PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP MÔI TRƯỜNG Ở VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ

30/12/2020

''Cần có sự nhận diện nắm bắt được xu hướng toàn cầu, thực tiễn Việt Nam để nắm bắt cơ hội, thấy được những thách thức, đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm phát triển công nghiệp môi trường ở Việt Nam...'' là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT, Bộ TN&MT, tại Hội thảo ''Pháp luật công nghiệp môi trường ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp'' do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức tại Hà Nội.

Hội thảo Khoa học “Pháp luật công nghiệp môi trường ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”

Công nghiệp môi trường là một phân ngành thuộc ngành công nghiệp trong nhóm các ngành kinh tế cung cấp các công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ nhu cầu xử lý chất thải, đảm bảo tiêu chuẩn cho công tác bảo vệ môi trường. Như vậy, công nghiệp môi trường có chức năng sản xuất, cung cấp các thiết bị, công nghệ xử lý nước thải; Đưa ra những công nghệ, sản xuất thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển, phân loại, xử lý chất thải rắn; Cung cấp công nghệ, sản xuất các thiết bị, máy móc xử lý khí thải; Sản xuất thiết bị phân tích, quan trắc và kiểm soát các thông số môi trường; Sản xuất vật liệu, chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường; Sản xuất các máy móc, thiết bị xử lý nước cấp, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và tiết kiệm điện năng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT – Bộ TN&MT, với những lĩnh vực sản xuất cung cấp các sản phẩm của công nghiệp môi trường xét trong điều kiện ứng dụng công nghiệp lần thứ tư dựa trên nền tảng tích hợp của hệ thống kết nối số hóa – vật lý – sinh học cùng với sự đột phá của Internet vạn vật và Trí tuệ nhân tạo sẽ mang olaij hiệu quả cao, sự đổi mới rõ rệt về công nghệ trong lĩnh vực môi trường so với trước đây. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với đặc điểm là tận dụng một cách triệt để sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ đến sự phát triển của công nghiệp môi trường.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT – Bộ TN&MT phát biểu tại Hội thảo

Trên cơ sở phân tích quy  mô, thực trạng của ngành công nghiệp môi trường Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, đã đưa ra những cơ hội và thách thức phát triển công nghiệp môi trường trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam.

Vê cơ hội, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nêu rõ: Chủ trương của Đảng và triển khai của Chính phủ thực hiện phát triển công nghiệp môi trường tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp môi trường đầu tư phát triển gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là việc ban hành Nghị quyết 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 “về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” tạo môi trường thuận lợi không chỉ cho doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung mà còn cả đối với doanh nghiệp công nghiệp môi trường trong việc chủ động đầu tư, đổi mới công nghệ để tạo ra những sản phẩm công nghiệp môi trường có chất lượng cao, hiệu suất lớn có tính cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại với các quốc gia khác. Về mặt hành lang pháp lý, luật Bảo vệ môi trường 2020 đã được ban hành tạo cơ sở pháp lý cho phát triển công nghiệp môi trường. Ngoài ra, dư địa cho phát triển công nghiệp môi trường ở Việt Nam còn rất lớn, nhu cầu về thiết bị công nghiệp cho thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, xử lý khí thải,….đạt trình độ công nghệ cao và hiệu quả lớn là cơ hội cho công nghiệp môi trường phát triển.

Ngoài ra, sự phát triển công nghiệp môi trường gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới, nhất là ở những nước có trình độ công nghiệp hóa cao như các nước thuộc nhóm G7 tạo cơ hội để chúng ta học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và phát triển công nghiệp môi trường ở Việt Nam; Chúng ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Hội nhập quốc tế, việc tham gia nhiều Hiệp định thương mại thế hệ mới sẽ tạo cơ hội cho phát triển ngành công nghiệp môi trường dựa trên trình độ k ỹ thuật công nghệ cao trong điều kiện thực hiện cuộc CMCN 4.0, thậm chí 5.0 như Nhật Bản hiện nay đang tiến hành;…

Bên cạnh việc nắm bắt cơ hội, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cho rằng, phải nhìn nhận được thách thức mà Việt Nam phải vượt qua đối với phát triển công nghiệp môi trường trong điều kiện sự lan tỏa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Một số thách thức được PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nêu ra là: nhận thức đối với phát triển công nghiệp môi trường cần phải được đổi mới để tạo sự đồng thuận trong xã hội; vấn đề nguồn nhân lực tham gia vào ngành công nghiệp môi trường; hạ tầng nhất là hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo an ninh mạng và tốc độ xử lý thông tin là thách thức lớn;….

