Hội thảo “Góp ý hoàn thiện Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi)”

27/04/2017

Trong hai ngày, 20 và 21.4.2017, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg (CHLB Đức) tổ chức Hội thảo “Góp ý hoàn thiện Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi)”. TS. Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện NCLP, TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Bà Lilian Danso-Dahmen, Giám đốc Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có hơn 90 đại biểu là các vị đại biểu Quốc hội; đại diện Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam; đại diện Ủy ban nhân dân, Sở Lao động, thương binh và xã hội, Liên đoàn lao động, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực phía Bắc; đại diện các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội, các viện nghiên cứu, trường đại học; các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực lao động.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Quyền cho biết: “Việc sửa đổi, hoàn thiện Bộ luật lao động lần này là một yêu cầu bức thiết nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự phù hợp của các quy định pháp luật với yêu cầu của thực tiễn; sự biến đổi của thị trường lao động, việc làm; bảo đảm sự thống nhất, hài hòa của hệ thống pháp luật Việt Nam”.

Hội thảo đã nghe 13 bài tham luận và nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự, tập trung vào các nhóm nội dung còn chưa thống nhất trong dự thảo Bộ luật như: tuổi nghỉ hưu; quyền đình công; cơ chế giải quyết tranh chấp lao động; chế định tiền lương tối thiểu; hợp đồng lao động; giờ làm thêm; và chế độ đối với lao động nữ trong thời kỳ thai sản và nuôi con nhỏ.

Dự án luật này đã được rút ra khỏi chương trình của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV và dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) lần 2 vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố để tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện cho đến hết ngày 21/6/2017. Kết quả hội thảo sẽ được tổng hợp gửi đến các cơ quan của Quốc hội, các vị ĐBQH tham khảo trong quá trình thẩm tra, cho ý kiến về Dự án Bộ luật lao động (sửa đổi). 

TTTTKHLP

Các bài viết khác