí chúng ta làm thế nào là phù hợp với chức năng báo chí của QH? Phải có cái chung và phải có cái riêng. Làm thế nào để tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới các hoạt động báo chí nói chung và đặc biệt là báo chí của QH ta. Tính đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam đã có lịch sử 85 năm. Báo chí của QH chúng ta đang rất trẻ. Đại biểu nhân dân là tờ báo già nhất của QH chúng ta thì cũng rất trẻ và đang ngày càng có bước trưởng thành. Mới đây nhất, Báo đã được nâng cấp lên báo loại I. Từ khi ra đời đến khi được nâng cấp lên loại I là một bước tiến dài. Và từ khi trở thành báo loại I đến nay, Báo ĐBND tiếp tục có bước tiến rất rõ rệt, dư luận cả nước rất quan tâm, hoan nghênh. Chúng ta có nhiều bài theo sát các hoạt động của QH, tuyên truyền kịp thời các kỳ họp QH, các phiên họp của UBTVQH, các hoạt động của HĐDT và các UB, các ĐBQH. Chúng ta tuyên truyền và quan hệ tốt với HĐND các cấp, đặc biệt là HĐND cấp tỉnh. Chúng ta có đội ngũ cộng tác viên ngày càng đông, có những cộng tác viên thường xuyên và khá sắc sảo. Phạm vi rất rộng. Tirage ngày càng nhiều. Hàng năm, Báo ĐBND đều trao tặng thưởng báo chí về đề tài QH và HĐND. Đây là điều rất đáng mừng. Bản thân tôi rất mừng trước những bước phát triển của Báo ĐBND. Cùng với Báo ĐBND, QH chúng ta có Viện Nghiên cứu lập pháp, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp và một số cơ quan thông tin, truyền thông khác. Đây là những kênh quan trọng nối QH với người dân. QH có sức lan tỏa, có sức thu hút với người dân hay không là nhờ báo chí. Báo chí ngày càng có vị thế trong xã hội, có uy tín, uy thế trong xã hội. Vậy thì, chúng ta hoạt động như thế nào để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng? Có lẽ chưa bao giờ báo chí của QH có phạm vi rộng, quy mô lớn, trình độ cao và đội ngũ hùng hậu như hiện nay. Nhưng rõ ràng, chúng ta chưa hài lòng, còn phải tiếp tục cải tiến, đổi mới hơn nữa. 

QH còn nhiều dư địa để đổi mới. Vừa qua đã đổi mới, nhưng cũng thấy rằng, còn rất nhiều việc có thể và cần đổi mới. Báo chí – người bạn thân thiết, kênh thông tin quan trọng của QH – cũng còn nhiều dư địa để đổi mới, đổi mới nhiều hơn nữa. Nhưng, đổi mới đó là gì? Đề nghị những người làm báo của QH suy nghĩ thêm, ta cứ bằng lòng như hiện nay được không? Hiện nay, thông tin về QH rất phong phú, có nhiều cải tiến. Riêng Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XII, công của báo chí lớn lắm, trong đó có Báo ĐBND của ta... Có những bài bình luận sắc sảo, định hướng, gợi ý, gợi mở rất tốt. Nhưng, hình như, vẫn cảm thấy thiêu thiếu – thiếu chất của cuộc sống, chất của thực tiễn? Chúng ta tuyên truyền về hoạt động của QH, các cơ quan của QH rất tốt. Nhưng những bài phóng sự điều tra, tùy bút, phản ánh thực tiễn cuộc sống nóng bỏng thì sao? Luật pháp vào cuộc sống thế nào? Những khuynh hướng gì, gương điển hình nào cần biểu dương? Những tiêu cực gì cần uốn nắn, hạn chế? Đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực, chống lãng phí; đấu tranh chống những tư tưởng xấu để bảo vệ sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước chúng ta ra sao? Những thế lực thù địch cứ nói ta không có dân chủ, nhân quyền, vậy ta có đấu tranh bác lại hay không và đấu tranh như thế nào?... Vậy thì, cái thiêu thiếu đó là thiếu thực tiễn sôi động của cuộc sống. Ngày xưa, chúng tôi làm báo, đạp xe đạp từ Hà Nội vào Vĩnh Linh, Quảng Trị nằm hàng tuần, hàng tháng mới viết được một bài. Bây giờ, ngồi đây, viết bài hoặc lấy bài để đăng thì ngon quá, rất dễ và chẳng mấy khi sai. Làm báo khó lắm, nhất là những bài phóng sự điều tra. Mỗi bài báo là một công trình - trí tuệ và công sức rất lớn. Vừa qua, chúng ta có nhiều bài báo hay, nhưng hình như vẫn là tư duy tư biện, kinh viện. 

Con đường của chúng ta còn thênh thang rộng mở. Với kinh nghiệm, đội ngũ, tổ chức bộ máy và tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát triển, tôi thấy triển vọng của chúng ta rất tốt. Nhân kỷ niệm 85 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin chúc những người làm báo của QH: Tâm sáng, trí cao, ngòi bút sắc/ Thênh thang đường lớn vượt lên nào.

Xin cám ơn!

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)