Góp ý dự thảo Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

10/08/2015

Sáng 7/8, tại Hà Nội, Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Nội quy Kỳ họp Quốc hội đã tổ chức Hội nghị Tổng kết việc thi hành Nội quy kỳ họp Quốc hội năm 2002 và cho ý kiến về dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì Hội nghị.

Báo cáo Tổng kết việc thi hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội năm 2002 cho biết, sau hơn 12 năm thi hành, Nội quy đã có đóng góp quan trọng đối với hoạt động của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng các kỳ họp của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chú trọng chỉ đạo sát sao việc chuẩn bị kỳ họp, dự kiến nội dung và xây dựng chương trình làm việc, tiến độ chuẩn bị, nội dung, gửi tài liệu các dự án, đề án, báo cáo trình Quốc hội và tiến hành kỳ họp. Đại biểu Quốc hội thực hiện nghiêm quy định về kỳ họp, đề cao trách nhiệm trước nhân dân và cử tri. Công tác tiếp công dân và tiếp nhận khiếu nại, tố cáo của công dân trước và sau kỳ họp được thực hiện ngày càng nền nếp. Quy trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội tại các kỳ họp thường xuyên được đổi mới, cải tiến nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có những cải tiến mạnh mẽ theo hướng thực chất hơn, tập trung vào các vấn đề quan trọng, bức xúc, phản ánh sát thực tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

Đánh giá cao những kết quả đạt được sau 12 năm thi hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội, song nhiều ý kiến cho rằng, Nội quy còn một số hạn chế, bất cập. Ví dụ, Nội quy còn thiếu các quy định cụ thể về quy trình, thủ tục tiến hành giới thiệu, thẩm tra, ứng cử, đề cử, xem xét thông qua danh sách ứng cử, đề cử, ý kiến của cơ quan, cá nhân giải trình về nhân sự khi có ý kiến của đại biểu Quốc hội; chưa có quy định cụ thể về quy trình Quốc hội xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước… Trong sửa đổi Nội quy Kỳ họp Quốc hội lần này, cần bảo đảm quy trình và thủ tục tại mỗi kỳ họp của Quốc hội theo hướng chặt chẽ, khoa học, phù hợp hơn với đặc thù hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Về chất vấn và trả lời chất vấn, việc sửa đổi, bổ sung các quy định trong Nội quy Kỳ họp Quốc hội cần gắn với việc sửa đổi các đạo luật liên quan, trong đó có dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân đang trình Quốc hội xem xét, chuẩn bị thông qua tại Kỳ họp cuối năm nay; làm rõ mối liên hệ giữa hoạt động chất vấn với lấy phiếu tín nhiệm cũng như giám sát chuyên đề...

Theo ĐBND