Để thực hiện thành công phát triển công nghiệp môi trường trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0, PGS. TS Nguyễn Thế Chinh đưa ra 06 nhóm giải pháp:

Thứ nhất, căn cứ vào chủ trương của Đảng, từ Nghị quyết 52/NQ-TW của Bộ Chính trị cần triển khai các nội dung mà Nghị quyết đã đề ra, trước hết rà soát Chỉ thị số 16/CT-TTg; Quyết định số 192/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án về phát triển ngành công nghiệp môi trường để thực sự ngành đổi mới cách thức quản lý, đầu tư phát triển các sản phẩm của ngành dựa trên những ứng dụng nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0 và cao hơn nữa là 5.0. Cùng với đó càn cụ thể hóa luật Bảo vệ môi trường 2020 về phát triển công nghiệp môi trường, khuyến khích doanh nghiệp phát triển các sản phẩm công nghiệp môi trường trong điều kiện của cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ hai, về nguồn nhân lực, đây là nhân tố cơ bản để thực hiện phát triển ngành công nghiệp môi trường trong điều kiện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần phải đào tạo và đạo tạo lại nghề nghiệp, bổ sung kiến thức, đổi mới nhận thức và phương thức quản lý trong điều kiện lan tỏa mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, những phân khúc chuỗi giá trị sản phẩm ở công đoạn nào có thể thay đổi và đổi mới được ngay làm trước.

Thứ ba, hạ tầng đáp ứng, để phát triển công nghiệp môi trường trong điều kiện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống internet tốc độ cao, chuyển từ 3G, 4G lên 5G và cao hơn nữa tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển để kết nối vạn vật với tốc độ nhanh nhất trong quá trình thực hiện sản xuất sản phẩm và quản lý đối với ngành công nghiệp môi trường, cùng với đó cần thực hiện an ninh mạng của ngành phải được đảm bảo.

Thứ tư, hợp tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ, do chúng ta chậm một bước so với các nước trên thế giới nên việc hợp tác quốc tế trong phát triển công nghiệp môi trường là hết sức quan trọng để chuyển giao công nghệ, học hỏi kinh nghiệm và đưa vào ứng dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Thứ năm, sự tham gia của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, hiện nay với chủ trương phát triển kinh tế tư nhân và khởi nghiệp sáng tạo, ngành công nghiệp môi trường cũng cần phải cụ thể các chủ trương này, hơn nữa đây là ngành ra đời sau nên có nhiều điều kiện để thực hiện khởi nghiệp, muốn vậy phải có những hình thức quảng bá, cơ chế khuyến khích, ưu đãi cho đặc trưng của ngành để tạo động lực tốt nhất cho phát triển.

Thứ sáu, tạo lập thị trường, để phát triển ngành công nghiệp môi trường trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 xét trong bối cảnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần phải tạo lập thị trường sản phẩm hàng hóa cho ngành này phát triển, bởi lẽ thị trường sẽ tạo ra động lực phát triển ngành, hiện nay mặc dù đã có một số thị trường như sản xuất sản phẩm xử lý chất thải rắn, nước thải, cấp nước, năng lượng tái tạo…. nhưng chưa thực sự phát triển như kỳ vọng, nhất là thị trường của những sản phẩm hàng hóa sản phẩm công nghiệp môi trường chất lượng cao, sử dụng công nghệ hiện đại.

Như vậy, theo PGS. TS Nguyễn Thế Chinh phát triển công nghiệp môi trường trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư là hết sức cần thiết, từ đó thay đổi cách thức quản lý, nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị và nhất là tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, tích hợp toàn diện phần cứng và phần mềm vào sản phẩm để đưa ra thi trường những sản phẩm công nghiệp môi trường chất lượng cao có khả năng cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại trên thị trường. Tuy nhiên, để thực hiện được như mong muốn phát triển công nghiệp môi trường cần phải nắm bắt được cơ hội, phát hiện những thách thức, từ đó có những giải pháp phù hợp để tạo ra những điều kiện thuận lợi nhằm thúc đẩy công nghiệp môi trường phát triển ở Việt Nam đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến thị trường ngoài nước./.  

Lê Anh