Kế thừa sâu sắc những bài học lịch sử với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội

09/12/2015

Ngày 8/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học “Quốc hội Việt Nam: 70 năm hình thành và phát triển”. Phát biểu tại Hội thảo Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, việc tổ chức Hội thảo là hết sức có ý nghĩa, thể hiện sự nhận thức một cách sâu sắc về sự kết nối chặt chẽ giữa việc kế thừa những bài học lịch sử với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong tương lai.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam ngày 6/1/1946 đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta, đánh dấu sự hình thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam. Kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên cũng là dịp kỷ niệm 70 năm ngày ra đời của Quốc hội nước ta bởi chỉ 2 tháng sau khi cuộc bầu cử thành công, Quốc hội nước ta đã họp kỳ họp đầu tiên vào tháng 3 năm 1946 thành lập nên Chính phủ liên hiệp kháng chiến và sau đó, tại kỳ họp thứ 2 vào tháng 11 năm 1946, đã thông qua bản Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại Hội thảo                        Ảnh: Đình Nam

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, việc tổ chức cuộc Hội thảo khoa học về 70 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam vào dịp này là hết sức có ý nghĩa, thể hiện sự nhận thức một cách sâu sắc về sự kết nối chặt chẽ giữa việc kế thừa những bài học lịch sử với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong tương lai.

Trước hết, những kinh nghiệm quý giá của Quốc hội khóa I trong việc thảo luận và thông qua bản Hiến pháp năm 1946 là những bài học sâu sắc được kế thừa và phát triển trong những bản Hiến pháp về sau. Đặc biệt, bản Hiến pháp được Quốc hội, khóa XIII thông qua vào năm 2013 đã thể hiện những nỗ lực trong việc tiếp nối tinh thần của bản Hiến pháp năm 1946. Hiến pháp năm 2013 thể hiện rõ tinh thần đề cao vai trò làm chủ của nhân dân, phát huy dân chủ và bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đề cao và đưa lên vị trí trang trọng hàng đầu trong Hiến pháp. Đó vừa là sự kết thừa Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo vừa thể hiện nhận thức mới trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.

Bản Hiến pháp năm 2013 là cơ sở để Quốc hội khóa XIII đẩy mạnh công tác lập pháp, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó có việc thông qua những đạo luật khó, tạo ra bước tiến mới trong việc bảo đảm quyền dân chủ của người dân như Luật trưng cầu ý dân, Luật tạm giữ, tạm giam… hay tạo ra động lực để thúc đẩy việc xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như Luật đầu tư (sửa đổi), Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Luật đất đai (sửa đổi)…

Thứ hai, thực tiễn tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong những nhiệm kỳ đầu tiên cũng là những kinh nghiệm rất có giá trị đối với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội hiện nay. Nhìn lại hoạt động chất vấn trong những kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I có thể nhận thấy tinh thần dân chủ một cách sâu sắc. Tại phiên chất vấn diễn ra tại kỳ họp thứ 2, phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với toàn bộ các thành viên của Chính phủ trả lời trước Quốc hội hơn 80 câu hỏi của các đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn này đã diễn ra một cách rất dân chủ, tập trung vào những việc thực hiện những chính sách của Nhà nước trong những ngày đầu độc lập và kéo dài đến tận nửa đêm mới kết thúc. Tinh thần dân chủ, thẳng thắn và quyết liệt đó là tấm gương để các nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo học tập.

Với tinh thần đó, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Quốc hội nước ta cũng đã có nhiều đổi mới trong tổ chức hoạt động giám sát. Kỳ họp thứ 10 vừa qua đã chứng kiến những đổi mới trong hoạt động chất vấn với việc các đại biểu Quốc hội có thể chất vấn toàn bộ các thành viên Chính phủ một cách tổng thể về những các cam kết của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội trong suốt nhiệm kỳ.

Điều này thể hiện sự tiếp nối những thành công trong hoạt động của Quốc hội trước đây trong bối cảnh hiện nay. Trước đó, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cũng đã tạo ra động lực để các vị bộ trưởng, trưởng ngành đổi mới mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành. Những nỗ lực đổi mới này đã tạo ra những dấu ấn được người dân ghi nhận và đánh giá cao.

