NĂM 2020: NHIỀU KHỞI SẮC TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP

06/01/2021

Viện Nghiên cứu lập pháp là cơ quan thuộc UBTVQH, có chức năng tham mưu chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH và đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Trong năm 2020, nhiều kết quả tích cực trong hoạt động của Viện đã được Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao.

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 của Viện Nghiên cứu lập pháp

Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và dự kiến chương trình công tác năm 2021, Ts. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, năm 2020, Viện đã tập trung triển khai toàn diện các mặt công tác theo chương trình, kế hoạch đề ra và cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đặt ra.

Công tác nghiên cứu khoa học

Năm 2020, được sự tín nhiệm của Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ ngành, Viện đã được giao nhiệm vụ chính trị quan trọng. Viện đã triển khai thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ: Phối hợp cùng Ủy ban Pháp luật làm đầu mối tham mưu, phục vụ Ban chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 48 –NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng va hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Góp ý 03 Dự thảo văn bản của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương theo yêu cầu của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Công tác đại biểu; Xây dựng Báo cáo nghiên cứu về “Nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp các văn bản do cùng một chủ thể ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật” gửi lãnh đạo Quốc hội; Báo cáo nghiên cứu “kiến nghị về việc sử dụng công cụ hỗ trợ của người điều hành trong phiên họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội” theo yêu cầu cảu Lãnh đạo Quốc hội.

Bên cạnh đó, trên cơ sở Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và qua theo dõi quá trình xây dựng và cho ý kiến về dự án luật, pháp lệnh và nghị quyết… Viện đã xác định những vấn đề trọng tâm, còn có nhiều ý kiến khác nhau, cần nghiên cứu để phục vụ đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong quá trình thẩm tra, cho ý kiến, xem xét, thông qua tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua 2 kỳ họp thứ 9 và thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Viện đã xây dựng được 08 chuyên đề nghiên cứu, 14 chuyên đề thông tin về hấu hết các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến hoặc xem xét thông qua.

Công tác xây dựng và biên tập các chuyên đề được cải tiến theo hướng thu hút được ý kiến của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, những người hoạt động thực tiễn, những nhà quản lý giỏi về ngành, lĩnh vực thông qua các cuộc tọa đàm. Nội dung chuyên đề tập trung đi thẳng, trực tiếp vào các vấn đề cần nghiên cứu, các vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau về lý luận và thực tiễn trong các dự án luật trình Quốc hội, lập luận một cách khách quan, có cơ sở khoa học, mang tính thuyết phục cao, được các cơ quan và đại biểu đánh giá tích cực như các chuyên đề góp ý về: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); dự án Luật Giao thong đường bộ (sửa đổi);….. Các đơn vị trong Viện đã nghiên cứu và có nhiều văn bản đóng góp ý kiến gửi HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội hoặc cơ quan chủ trì soạn thảo phục vụ công tác thẩm tra, hoàn thiện nội dung dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, trong năm qua, Viện đã chủ trì, tổ chức các cuộc tọa đàm chuyên gia xây dựng chuyên đề nghiên cứu, thông tin phục vụ hoạt động của đại biểu Quốc hội; tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học theo kế hoạch triển khai nghiên cứu của các Ban chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ giai đoạn 2019 -2020 và giai đoạn 2020 -2021 do Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì. Các tọa đàm, hội thảo thu hút được nhiều ý kiến chuyên sâu của các chuyên gia, nhà khoa học và bước đầu thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của Quốc hội, đem lại kết quả trực tiếp cho các đề tài và các giá trị lan tỏa.

Công tác thông tin, thư viện, cập nhật cơ sở dữ liệu

Công tác thông tin khoa học lập pháp, thư viện, cập nhật cơ sở dữ liệu được triển khai theo chương trình, kế hoạch đề ra. Bên cạnh việc nghiên cứu, cung cấp các chuyên đề thông tin phục vụ kỳ họp, Viện đã duy trì việc tiếp nhận và trả lời các yêu cầu thông tin của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ở trong và ngoài kỳ họp góp phần hỗ trợ đại biểu Quốc hội, các cơ quan cảu Quốc hội trong quá trình nghiên cứu, đóng góp ý kiến, thẩm tra các dự án luật. Các ý kiến trả lời được đánh giá là kịp thời, bảo đảm chất lượng, có giá trị tham khảo trong hoạt động của Quốc hội.

