PHIÊN HỌP TRÙ BỊ ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ CƠ QUAN VĂN PHÒNG QUỐC HỘI NHIỆM KỲ 2020-2025

25/08/2020

Chiều ngày 25/8, tại Nhà Quốc hội, Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội tổ chức phiên họp trù bị cho việc tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025.

Đến dự phiên họp có: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Bí thư Đảng ủy Cơ quan Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Cơ quan Văn phòng Quốc hội Nguyễn Đức Thụ; các đồng chí là ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; các đồng chí đại diện Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; các đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ cùng 194 đại biểu đại diện cho hơn 1.010 đảng viên của Đảng bộ Cơ quan Văn phòng Quốc hội.

Tại phiên họp, Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội đã thông qua Chương trình phiên họp trù bị, bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký Đại hội, bầu Ban Thẩm tra tư cách đại biểu, thong qua Chương trình Đại hội và Quy chế làm việc của Đại hội.


Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Cơ quan Văn phòng Quốc hội Nguyễn Đức Thụ.

Cũng tại phiên họp, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội Nguyễn Đức Thụ đã phổ biến quy chế bầu cử; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa trình bày và thảo luận dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Trình bày và thảo luận Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo các Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh nhấn mạnh: Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kế hoạch số 155-KH/ĐUK ngày 10/10/2019 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối và Kế hoạch số 76-KH/ĐU ngày 20/12/2019 của Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội về tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp trong Đảng bộ Cơ quan Văn phòng Quốc hội, tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ báo cáo tổng hợp ý kiến của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ về dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Về cơ bản, các đảng viên thống nhất cao với kết cấu, bố cục và nội dung dự thảo Báo cáo chính trị. Báo cáo đã nêu được những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân hạn chế sau 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; đánh giá tổng quát được diện mạo đất nước qua 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới; tầm nhìn và định hướng phát triển đến năm 2025, năm 2030 và năm 2045; định hướng nhiệm vụ phát triển các lĩnh vực như kinh tế, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; định hướng nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII sắp tới của Đảng. Bố cục báo cáo khoa học, rõ nét, phản ánh đúng tình hình khách quan, đầy đủ kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới; thẳng thắn chỉ ra các hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm; rút ra các bài học kinh nghiệm, quan điểm, mục tiêu, giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ tới.

Các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 2021 - 2025

Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho biết: Có ý kiến đề nghị rà soát các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm thống nhất giữa các văn kiện, như các chỉ tiêu về: tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, kinh tế số; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ % số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2015; tỷ lệ % đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới… Có ý kiến đề nghị kèm theo dự thảo báo cáo cần có phụ lục các bảng thống kê đầy đủ các chỉ tiêu dự kiến phấn đấu trong nhiệm kỳ cho dễ theo dõi. Có ý kiến đề nghị cần đánh giá lại và đưa ra các chỉ tiêu phù hợp hơn bởi trong năm 2020, tình hình dịch bệnh trong nước cũng như trên thế giới ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, xã hội trong và ngoài nước, cụ thể:

Về kinh tế: Đối với chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 05 năm đạt 7%, đây là mức khá cao, cần có giải pháp để đạt được; nên cân nhắc mức bằng mức trung bình trong 05 năm trước đó.

Về xã hội: Đối với chỉ tiêu về tỷ lệ bác sỹ và số giường bệnh trên số dân, đề nghị quan tâm, đánh giá tỷ lệ như thế nào là phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, những giải pháp nào để đạt được chỉ tiêu đề ra.

Có ý kiến đề nghị không dùng cụm từ “tỷ lệ lao động qua đào tạo”, mà nên sử dụng chỉ tiêu lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung, làm rõ thêm các mục tiêu về phát triển giáo dục (như tỷ lệ học sinh tiếp cận với giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập; tỷ lệ sinh viên/1 vạn dân; cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo, cung cấp nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước) và các chỉ tiêu cụ thể phát triển các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch,… Theo tiêu chí nghèo đa chiều thì đến năm 2020 cả nước còn 3% hộ nghèo; do đó, đề nghị xem xét lại mức giảm tỉ lệ nghèo đa chiều. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung chỉ tiêu về y tế cơ sở.


Phiên họp trù bị cho việc tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ Cơ quan Văn phòng Quốc hội lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025. 

Về môi trường: Đề nghị nâng chỉ tiêu “tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị” và “tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường” là 100% để đến năm 2025 là nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao.

Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện: Có ý kiến đề nghị không sử dùng cụm từ “xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện”. Bởi vì, cả 5 nội dung trong Mục XIV đều tập trung phản ánh xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện; trong khi đó tại mục 1 chỉ đề cập đến 04 nội dung: xây dựng Đảng về chính trị, xây dựng Đảng về tư tưởng, xây dựng Đảng về tổ chức và xây dựng Đảng về đạo đức thì chưa thể hiện được toàn diện. Vì vậy, đề nghị mục 1 nên viết luôn vào nội dung về xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu sửa lại cụm từ “xây dựng văn hóa trong chính trị” bằng cụm từ “xây dựng văn hóa chính trị” cho phù hợp với cách dùng các cụm từ tại Mục VII của Báo cáo như: văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý, văn hóa công sở….