Về hoạt động đối ngoại, nhiệm kỳ Quốc hội đầu tiên cũng đã để lại những dấu ấn sâu sắc về ngoại giao nghị viện. Ngay sau khi thành lập, Quốc hội nước ta cũng đã cử một phái đoàn do Phó trưởng ban thường trực Quốc hội Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm Pháp để làm cho người dân Pháp hiểu rõ hơn cuộc đấu tranh vì độc lập của Việt Nam. Sau đó, Quốc hội cũng đã cử nhiều đoàn đại biểu đi thăm các nước để củng cố tình hữu nghị, đoàn kết giữa Việt Nam với các nước.

Trên cơ sở tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một đường lối đối ngoại rộng mở hình thành trong thời kỳ đầu độc lập, trong quá trình 70 năm qua, hoạt động đối ngoại của Quốc hội nước ta cũng đã có những đóng góp tích cực vào thành công của hoạt động ngoại giao nước nhà.

Đặc biệt, Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 của được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3 năm 2015 là một sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử ngoại giao hết sức to lớn, thể hiện tinh thần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng của Quốc hội nước ta, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là hội nghị được các bạn quốc tế đánh giá là một trong những kỳ Đại hội đồng được tổ chức tốt nhất trong hơn 30 năm qua, trong đó nước chủ nhà Việt Nam không chỉ đóng góp tích cực cho công tác tổ chức mà còn tham gia đề xuất những chủ đề quan trọng của hội nghị mà nổi bật nhất là bản Tuyên bố Hà Nội về việc hiện thực hóa những mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp Quốc đang xây dựng cho đến năm 2030.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, nhìn lại lịch sử là để hướng tới tương lai. Trong thời gian tới đây, cùng với nhân dân cả nước, Quốc hội nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn tiếp tục đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế một cách sâu rộng. Trong bối cảnh đó, Quốc hội cần phải tiếp tục đổi mới để bảo đảm thực thi có hiệu quả Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng những đòi hỏi của việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước ta trở thành một nước công nghiệp, hiện đại.

Các đại biểu tham dự Hội thảo Quốc hội Việt Nam: 70 năm hình thành và phát triển

Do đó, trong dịp Hội thảo quan trọng này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị, Hội thảo cần có những phân tích, trao đổi một cách thẳng thắn và sâu sắc để nhìn lại chặng đường lịch sử trong 70 năm vừa qua của Quốc hội Việt Nam. Đồng thời, qua đó chỉ ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục kế thừa, phát huy trong công cuộc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong thời gian sắp tới.

Thứ nhất, tiếp tục phân tích làm rõ ý nghĩa lịch sử và những bài học thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam. Đây là cuộc bầu cử được diễn ra trong tình thế muôn vàn khó khăn nhưng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí của Người lãnh đạo một cách tài tình để đi đến thắng lợi. Vấn đề đặt ra là những bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức bầu cử, vận động tranh cử, vận động người dân tham gia bầu cử trong kỳ Tổng tuyển cử đầu tiên này cần phải được tiếp tục phát huy như thế nào trong công tác bầu cử, nhất là trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ thứ 14 và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới.

Thứ hai, phân tích, làm rõ quá trình gắn bó với nhân dân, đồng hành với dân tộc của Quốc hội nước ta trong 70 năm vừa qua. Đây là cơ sở để tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò của Quốc hội trong các giai đoạn khác nhau của lịch sử cách mạng Việt Nam để qua đó xác định và phát huy một cách đúng đắn vai trò của Quốc hội trong cải cách thể chế, đổi mới một cách toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế một cách sâu rộng.

Thứ ba, nêu cao những bài học về việc phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân của Quốc hội trong đó phân tích, làm rõ những bài học kinh nghiệm của việc xây dựng một Quốc hội của toàn dân, của tất cả các dân tộc anh em, của các tôn giáo, của các thành phần khác nhau trong xã hội. Từ đó, rút ra những giải pháp để tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội bảo đảm Quốc hội gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với nhân dân, đại diện cho ý chí chung của toàn dân tộc.

Thứ tư, phân tích những kinh nghiệm quý giá trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội để làm cơ sở cho việc đổi mới việc thực hiện các chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội, trong đó có những giải pháp để đổi mới cơ cấu tổ chức của Quốc hội, nâng cao vai trò của Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội; đổi mới quy trình, thủ tục làm việc; nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội; cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy giúp việc của Quốc hội.

TH Lược ghi