Việc đăng tải, cung cấp thông tin khoa học lập pháp, truyền thông khoa học được quan tâm thực hiện thông qua nền tảng internet góp phần quảng bá hình ảnh, đẩy mạnh hợp tác và phổ biến kết quả nghiên cứu… Điểm nổi bật trong công tác thông tin là trang tin điện tử của Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã đăng tải hơn 190 bài viết của 16 số tạp chí trong năm 2020 và nhiều bài viết liên quan đến các dự án luật lên “Tạp chí Nghiên cứu lập pháp điện tử”. Đến nay, website đã có khoảng 5.000.000 lượt truy cập sau hơn một năm đi vào hoạt động, thu nhận được nhiều ý kiến góp ý, bình luận tích cực.

Về công tác thư viện và cập nhật cơ sở dữ liệu, các đơn vị chuyên môn đã thường xuyên thực hiện phân loại, sắp xếp sách, báo và tạp chí…; thực hiện số hóa tài liệu hiện có; cập nhật và đăng tải lên hệ thống cơ sở dữ liệu và thư viện số. Đối với thư viện truyền thống, công tác bổ sung sách, tài liệu cho thư viện chủ yếu dựa vào các nguồn: Sách, báo, tạp chí do Viện biên tập, sản xuất; Tài liệu phục vụ ĐBQH tại kỳ họp Quốc hội; Sách, tài liệu do các đơn vị (tổ chức) trong nước và nước ngoài cho, tặng.

Công tác biên tập, xuất bản sách, tài liệu và tạp chí

Viện đang tích cực triển khai vai trò làm đầu mối trong việc xây dựng, biên tập sách về “tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XIV” phục vụ công tác tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội. Theo kế hoạch, cuốn sách sẽ được in và xuất bản vào đầu năm 2021, kịp thời gửi đến đại biểu Quốc hội trong Kỳ họp thứ 11, Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 3 năm 2021.

Về biên tập và xuất bản tạp chí, tính đến 28/12/2020 lãnh đạo Viện đã chỉ đạo biên tập và xuất bản 24/24 số Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, mỗi số có từ 08 – 15 bài. Thống kê đến tháng 12/2020, Viện đã tiếp nhận được hơn 400 bài viết của các tác giả ở trong nước và ngoài nước để đưa vào ngân hàng bài. Các bài viết được phê duyệt và đăng tải đều có hàm lượng khoa học cao, thực sự có chất lượng, mang tính thời sự, bám sát Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm phục vụ tuyên truyền, nghiên cứu một số dự án luật lớn, quan trọng.

Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã mở chuyên mục mới “Chính quyền địa phương” nhằm đăng tải những bài viết phản ánh kinh nghiệm thực tiễn trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dan, các cơ quan của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân. Đây là bước đi phù hợp với nhu cầu và xu thế phát triển của Quốc hội và các cơ quan dân cử nhằm cụ thể hóa mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Bên cạnh đó, hoạt động của tạp chí ngày càng quy củ và theo hướng chuyên nghiệp. Tạp chí đã chú trọng, nâng cao khả năng tương tác với các học giả, các nhà nghiên cứu, xây dựng đội ngũ cộng tác viên chặt chẽ, thường xuyên. Tiếp nhận và tiếp thu các ý kiến phản hồi của độc giả. Mở rộng, tiếp cận thêm khách hàng là nhóm các bạn trẻ, sinh viên. Công tác theo dõi, tiếp thu ý kiến đóng góp từ bạn đọc được Tạp chí quan tâm.

Công tác quản lý khoa học

Năm 2020 là năm bản lề trong đổi mới công tác Quản lý khoa học. Tập thể lãnh đạo Viện đã có những bước đi quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý khoa học bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng nghiên cứu, thực hiện công tác quản lý một cách chủ động, theo kế hoạch, tăng cường phổ biến, áp dụng các kết quả nghiên cứu, khắc phục triệt để một số bất cập tồn tại trong những năm trước đây, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Cụ thể:

. Viện đã triển khai đăng ký, tư vấn, đấu thầu, phê duyệt danh mục các nhiệm vụ khoa học trước ngày 30 tháng 06 theo đúng yêu cầu của Bộ Khoa học và Công nghệ, của cơ quan tài chính cấp trên để chủ động trong việc phân bổ kinh phí.

