HỘI THẢO KHOA HỌC PHÁP LUẬT CÔNG NGHIỆP MÔI TRƯỜNG Ở VIỆT NAM THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

27/12/2020

Sáng 27/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học “Pháp luật công nghiệp môi trường ở Việt Nam thực trạng và giải pháp”. TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và TS.Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đồng chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có đại diện các Bộ, ngành và đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực môi trường.

Toàn cảnh Hội thảo 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ts. Phùng Đức Tiến cho biết, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ nhiệm đề tài cho biết, công nghiệp môi trường ở Việt Nam là ngành công nghiệp non trẻ, mặc dù đây không phải là ngành công nghiệp mới xuất hiện và tiềm năng thị trường công nghiệp môi trường của Việt Nam còn rất lớn. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một trong các nguyên nhân quan trọng là công tác phân công, phân cấp thẩm quyền trong quản lý công nghiệp môi trường còn phân tán, chồng chéo và chưa hợp lý. Vẫn thiếu các cơ chế chính sách hiệu quả thúc đẩy chủ trương xã hội hóa và phát triển ngành công nghiệp môi trường. …

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu khai mạc

Tại hội thảo các đại biểu đã tập trung vào phân tích nhiều nội dung trọng tâm liên quan đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ngành công nghiệp môi trường; cơ hội và thách thức của ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam; xu hướng phát triển công nghiệp môi trường tại các quốc gia EU, Bắc Mỹ; …

Phân tích về xu hướng của ngành công nghiệp môi trường tại các quốc gia EU và Bắc Mỹ, TS. Nguyễn Thị Đông, Viện Khoa học xã hội cho biết, ngành công nghiệp môi trường, xử lý chất thải ở các quốc gia Liên minh châu Âu đã phát triển ở trình độ cao và đang ngày càng có sự tiến bộ về công nghệ xử lý chất thải rắn theo hướng giảm dần sử dụng công nghệ chôn lấp rác thải và tăng dần tỷ lệ tái chế rác thải, chuyển hóa rác thải thành năng lượng.

Theo TS. Nguyễn Thị Đông, một trong những xu hướng lớn hiện nay của ngành công nghiệp môi trường tại các quốc gia EU và Bắc Mỹ là xu hướng tái chế chất thải trong công nghiệp xử lý chất thải rắn ở Mỹ và EU. Gần đây, các quốc gia Liên minh châu Âu có xu hướng xem chất thải là tài nguyên thay vì là những thứ bỏ đi. Công nghệ xử lý chất thải phát triển đến mức quan điểm về chất thải thay đổi, chất thải trở thành một dạng tài nguyên mới, các công nghệ xử lý chất thải đã đạt được hiệu quả vận hành và khả thi về chi phí cho phép đưa chúng quay trở lại thàn nguyên liệu phục vụ cho các mục đích kinh tế.

TS. Phạm Thị Tố Oanh, Liên minh HTX Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Cho ý kiến về ngành công nghiệp môi trường Việt Nam, TS.Phạm Thị Tố Oanh, Liên minh các HTX Việt Nam cho rằng, công nghiệp môi trường của Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Sự phát triển của nghành công nghiệp này mới chỉ đang ở những bước đầu tiên. Vì vậy, cần sớm có các định hướng phát triển chi tiết cho các lĩnh vực được xác định, trên cơ sở đó, xây dựng và sớm hoàn thiện khung chính sách pháp luật nhằm hỗ trợ và giám sát, chấn chỉnh hoạt động của doanh nghiệp công nghiệp môi trường theo hướng chính quy hóa, phát triển quy mô, tăng cường hợp tác, đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu khoa học, phục vụ ngành công nghiệp môi trường hoạt động hiệu quả.

Để phát triển công nghiệp môi trường ở Việt Nam trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT-Bộ TN&MT cho rằng, cần có sự nhận diện nắm bắt được xu hướng toàn cầu, thực tiễn Việt Nam để nắm bắt cơ hội, thấy được những thách thức, đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm phát triển công nghiệp môi trường ở Việt Nam phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong xu thế chung toàn cầu và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam. Mặt khác chúng ta cần chủ động phát triển các sản phẩm công nghiệp môi trường không lạc hậu so với những sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu sản phẩm công nghiệp môi trường có tính cạnh tranh.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu còn cho ý kiến cho về thực tiễn triển khai chính sách phát triển ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam và  giải pháp hoàn thiện hệ thống  văn bản pháp luật trong lĩnh vực này.

Kết luận hội thảo khoa học, TS.Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Chủ nhiệm Đề tài, ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến phát biểu thảo luận và khẳng định đây là nguồn thông tin quý báu, là cơ sở quan trọng để Ban Chủ nhiệm đề tài, Viện Nghiên cứu lập pháp tham mưu, đề xuất để hoàn thiện chính sách, pháp luật và thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường phát triển./.

Lê Anh