HỘI THẢO "NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI TRONG VIỆC GIÁM SÁT, HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN”

28/11/2016

Chiều 28/11, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu lập pháp tổ chức hội thảo “Những vấn đề đặt ra đối với Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân”. Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp TS. Nguyễn Đình Quyền chủ trì hội thảo.

Chương trình hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài cấp bộ “Vai trò của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân- Cơ sở lý luận và thực tiễn”. Tham dự hội thảo còn có Phó trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Quốc Anh, Phó trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Kim Hồng cùng các đại biểu đại diện Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ ...

Phát biểu khai mạc, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cho biết, trong tổ chức bộ máy nhà nước, Hội đồng nhân dân là một thiết chế có vị trí quan trọng trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền và đảm bảo tính dân chủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước ở địa phương. Vị trí của Hội đồng nhân dân đã được Hiến pháp 2013, điều 113 ghi nhận: “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên…”

Công tác giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân là trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội, được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản luật có liên quan. Điều 74 Hiến pháp và điều 55 Luật tổ chức Quốc hội đều quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ “Giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; bãi bỏ nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuốc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; giải tán Hội đồng nhân dân tỉnh, thành  phố trực thuộc trung ương trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại quan trọng đến lợi ích của Nhân dân”.

Bên cạnh đó, tại Điều 25 Luật Tổ chức Chính phủ, khoản 2 cũng quy định Chính phủ có trách nhiệm: “Hướng dẫn và kiểm tra Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; nghị quyết, nghị định của Chính phủ; quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ;…tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định” và tại khoản 5 có giao cho Chính phủ : “Quy định các chế độ, chính sách đối với các chức danh của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân”.

Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền, vấn đề cần làm rõ tại hội thảo là có nên phân công trách nhiệm cho cả hai cơ quan hướng dẫn, giám sát, kiểm tra hoạt động cùng một đối tượng là Hội đồng nhân dân hay không. Và nếu cả hai cơ quan vẫn thực hiện chức năng này, cần làm rõ Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ hướng dẫn nội dung gì; kiểm tra nội dung hoạt động gì của Hội đồng nhân dân?

Thực tế cho thấy, dù quy định cho Ủy ban thường vụ Quốc hội hay Chính phủ thì công tác này cũng chưa được triển khai một cách hệ thống, đồng bộ. Văn bản hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân còn chưa kịp thời và đầy đủ; hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân chưa được đánh giá sát sao, đúng thực chất và có chỉ đạo kịp thời. Hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân chưa được tiến hành một cách hệ thống và tách bạch với giám sát chuyên đề hoặc giám sát lĩnh vực.

Trong khi đó, hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương những năm qua mặc dù đã có nhiều đổi mới và nâng cao chất lượng nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cả về tổ chức và hoạt động. Trong đó có nguyên nhân do trách nhiệm của của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật, các cơ chế chính sách, hiệu quả giám sát đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân. Do đó, cả về mặt pháp lý và thực tiễn đều đặt ra nhu cầu nâng cao chất lượng công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân trong thời gian tới.

Tại buổi hội thảo, các đại biểu cũng được nghe các bài tham luận về: Nhu cầu nâng cao vai trò giám sát, hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền; Thực trạng hoạt động giám sát, hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân và những vấn đề cần hoàn thiện; Hiệu quả hoạt động giám sát, hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội và hoạt động kiểm tra, hướng dẫn của Chính phủ đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân- góc nhìn từ địa phương…

Vân Ngọc