. Rà soát, phân bổ kinh phí nhiệm vụ khoa học giai đoạn 2020 – 2021, xây dựng kế hoạch kinh phí nghiên cứu khoa học cho giai đoạn 2021 -2023 và dự kiến kế hoạch kinh phí giai đoạn 2021 -2025 tạo sự chủ động cho việc xây dựng định hướng chương trình nghiên cứu phục vụ Quốc hội khóa XV (2021-2026);

. Triển khai tích cực các quy trình, thủ tục liên quan đến việc thực hiện kế hoahcj nghiên cứu khoa học thực hiện năm 2020, năm 2021 và năm 2022. Các hoạt động tổ chức hội thảo khoa học, nghiệm thu, thanh quyết toán kinh phí đúng quy định, công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, Viện đã tổ chức được Hội nghị tập huấn nghiệp vụ và hướng dẫn cho các Ban chủ nhiệm được giao thực hiện nhiệm vụ khoa học giai đoạn 2020 -2021 nắm bắt được quy trình, thủ tục, chế độ tài chính, mẫu bảng biểu, tiêu chí chất lượng sản phẩm. Để tạo khuôn khổ pháp lý cho công tác quản lý, Viện đang tích cực tổ chức nghiên cứu sửa đổi Quy chế quản lý khoa học công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội trên cơ sở các quy định pháp luật về khoa học công nghệ và thực tiễn quản lý hoạt động khoa học trong các cơ quan khối Quốc hội, phúc đáp yêu cầu, đòi hỏi thực tế. Theo dự kiến, Dự thảo Quy chế sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua tại phiên họp tháng 02/2021.

Ngoài ra, công tác đối ngoại, được quan tâm thực hiện; công tác tổng hợp, hành chính được thực hiện theo định kỳ, đúng quy định.

 Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Đánh giá về hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp trong năm 2020, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã biểu dương và ghi nhận những chuyển biến mạnh mẽ và các kết quả tích cực đạt được trên nhiều mặt của Viện Nghiên cứu lập pháp. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Viện đã triển khai hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao và có những kết quả rất nổi bật. Hoàn thành tốt vai trò làm đầu mối phối hợp cùng Ủy ban Pháp luật tham mưu, phục vụ việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, góp ý bằng văn bản vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng phần về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, được Đảng đoàn Quốc hội đánh giá cao và được Bộ Chính trị ghi nhận”.

Tham dự Hội nghị, đại diện Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cũng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Viện Nghiên cứu lập pháp trong năm 2020.  “Tôi đánh giá rất cao vai trò cũng như những đóng góp của Viện Nghiên cứu lập pháp bởi vì nếu đúng thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ để tham mưu cho Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực thì Viện đã có sự hỗ trợ hết sức tích cực cho HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và đặc biệt trong năm 2020, là đại biểu Quốc hội chúng tôi thấy rằng Viện đã có khá nhiều chuyên đề, hội thảo để tập trung vào những vấn đề lớn liên quan đến đóng góp văn kiện Đại hội Đảng, những dự án luật được xem xét thông qua trong năm 2020. Chúng tôi nghiên cứu rất kỹ những ý kiến Viện đưa ra, phục vụ rất tốt cho công tác lập pháp chung của Quốc hội,….  ” -  Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội 

Ấn tượng về công tác thông tin khoa học lập pháp và các chuyên đề thông tin phục vụ kỳ họp  do Viện cung cấp trong năm 2020, bà Nguyễn Thị Mai Phương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng,  nội dung chuyên đề đã đề cập trực tiếp vào các vấn đề cần nghiên cứu, các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong các dự án luật trình Quốc hội; việc tiếp nhận và trả lời các yêu cầu thông tin của đại biểu Quốc hội kịp thời, bảo đảm chất lượng và đặc biệt có giá trị tham khảo cao trong việc đại biểu tham gia biểu quyết.  

Những kết quả đạt được trên các mặt công tác trong năm 2020 sẽ là động lực, cơ sở quan trọng để Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo để triển khai và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công tác năm 2021./.

 

Lê Anh