MỐI QUAN HỆ PHỐI HỢP CÁC CƠ QUAN THUỘC ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

15/07/2020

Ngày 15/07, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội thảo “Một số vấn đề về mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. Góp ý tại Hội thảo, TS. Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử, Văn phòng Quốc hội kiến nghị giữa 3 cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có quy chế về mối quan hệ công tác.

Toàn cảnh Hội thảo

Theo Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, cơ cấu tổ chức của Quốc hội gồm Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội; Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Văn phòng Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập 3 cơ quan tham mưu gồm Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện và Viện Nghiên cứu lập pháp.

Theo TS. Nguyễn Hải Long khi thành lập 3 cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân định khá rõ ràng, rành mạch nhiệm vụ của từng cơ quan giúp việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong từng lĩnh vực riêng biệt. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, giữa 3 cơ quan vẫn có sự trao dổi, phối hợp công tác. TS. Nguyễn Hải Long nêu dẫn chứng: Ban Dân nguyện có văn bản đề nghị Ban Công tác đại biểu báo cáo những vấn đề cử tri đề xuất, kiến nghị thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà Ban Công tác đại biểu được giao tham mưu, giúp việc.

TS. Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử, Văn phòng Quốc hội

Mối quan hệ mang tính đặc trưng, khác biệt giữa 3 cơ quan với nhau và mối quan hệ giữa 3 cơ quan với các cơ quan khác chưa thể hiện rõ ràng. Trên thực tế, là 3 cơ quan do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập để giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ của mình nhưng giữa 3 cơ quan này không có quy chế phối hợp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành hay do 3 cơ quan tự ký với nhau.

Để đảm bảo tính pháp lý về mối quan hệ công tác của 3 cơ quan, TS. Nguyễn Hải Long đề xuất bổ sung quy định về mối quan hệ công tác trong Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ của 3 cơ quan. Trường hợp vẫn giữ nguyên vị trí 3 cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội như hiện nay thì cần ban hành mới nhiệm vụ, quyền hạn của 3 cơ quan trong đó bổ sung quy định về mối quan hệ công tác.

Ngoài ra, TS. Nguyễn Hải Long cũng kiến nghị, giữa 3 cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có quy chế về mối quan hệ công tác. Quy chế này có thể được xây dựng theo 2 phương án như sau:

1- Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy chế phối hợp dưới hình thức Nghị quyết. Phương án này có tính pháp lý cao, không chỉ bắt buộc 3 cơ quan thực hiện mà còn có giá trị pháp lý với các cơ quan khác. Phạm vi điều chỉnh về mối quan hệ phối hợp có thể mở rộng hơn, không chỉ giữa 3 cơ quan mà có thể giữa 3 cơ quan với cơ quan của Quốc hội, các cơ quan khác. Định kỳ hàng năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết về việc thực hiện quan hệ phối hợp giữa 3 cơ quan.

2- Ba cơ quan ký quy chế phối hợp trong quan hệ công tác. Phương án này có tính pháp lý không cao, phụ thuộc nhiều vào sự chủ động, tự nguyện thực hiện của từng cơ quan. Định kỳ hàng năm, 3 cơ quan cùng tổ chức Hội nghị tổng kết về việc thực hiện quan hệ phối hợp giữa 3 cơ quan.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ một số nội dung trọng tâm về cơ sở, quá trình thành lập các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Ban Dân nguyện, Ban Công tác Đại biểu, Viện Nghiên cứu lập pháp;… Đồng thời, nêu kinh nghiệm quốc tế về các cơ quan giúp việc Quốc hội, từ đó đề xuất nhiều phương án hoàn thiện mô hình tổ chức của các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hội thảo nhằm mục đích phục vụ cho việc nghiên cứu, hoàn thiện đề tài khoa học cấp bộ về tổ chức và hoạt động của các cơ quan Ủy ban Thường vụ Quốc hội – những vấn đề lý luận và thực tiễn./.

Lê Anh