Nghiệm thu chính thức đề tài: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh theo quy định của Hiến pháp năm 2013: cơ sở lý luận và thực tiễn”

17/03/2017

Triển khai thực hiện Chương trình nghiên cứu khoa học cấp bộ trong các cơ quan của Quốc hội giai đoạn 2014 – 2016, ngày 02.3.2017, Viện Nghiên cứu lập pháp đã tổ chức họp Hội đồng khoa học nghiệm thu chính thức đề tài: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh theo quy định của Hiến pháp năm 2013: cơ sở lý luận và thực tiễn” do TS. Lê Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học, Viện Nghiên cứu lập pháp làm Chủ nhiệm. Đề tài đã được Hội đồng đánh giá xếp loại khá.

Đề tài có bố cục gồm 3 chương. Chương 1 của đề tài nghiên cứu cơ sở lý luận hoàn thiện pháp luật về giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Trong đó, đề tài đã khẳng định tính tất yếu, khách quan của nhu cầu giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh và làm rõ các vấn đề về khái niệm, đặc điểm, các yếu tố cấu thành, vị trí, vai trò và tiêu chí hoàn thiện pháp luật về giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Đề tài cũng nghiên cứu về các mô hình giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh tiêu biểu trên thế giới và rút ra những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình hoàn thiện pháp luật về giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.

Chương 2 của đề tài đã khái quát quá trình hình thành, phát triển các quy định pháp luật về giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh ở nước ta trước khi ban hành Hiến pháp 2013 và thực trạng pháp luật về giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh từ khi ban hành Hiến pháp 2013 cho đến nay. Đề tài đã chỉ ra những ưu điểm, đồng thời làm rõ những hạn chế, bất cập và nguyên nhân trên cả 3 phương diện về hình thức, nội dung và thực tiễn thi hành. Ban chủ nhiệm đề tài cho rằng các quy định của pháp luật về giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh ở nước ta hiện nay vẫn chưa thật sự đồng bộ, thống nhất; kỹ thuật lập pháp còn những điểm chưa hợp lý; nội dung pháp luật về giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh chưa thật sự toàn diện, đầy đủ, chi tiết và khả thi; công tác tổ chức thi hành, thực tiễn thi hành và việc giám sát thực hiện chưa thật sự hiệu quả.

Chương 3 của đề tài đã đưa ra các quan điểm và giải pháp hoàn thiện pháp luật về giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh theo quy định của Hiến pháp 2013. Về quan điểm, đề tài cho rằng cần phải tiếp cận hoàn thiện theo hướng bảo vệ Hiến pháp, luật, pháp lệnh và bảo vệ quyền làm chủ của Nhân dân; cần dựa trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 nhưng phải cụ thể hóa để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ; phải gắn với thực tiễn, tiến hành bài bản, cẩn trọng, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Về giải pháp, đề tài đã đề xuất 3 nhóm giải pháp chung gồm: hoàn thiện về nội dung, hình thức và hoàn thiện công tác tổ chức thi hành với rất nhiều kiến nghị cụ thể, thiết thực. Đề tài cũng đặt ra một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật về giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh như: đề xuất nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện pháp luật về giải thích pháp luật để đồng bộ và hỗ trợ cho giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; nghiên cứu Hiến pháp 2013 để phát hiện nhu cầu và chủ động giải thích Hiến pháp khi có đề nghị giải thích Hiến pháp.

Trung tâm TTKHLP

Các bài viết khác