Văn phòng Quốc hội- 70 hình thành và phát triển

29/02/2016

Trải qua 70 năm hình thành và phát triển, gắn liền với tiến trình lịch sử của Quốc hội Việt Nam, Văn phòng Quốc hội đã không ngừng lớn mạnh, đáp ứng những yêu cầu mới đặt ra trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Các thế hệ cán bộ công chức, viên chức Văn phòng Quốc hội luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, xứng đáng với Huân chương Sao Vàng và Huân chương Hồ Chí Minh - phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhân dịp kỷ niệm 60 năm và 70 năm Ngày Truyền thống Văn phòng Quốc hội.

Bộ phận giúp việc của Ban Thường trực Quốc hội- tiền thân của Văn phòng Quốc hội

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 06/01/1946 là sự kiện đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta chẳng những đã trở thành một quốc gia độc lập mà còn có cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những công việc hệ trọng của đất nước.

Khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX                                                                                  Ảnh: TL

 Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 2/3/1946, Quốc hội đã thông qua danh sách và công nhận Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và quyết định bầu Ban Thường trực Quốc hội gồm 15 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết để thay mặt Quốc hội thực hiện nhiệm vụ của nhân dân giao phó, bảo đảm cho nhà nước ta có đầy đủ uy tín, hiệu lực để tổ chức nhân dân kháng chiến, kiến quốc, thực hiện mọi chức năng, nhiệm vụ đối nội và đối ngoại của đất nước.

Trụ sở làm việc đầu tiên của Ban Thường trực Quốc hội đặt tại số nhà 71 (nay là số 73) phố Hàng Trống, Hà Nội- trụ sở của Hội Khai trí Tiến Đức. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Ban Thường trực Quốc hội đã nhanh chóng củng cố và kiện toàn tổ chức. Trong phiên họp ngày 4/3/1946, Ban Thường trực đã bầu ra một Ban Thường vụ gồm 5 người do ông Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban và soạn thảo bản Nội quy về cách làm việc của Ban Thường trực Quốc hội…

Cùng với việc thành lập Ban Thường trực Quốc hội, bộ phận giúp việc của Ban Thường trực cũng được từng bước được hình thành. Chính phủ đã điều động một số cán bộ, nhân viên sang phục vụ Ban Thường trực, trước hết là phục vụ Trưởng ban trong mọi hoạt động liên lạc với Chính phủ và làm những công việc do Văn phòng đảm nhiệm như: in, phát tài liệu, giao thông liên lạc, tổ chức công tác tài chính, sắp xếp nơi ăn ở cho các đại biểu Quốc hội, tổ chức hội nghị cho Ban Thường trực Quốc hội…

Với ý nghĩa lịch sử, ngày 2/3/1946 là ngày mà Ban Thường trực Quốc hội được thành lập chính thức, cũng là ngày mở đầu truyền thống hoạt động của Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội, nay là Văn phòng Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, ngày 2/3/2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 751/2005/NQ-UBTVQH11 xác định ngày 2 tháng 3 hàng năm là Ngày Truyền thống của Văn phòng Quốc hội.

Văn phòng Quốc hội- 70 hình thành và phát triển

Gắn với lịch sự phát triển của Quốc hội Việt Nam, ở mỗi giai đoạn Văn phòng Quốc hội có các tên gọi khác nhau: Giai đoạn 1946- 1960 là Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội; Giai đoạn 1960- 1981 là Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Giai đoạn 1981- 1992 là Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước và từ năm 1992 đến nay là Văn phòng Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký chứng thực Hiến pháp năm 2013

Trải qua 70 năm hình thành và phát triển, Văn phòng Quốc hội đã không ngừng lớn mạnh, luôn đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Các thế hệ cán bộ công chức, viên chức Văn phòng Quốc hội luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong giai đoạn toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đã phục vụ Ban Thường trực Quốc hội thực hiện nhiệm vụ do Quốc hội giao như: bàn bạc, tham gia ý kiến về các chủ trương, chính sách lớn và giám sát Chính phủ trong các công việc phục vụ kháng chiến; tham gia cùng Chính phủ theo dõi diễn biến và quyết định việc ký kết Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương (20/7/1954); liên hệ với các đại biểu Quốc hội và duy trì mối quan hệ với nhân dân, với chính quyền các cấp ở địa phương; tham gia các phái đoàn công tác của Chính phủ động viên, khen ngợi các đơn vị quân đội đã lập được chiến công và uý lạo đồng bào vùng mới giải phóng...

