Xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng trong quy trình lập pháp

22/12/2015

Ngày 22/12, tại Quảng Ninh, Viện Nghiên cứu lập pháp và Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) đã tổ chức Hội thảo Xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng trong quy trình lập pháp- bài học từ quá trình xây dựng Dự thảo Luật về hội và Luật tiếp cận thông tin. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp PGS.TS Đinh Xuân Thảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến chủ trì hội thảo.

Hội thảo còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu chính sách đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức chính trị- xã hội, các bộ ngành cùng các đại biểu Quốc hội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho biết, xây dựng chính sách là bước khởi đầu của quy trình lập pháp nhưng được xem là công đoạn vô cùng quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật sau này. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy trong quy trình lập pháp ở Việt Nam, công đoạn xây dựng chính sách đã bị xem nhẹ, thậm chí bỏ qua.

Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo phát biểu khai mạc Hội thảo

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã có những cải cách hết sức đột phá trong tư duy làm luật, đặc biệt trong khâu xây dựng chính sách, nhằm giải quyết hạn chế, bất cập trong quy trình lập pháp hiện nay. Luật mới đã lồng ghép quy trình xây dựng chính sách trong hoạt động lập, đề nghị xây dựng văn bản pháp luật; buộc chủ thể khi đề xuất dự án luật, pháp lệnh hay kiến nghị về luật, pháp lệnh thì phải gửi kèm chính sách của dự án luật, pháp lệnh đó; có nghĩa rằng chính sách sẽ phải được hoàn thành ngay từ khâu đề xuất.

Bên cạnh đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã áp dụng quy trình xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng thông qua các bước như tổng kết thi hành pháp luật; khảo sát đánh giá thực trạng quan hệ xã hội, tổ chức nghiên cứu khoa học các vấn đề liên quan hay đánh giá tác động của chính sách... Các yêu cầu khắt khe ngay từ công đoạn đầu tiên này sẽ giúp các dự án luật, pháp lệnh trở nên phù hợp, hướng đến đúng đối tượng và mục đích hơn, đồng thời giúp giảm tải cho công đoạn soạn thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe trình bày tham luận bình luận chính sách, sự tham gia của các đối tượng bị tác động động trong quá trình lấy ý kiến về dự án Luật về hội và Luật tiếp cận thông tin. Đây là hai dự án quan trọng nhằm triển khai thi hành Hiến pháp 2013 về quyền tự do lập hội và quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho biết quyền lập hội là một trong các quyền cơ bản của công dân được ghi nhận ngay trong Hiến pháp. Thời gian qua, các tổ chức xã hội dân sự có sự phát triển nhanh chóng với quy mô, phạm vi, tính chất hoạt động. Với khoảng 52.565 hội hoạt động trong phạm vi cả nước cho thấy đây là biểu hiện tích cực của quá trình dân chủ hóa xã hội, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, dự thảo Luật về hội phải tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền lập hội, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội, nhất là tự trang trải kinh phí hoạt động, hạn chế tối đa sự bao cấp trông chờ vào ngân sách nhà nước, tránh xu hướng hành chính hóa tổ chức và hoạt động của hội, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước về hội; góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tại điều kiện để các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội.

Trong khi đó, Luật tiếp cận thông tin được ban hành nhằm cụ thể hóa Hiến pháp về quyền của người dân, là điều kiện để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình, qua đó góp phần nâng cao tính minh bạch của chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Để bảo đảm tính khả thi, Luật tiếp cận thông tin cần phải giải quyết một cách thỏa đáng các vấn đề về tiếp cận thông tin và thông tin được tiếp cận; người được tiếp cận thông tin, người có trách nhiệm cung cấp thông tin; điều kiện, phương thức, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin... 

Thảo luận tại hội thảo, đa số các ý kiến đại biểu đều cho rằng các quy định của dự thảo Luật về hội không thể hiện được chính sách trong việc bảo đảm thực thi quyền lập hội của người dân. Các quy định của dự thảo luật còn nặng về kiểm soát, quản lý hành chính, do đó không phát huy được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, huy động sức mạnh của các hội trong xây dựng, phát triển đất nước. Vì vậy, dự thảo Luật về hội cần sớm chỉnh lý hoàn thiện để đảm bảo quyền con người.

Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển TS. Hoàng Ngọc Giao tính khả thi của pháp luật không chỉ dựa vào những quy định chế tài mà phụ thuộc chủ yếu cầu năng lực của các thiết chế thực thi luật, cũng như tính nhất quán về mục tiêu điều chỉnh được thể hiện tại nội dung của văn bản pháp luật.

Có vai trò quan trọng như sợi chỉ xuyên suốt nội dung của văn bản pháp luật, chính sách là nội dung can thiệt của nhà nước đối với xã hội, là mục tiêu hướng tới giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội phát sinh từ thực tiễn cuộc sống vì sự phát triển. Để đạt được mục tiêu về tính nhất quán về chính sách trong một dự án, các nhà làm luật phải tiến hành hoạch định chính sách theo những công đoạn: phân tích chính sách- phê duyệt chính sách - thực thi chính sách. Đồng thời, để hoàn thiện hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng cần xem xét tham vấn công chúng là nghĩa vụ của cơ quan xây dựng luật, tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia vào hoạt động thu thập ý kiến, điều tra, khảo sát, đánh giá thực tiễn; có cơ chế xã hội hóa một số công đoạn phục vụ cho việc phân tích, hoạch định và tư vấn chính sách.

Tin và ảnh: Bảo Yến