TỌA ĐÀM GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

13/05/2020

Chiều ngày 13/05, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức Tọa đàm “Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính”. TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì tọa đàm. Tham dự tọa đàm có đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các chuyên gia, nhà khoa học.

Toàn cảnh Tọa đàm

Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ sáu ban hành ngày 20/06/2012. Thực tiễn thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật những năm qua cho thấy, bên cạnh những thành tựu, kết quả to lớn đã đạt được thì đã phát sinh những vướng mắc bất cập, cần thiết phải tổ chức đánh giá một cách toàn diện, bài bản, hệ thống và cần có sự sửa đổi, bổ sung kịp thời để tiếp tục hoàn thiện và nâng cao một bước hiệu lực, hiệu quả của pháp luật xử lý vi phạm hành chính đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay của nước ta. Trên cơ sở tổng kết đánh giá toàn diện, đầy đủ, chính xác cơ sở chính trị pháp lý và cơ sở thực tiễn trong việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật này, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 để xem xét, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội kháo XIV và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10. Hồ sơ dự án Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội. Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã thẩm tra sơ bộ, thẩm tra chính thức đối với dự án Luật. Dự án Luật cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 42 và đã Thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật này.

Dự thảo Luật gồm 04 điều: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản, điểm của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 3. Bãi bỏ một số điều, khoản của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 4. Hiệu lực thi hành. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 61/142 điều, sửa kỹ thuật 09/142 điều, bổ sung mới 03 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 05 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính sau hơn 7 năm thi hành đã có nhiều vấn đề đặt ra cần phải tổng kết, đánh giá để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập; đồng thời tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về xử lý vi phạm hành chính, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013; đảm bảo tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đáp ứng các yêu cầu của công tác đấu tranh, phòng chống các hành vi vi phạm hành chính. TS Nguyễn Văn Hiển cũng nhấn mạnh, đây là dự án luật có phạm vi điều chỉnh rộng, kỹ thuật lập pháp khó. Vì vậy, việc tổ chức tọa đàm để có thêm thông tin, góc nhìn đa chiều về dự án luật, phục vụ các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tới đây.

 TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì Tọa đàm

Tại tọa đàm, đa số ý kiến đại biểu tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật như bổ sung quy định tăng mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực; bổ sung thêm chức danh có thẩm quyền xử phạt; quy định rõ hơn về giao quyền xử phạt, lập biên bản, thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính so với Luật hiện hành; sửa đổi, bố sung quy định về trinfh tự, thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Cũng tại tọa đàm, các đại biểu tập trung làm rõ một số vấn đề về nội dung cơ bản sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật; về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính;… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất,  góp ý nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy.

Ý kiến góp ý của các đại biểu tại tọa đàm sẽ được Viện Nghiên cứu lập pháp nghiên cứu, tổng hợp thành tài liệu tham khảo để cung cấp thông tin về dự án luật tới các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, phục vụ Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Lê Anh