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, với việc ký kết Hiệp định Genève, hoà bình lập lại ở Đông Dương, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới. Theo quy định của Hiến pháp 1959, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội. Ngày 16/1/1962 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 87 NQ/TVQH quy định cơ quan giúp việc cho Quốc hội là Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời kỳ này, do được giao thêm nhiệm vụ mới, nên số lượng cán bộ, nhân viên của Văn phòng cũng được tăng lên. Trong giai đoạn này, Văn phòng đã góp phần quan trọng vào việc phục vụ Quốc hội thực thi nhiệm vụ quyền hạn nhằm xây dựng và bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương lớn cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975), nhân dân cả nước đã tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Theo quy định của Hiến pháp 1980, Hội đồng Nhà nước là cơ quan thường trực của Quốc hội và là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, ngày 6/7/1981, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Nghị quyết số 01 NQ/HĐNN7 đổi tên Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Theo nghị quyết này, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước được xác định là cơ quan giúp việc cho Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, có trách nhiệm phục vụ mọi hoạt động của Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Bước vào thời kỳ “Đổi mới”, theo quy định của Hiến pháp 1992, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thành lập lại là cơ quan thường trực của Quốc hội. Ngày 26/9/1992, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 01- NQ/UBTVQH9 về việc đổi tên Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thành Văn phòng Quốc hội, tên gọi này được giữ cho đến nay.

Cùng với việc thay đổi tên gọi, nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội cũng được sửa đổi, bổ sung đầy đủ và cụ thể hơn. Theo Nghị quyết số 02 NQ/UBTVQH9 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 17/10/1992, cơ cấu tổ chức của Văn phòng  Quốc hội được kiện toàn cơ bản như: thành lập đầy đủ các vụ chuyên môn giúp việc Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban của Quốc hội; thành lập Vụ Công tác phía Nam...

Trong thời gian hoạt động từ năm 1992 đến năm 2011, trong bối cảnh công cuộc đổi mới của đất nước được triển khai toàn diện, mạnh mẽ nhằm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Văn phòng Quốc hội đã có nhiều bước cải tiến, đổi mới để phục vụ có hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Để nâng cao chất lượng hoạt động của Văn phòng Quốc hội, ngày 1/10/2003 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 417 NQ/UBTVQH11 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội. Trong bối cảnh đó, hoạt động của Văn phòng Quốc hội đã thực sự có bước phát triển vượt bậc, không chỉ tăng về số lượng công việc mà chủ yếu là công tác tham mưu, phục vụ đã đi vào nề nếp, đạt chất lượng và hiệu quả cao. Với tinh thần nghiêm túc, tận tụy và sáng tạo, tập thể cán bộ công chức, viên chức Văn phòng Quốc hội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội thông qua các dự án Luật

Đến năm 2013, trước những yêu cầu tiếp tục đổi mới, cải tiến tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 27/2012/QH13 ngày 21/06/2012. Đây là cơ sở để tiến hành đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy giúp việc của Quốc hội. Tiếp theo đó, ngày 10 tháng 7 năm 2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 618/2013/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội.

Chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội về cơ bản tiếp tục được giữ nguyên. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội đã được tổ chức lại theo nguyên tắc phân công rõ chức năng, nhiệm vụ để phục vụ một cách có hiệu quả hơn các hoạt động của Quốc hội. Văn phòng Quốc hội có 25 Vụ và đơn vị tương đương cấp vụ và 3 đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở tách nhập và bổ sung thêm một số vụ, đơn vị trong Văn phòng Quốc hội. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả tổ chức bộ máy giúp việc của Quốc hội và bảo đảm thực hiện theo các thông lệ quốc tế, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 đã thành lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội để tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Tổng thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Với những cải tiến, đổi mới trong tổ chức và hoạt động, trong thời gian từ năm 2013 cho đến nay, Văn phòng Quốc hội tiếp tục góp phần quan trọng vào thành tựu đổi mới của Quốc hội cả trong lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Về công tác lập Hiến và lập pháp, Văn phòng Quốc hội đã tham mưu, phục vụ Quốc hội trong việc xây dựng và ban hành Hiến pháp năm 2013 và trên 100 luật, bộ luật, 10 pháp lệnh. Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII là nhiệm kỳ có tổng số lượng văn bản được thông qua lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó có nhiều bộ luật lớn, các đạo luật quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đặc biệt, Văn phòng Quốc hội đã có nhiều tham mưu nhằm cải tiến quy trình lập pháp, theo hướng nâng cao chất lượng, tăng tính chủ động, dân chủ trong hoạt động xây dựng pháp luật.

Về công tác giám sát, Văn phòng đã tham mưu giúp Quốc hội xây dựng chương trình giám sát hàng năm, triển khai thực hiện giám sát tại kỳ họp Quốc hội; phục vụ các Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Phạm vi phục vụ công tác giám sát rất đa dạng, phong phú, tập trung vào những vấn đề nổi cộm trong xã hội như việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề; quy hoạch thủy điện; đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh; bảo hiểm y tế, giảm nghèo; việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản; việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng; tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự...

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Văn phòng Quốc hội cũng đã phục vụ Quốc hội ban hành nhiều quyết định có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng kinh tế; ban hành một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ…

Về công tác đối ngoại, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp tham mưu, phục vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội triển khai công tác đối ngoại đúng trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Đặc biệt, các vụ, đơn vị trong Văn phòng đã đề cao trách nhiệm, nỗ lực thực hiện hoàn thành khối lượng công việc lớn trong tham mưu, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU- 132) và Hội nghị các Tổng thư ký Nghị viện thế giới (ASGP) để lại tình cảm, ấn tượng tốt đẹp, được bạn bè Quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, góp phần nâng cao vai trò của Quốc hội Việt Nam trong khu vực và trên trường Quốc tế.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì Họp báo kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam

Cũng trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác thông tin về hoạt động của Quốc hội tới công chúng và chuyển tải ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cử tri đến với Quốc hội. Văn phòng đã có nhiều cải tiến trong quá trình chuyển tải thông tin giữa Quốc hội với cử tri thông qua việc tổ chức Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, thành lập Kênh truyền hình Quốc hội, cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng của Báo Đại biểu Quốc hội. Thông qua đó, người dân đã được tiếp cận các thông tin về tổ chức và hoạt động của Quốc hội một cách rộng rãi, đầy đủ và kịp thời hơn. Việc cung cấp thông tin, nghiên cứu phục vụ hoạt động của Quốc hội cũng liên tục được nâng cao với việc đưa Thư viện Quốc hội vào hoạt động với nhiều công nghệ hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho các đại biểu Quốc hội, các cán bộ, chuyên viên của Văn phòng Quốc hội trong việc tra cứu, tham khảo thông tin.

Trải qua 70 năm hình thành và phát triển, gắn liền với tiến trình lịch sử của Quốc hội Việt Nam, Văn phòng Quốc hội đã không ngừng lớn mạnh, đáp ứng những yêu cầu mới đặt ra trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Các thế hệ cán bộ công chức, viên chức Văn phòng Quốc hội luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, xứng đáng với Huân chương Sao Vàng và Huân chương Hồ Chí Minh - phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhân dịp kỷ niệm 60 năm và 70 năm Ngày Truyền thống Văn phòng Quốc hội.

Vụ Thông tin