XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN LUẬT TRÊN CƠ SỞ THỰC TIỄN THI HÀNH LUẬT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM CHỐNG LÃNG PHÍ

07/12/2018

Sáng ngày 07/12, tại nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo khoa học Xây dựng Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá thực hiện Luật trên cơ sở thực tiễn thi hành Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí. TS. Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội và PGS.TS Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, đồng chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại biện Đoàn ĐBQH, Ban kinh tế, ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam, tỉnh Bắc Giang; thành phố Hà Nội; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước và lãnh đạo, chuyên viện Vụ Tài chính Ngân sách, Viện nghiên cứu lập pháp.

Toàn cảnh Hội thảo Xây dựng Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá thực hiện Luật trên cơ sở thực tiễn thi hành Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Hoàng Văn Tú cho biết, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Quốc hội ban hành ngày 26/11/2013 có hiệu lực từ ngày 01/07/2014. Sau 4 năm triển khai thi hành cho thấy công tác quản lý, sử dụng vốn, kinh phí nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực; từng bước khắc phục những yếu kém trong quản lý đầu tư xây dựng; góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và trong dân cư cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn tồn tại một số hạn chế, gây ảnh hưởng đến chất lượng, tính chính xác, khách quan của những đánh giá, kiến nghị trong lĩnh vực này. Do đó, đặt ra yêu cầu cần sớm xây dựng bộ tiêu chí giám sát, đánh giá thực hiện Luật trên cơ sở thực tiễn thi hành Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận, thu thập ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để làm rõ một số vấn đề về lý luận và thực tiễn phục vụ hoạt động giám sát, thẩm tra đánh giá thực hiện Luật của Ủy ban Tài chính-Ngân sách trong thời gian tới.

TS.Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội và PGS.TS Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đồng chủ trì Hội thảo

Tại hội thảo các báo cáo tham luận đã nhận diện và định hình tiêu chí tiết kiệm, lãng phí; giám sát và đánh giá việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và định mức tiêu chuẩn, chế độ trong quản lý sử dụng ngân sách nhà nước; phân tích các yếu tố ảnh hưởng hiệu quả ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý điều hành;…

PGS.TS Đặng Văn Thanh cho rằng, kết quả triển khai thực hiện Luật và chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tiến hành khá mạnh mẽ tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và xã hội. Tuy nhiên, tình trạng lãng phí tài sản, tiền vốn, lãng phí thời gian, công sức và các nguồn lực của dân của nước vẫn diễn ra khá phổ biến. Do đó, rất cần nhận dạng, đo lường và kiểm soát tình hình thực hành tiết kiệm và tình trạng lãng phí trong nền kinh tế và trong đời sống kinh tế - xã hội. Cần hình thành các tiêu chí cần thiết để xác định mang tính định lượng mức độ tiết kiệm và lãng phí của các hoạt động, việc làm trong đời sống kinh tế xã hội.

Từ phân tích thực trạng hoạt động giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiện nay kết quả còn hạn chế, chưa hoàn thiện, một số đánh giá, kiến nghị chưa đủ bằng chứng, TS. Hoàng Quang Hàm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giám sát trong lĩnh vực này như: xây dựng trình tự các bước công việc phù hợp; kiến nghị Chính phủ cung cấp tài liệu kịp thời, đầy đủ; xây dựng bộ tiêu chí phục vụ hoạt động giám sát; đổi mới phương pháp giám sát (gián tiếp qua hồ sơ và trực tiếp xuống cơ sở); nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ths.Đặng Đình Luyến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trình bày tham luận tại Hội thảo 

Ths. Đặng Đình Luyến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, để đưa luật vào cuộc sống và được thực hiện nghiêm chỉnh, có tính khả thi, thì sau khi luật được Quốc hội thông qua phải thực hiện nhiều công việc khác nhau, từ việc công bố luật, phổ biến, giáo dục để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân biết thực hiện; ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật; tổ chức thực hiện luật; đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện luật,… Vì vậy, việc xây dựng các tiêu chí giám sát, đánh giá việc thực hiện luật cũng phải dựa vào các hoạt động nêu trên.

Nhằm nâng cao hiệu quả ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thi hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, điều hành, TS.Trần Xuân Long - Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính - đề xuất trong thời gian tới cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ: Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp. Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ba là, khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ làm cơ sở cho thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bốn là, tăng cường thực hiện công khai, khuyến khích thực hiện hình thức công khai trên trang thông tin điện tử nhằm nâng cao hiệu quả giám sát và tiết kiệm ngân sách. Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công khai kết quả thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.  

Đại biểu tham dự phát biểu tại Hội thảo 

Sau khi nghe báo cáo tham luận, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ một số vấn đề mới về lý luận và thực tiễn đặt ra, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, đánh giá việc thực hiện luật của Quốc hội nói chung và Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí nói riêng.

Phát biểu tại hội thảo, TS.Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc giám sát, đánh giá thực trạng thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí theo các tiêu chí sau: cần xem xét việc phổ biến, giáo dục Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như thế nào; đánh giá việc tổ chức áp dụng Luật Thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí trong thực tiễn; đánh giá ý thức của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện luật; đánh giá về hiệu quả, hiệu lực trong việc thực hiện luật; …

Kết luận Hội thảo, TS.Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội thảo. Ý kiến tham luận cũng như ý kiến phát biểu của các đại biểu sẽ được Ban Chủ nhiệm đề tài nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện đề tài cấp Bộ "Xây dựng Bộ tiêu chí giám sát đánh giá thực hiện luật từ thực tiễn thi hành luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí" trong thời gian tới./.  

Lê Anh