XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT TRƯỚC YÊU CẦU HOÀN THIỆN THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN

05/09/2019

Tiếp tục chương trình Hội thảo “Định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, sáng ngày 05/9, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu tập trung thảo luận nội dung Xây dựng và hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phiên làm việc thứ 3 của Hội thảo

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đồng chủ trì hội thảo. 

Nghị quyết số 48-NQ/TW là văn kiện chính trị quan trọng, thể hiện chính sách lớn của Đảng ta về định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một chiến lược dài hạn và toàn diện, với những bước đi và giải pháp tương đối cơ bản cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Trên cơ sở thể chế hóa các định hướng của Nghị quyết số 48-NQ/TW và sau đó là Kết luận số 01-KL/TW ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, hệ thống pháp luật Việt Nam đã ngày càng hoàn thiện. Một loạt các văn kiện pháp lý quan trọng đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, trong đó có Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các luật, bộ luật và các văn bản dưới luật trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, phục vụ thiết thực công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trong 06 định hướng lớn về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật được đề ra trong Nghị quyết số 48-NQ/TW, định hướng về “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nghị quyết số 48-NQ/TW cũng xác định 07 nội dung cụ thể của định hướng này, bao gồm: Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh; Xây dựng pháp luật cho việc tạo lập đồng bộ các thị trường; Hoàn thiện môi trường pháp lý cho sự hình thành, phát triển lành mạnh thị trường lao động; Hoàn thiện pháp luật về thị trường chứng khoán; Hoàn thiện pháp luật về tài chính công;  Hình thành đồng bộ pháp luật về các chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật; Hoàn thiện pháp luật về tài nguyên và môi trường.

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 01-KL/TW ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, theo đó xác định: tiếp tục hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế theo hướng tiếp tục thể chế hoá các quyền về tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân, minh bạch về nghĩa vụ và trách nhiệm trong thủ tục hành chính nhà nước và dịch vụ công; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phát triển các loại thị trường, gia nhập và rút khỏi thị trường theo hướng đảm bảo quyền tự do kinh doanh; hoàn thiện pháp luật về các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô bao gồm : thuế, các tiêu chuẩn về chất lượng, quản lý giá và các công cụ hỗ trợ quản lý vĩ mô như thống kê, đăng ký giao dịch, đăng ký tài sản. Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quy hoạch, đặc khu kinh tế; xây dựng cơ chế quản lý kinh tế đặc thù đô thị, nông thôn, biên giới, hải đảo, tài nguyên biển; pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc phiên làm việc thứ 3 của Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trong gần 15 năm qua, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục được hoàn thiện và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thể chế hóa các nội dung định hướng của Nghị quyết số 48-NQ/TW và Kết luận số 01-KT/TW, Hiến pháp năm 2013 và một loạt các luật có ý nghĩa rường cột trong lĩnh vực dân sự, kinh tế đã được ban hành, như: Bộ luật Dân sự, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Chứng khoán,.. Dưới đó và các văn bản dưới luật quy định cụ thể thi hành các Luật. Pháp luật đã dần xác định và không phân biệt đối xử giữa các chế độ và hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường. Cũng chính các quy định pháp luật đã giảm dần những rào cản và phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế bằng chính sách chung cho các loại hình doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giữa các nhà đầu tư trong nước cũng như ngoài nước; hình thành môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh hơn, phù hợp với các quy luật của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, tăng sức cạnh tranh trên thương trường của các doanh nghiệp và đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng nhấn mạnh cần xác định việc xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh phải là một quá trình lâu dài và liên tục. Thị trường luôn luôn biến động, kiến thức và sáng tạo của nhân loại ngày một tiến bộ, trình độ khoa học – công nghệ ngày một phát triển, do vậy, hệ thống pháp luật cũng phải được bổ sung, hoàn chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình hình thực tế.

Tại phiên làm việc thứ 3 của Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận hai  nội dung trọng tâm: Thứ nhất, đánh giá kết quả đạt được cũng như hạn chế, bất cập, nguyên nhân của hạn chế, bất cập trong thực hiện các nội dung định hướng đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN được nêu trong Nghị quyết số 48-NQ/TW và Kết luận số 01-KL/TW qua các giai đoạn phát triển 2005-2010, 2010-2015 và từ 2015-nay, trong đó làm rõ những kết quả nào đã được duy trì, những hạn chế, bất cập nào đã được khắc phục, những hạn chế nào vẫn còn tồn tại qua từng giai đoạn phát triển. Thứ hai, dự báo tình hình và những yêu cầu đặt ra trong giai đoạn 10 năm 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2045; xác định nhu cầu, định hướng và giải pháp tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự, kinh tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các ý kiến tham luận và thảo luận tại Hội thảo sẽ được tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để phục vụ quá trình Tổng kết Nghị quyết số 48 –NQ/TW của Bộ Chính trị./.

Lan Anh - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác