CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VIỆT NAM

30/11/2018

Sáng ngày 30/11, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo các yếu tố ảnh hưởng đến việc phân cấp, phân quyền trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. PGS.TS Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo.

Hội thảo Các yếu tố ảnh hưởng đến việc phân cấp, phân quyền trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tham dự hội thảo có TS.Lê Hải Đường - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu lập pháp; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện một số vụ, đơn vị chuyên môn của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Hoàng Văn Tú cho biết, ở Việt Nam, vấn đề phân cấp, phân quyền trong nhiều năm qua được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa VII), Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII), Văn kiện Đại hội IX, X của Đảng đều nhấn mạnh vấn đề này. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội XI của Đảng yêu cầu: tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương; nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp….”. Từ chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đã thể chế hóa thành các văn bản luật, văn bản dưới Luật như việc quy định vấn đề phân cấp, phân quyền trong các bản Hiến pháp trước đây và Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Nghị quyết 21/NQ-CP về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương… Phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương là vấn đề rất phức tạp và hiện nay vấn đề này còn mang tính thời sự cao.

PGS.TS Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại hội thảo, các báo cáo tham luận đã làm rõ thực trạng phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương ở Việt Nam trong thời gian qua; bối cảnh lịch sử, điều kiện xã hội ảnh hưởng đến thực hiện phân cấp, phân quyền ở Việt Nam; những vấn đề đặt ra trong việc đánh giá mức độ phân cấp, phân quyền;…

Về phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương ở Việt Nam, theo PGS.TS Bùi Xuân Đức - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Mặt trận, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cho rằng, điểm mới quan trọng trong mối quan hệ quản lý giữa trung ương và địa phương được thể hiện theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương là sự phân quyền cho chính quyền địa phương. Hiến pháp năm 2013 quy định: Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra của cơ quan nhà nước cấp trên” (Đ.112 Hiến pháp năm 2013); và tiếp theo là Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định “Chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền” (Đ. 12 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015). Phân quyền cho địa phương là khái niệm lần đầu tiên được dùng một cách chính thức còn trước đây được dùng lẫn trong khái niệm phân cấp quản lý.

Đại biểu tham dự phát biểu tại Hội thảo

Trên cơ sở thực hiện phân cấp quản lý nhà nước cho chính quyền địa phương trong thời gian qua, TS.Nguyễn Thị Ngọc Linh - Trường Đại học Nội vụ, Bộ Nội vụ - nhấn mạnh, phân cấp giữa trung ương và địa phương là một vấn đề phức tạp vừa có tác động tích cực vừa có tác động tiêu cực đến sự phát triển đất nước. Chỉ khi nào nhận thức đúng, hoạch định đúng và tổ chức thực hiện hiệu quả thì vấn đề phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương mới có tác dụng tích cực, thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước và của mỗi địa phương. Nếu tiến hành vội vàng, thiếu nghiên cứu, cân nhắc đầy đủ giữa mặt lợi và mặt hại thì việc phân cấp có thể gây ra những tác động tiêu cực. Trong quá trình thực hiện việc phân cấp quản lý nhà nước cho chính quyền địa phương cần quan tâm nâng cao năng lực của địa phương và xây dựng khung pháp lý chặt chẽ về quyền hạn và trách nhiệm của các bên trong quá trình phân cấp và nhận sự phân cấp.

Để thực hiện tốt hơn việc phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và địa phương, Ths.NCs.Lê Ngọc Hưng - Học Viện Hành chính Quốc gia - đề xuất một số giải pháp như: Thực hiện phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương nhưng phải đảm bảo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất; đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao; Tiếp tục hoàn thiện về mặt tổ chức các cơ quan chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chính quyền đại phương, tránh hình thức trong hoạt động của chính quyền địa phương;  phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương phải đảm bảo tính phù hợp với đặc điểm của đơn vị hành chính - lãnh thổ;...

Sau khi nghe báo cáo tham luận, các đại biểu tập trung thảo luận vào một số nội dung trọng tâm như: Làm rõ khái niệm phân cấp, phân quyền ở Việt Nam; Sự khác nhau giữa phân cấp và phân quyền ở Việt Nam; Sự giống nhau và khác nhau trong quan niệm về phân cấp, phân quyền ở Việt Nam so với cách hiểu phổ biến trên thế giới; Những vấn đề cần giải quyết để đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương trong thời gian tới; ….

Hội thảo là diễn đàn khoa học mở. Các tham luận, ý kiến trao đổi tại Hội thảo sẽ được Ban Chủ nhiệm đề tài nghiêm túc tiếp thu, bổ sung hoàn thiện Đề tài khoa học cấp Bộ “Phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương theo Hiến pháp năm 2013”. /.

 

 

 

Lê Anh