Về công tác chính trị, tư tưởng, cần phân tích sâu hơn tình hình tư tưởng của Đảng viên. Trên cơ sở nền tảng tư tưởng này đã đóng góp cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng như thế nào. Các hoạt động tuyên giáo, quán triệt thực hiện nhiệm vụ của đảng viên như đã nêu trong báo cáo đã tác động đến tình hình tư tưởng của đảng viên như thế nào. Các đảng viên đã chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và thể hiện trong hoạt động chuyên môn, nhất là hoạt động lập pháp như thế nào, từ đó mang lại kết quả hoạt động của Quốc hội đặt trong yêu cầu chung của xã hội, đất nước.

Về công tác xây dựng tổ chức Đảng, đảng viên và công tác cán bộ cần nêu rõ hơn những đổi mới, việc chấp hành đối với hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên và kết quả của việc đổi mới như thế nào, đặt trong mối quan hệ với yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và yêu cầu đổi mới về tổ chức và hoạt động của Nhà nước theo tinh thần của Hiến pháp 2013.

Có ý kiến đề nghị tiếp tục đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan Đảng từ trung ương đến địa phương để nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; đề nghị có văn bản hướng dẫn thống nhất từ trung ương tới địa phương về tiêu chuẩn trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ các cấp. Có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, xây dựng đề án, những nguyên tắc, phân tích chức năng, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và hệ thống nhà nước khi đưa ra cải cách trên cơ sở khoa học. Dự thảo cũng nên nêu rõ lộ trình cải cách bộ máy, ưu tiên thay đổi ở những bộ phận, tổ chức hiện đang gây cản trở trực tiếp, đặc biệt đối với môi trường kinh doanh. Phân cấp trung ương, địa phương trong bộ máy nhà nước cần chuyển từ tổ chức các cấp chính quyền hoàn toàn tương tự nhau sang phân công rõ ràng chức năng, nhiệm vụ cho từng cấp để tránh chồng lấn.


Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo các Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng: Có ý kiến đề nghị cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng viên có vi phạm; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đề cao tiết kiệm, chống lãng phí, hình thức, hách dịch, cửa quyền trong hoạt động công vụ; có cơ chế và giải pháp hữu hiệu phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử. 

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí: Tại phần này có tiêu đề là “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Tuy nhiên, trong Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng, khi viết về giải pháp đột phá thứ ba có nội dung: “Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu”. Như vậy một là, chưa thật sự đảm bảo tính thống nhất; hai là, hai từ “tiêu cực” đã bao hàm tất cả những thói hư tật xấu; ba là, Cương lĩnh 2011 và Văn kiện Đại hội XII đều có nói đến chống quan liêu; bốn là, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, quan liêu đẻ ra tham ô, lãng phí. Vì vậy, đề nghị tiêu đề cần bổ sung hai từ “quan liêu” thành “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”.

Có ý kiến đề nghị đối với mục tiêu kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí cần cân nhắc bổ sung các nội dung sau: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng nhất là các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, tài nguyên, đấu thầu, đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.... Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động, trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật nhất là giải trình khi báo chí đăng tải thông tin vi phạm trong một số trường hợp chưa được thực hiện; việc ban hành, sửa đổi, bổ sung và thực hiện một số định mức, tiêu chuẩn; việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ.... Có ý kiến đề nghị bổ sung vào cuối đoạn 1 nội dung “có cơ chế kiểm soát chặc chẽ quyền lực lãnh đạo, chỉ đạo làm cơ sở quan trọng cho phòng chống, tham nhũng”.

Có ý kiến đề nghị trong công tác phòng, chống tham nhũng, Đảng ta đã xác định “Xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ “lợi ích nhóm”, chống đặc quyền, đặc lợi, khắc phục “tư duy nhiệm kỳ”; kiên quyết xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng. Do đó, dự thảo Báo cáo cần nhìn nhận chi tiết hơn, hiệu quả thực hiện của những cơ chế này; chỉ ra được những “kẽ hở” của các cơ chế để khắc phục triệt để thì hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng càng cao, lòng tin của dân với Đảng càng lớn.

Tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng: Có ý kiến đề nghị dự thảo Báo cáo cần nhận định rõ hơn vai trò của dân vận, những khuyết điểm, hạn chế trong dân vận thời gian qua như thế nào? Những biểu hiện, nguy cơ “xa dân” trong thời gian qua cần phải được nhìn nhận đúng mức để thể hiện quyết tâm của Đảng trong công tác dân vận trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận khách quan hơn về những biểu hiện “dân túy” trong nhiệm kỳ, ở mức nào, tránh tình trạng lợi dụng hai chữ “vì dân” để cổ súy cho những việc làm sai trái, không thượng tôn pháp luật.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đặc biệt là với Nhà nước trong điều kiện mới: Có ý kiến đề nghị cần tiếp tục đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan Đảng từ trung ương đến địa phương để nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.


Phó Bí thư Đảng ủy Cơ quan, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản.

Trình bày và thảo luận Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản cho biết: Về nhiệm vụ và giải pháp trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, có ý kiến đề nghị hiện nay, phần này đang được thiết kế theo hướng nội dung các nhiệm vụ và giải pháp đối với từng nhiệm vụ. Cách thức thể hiện này đảm bảo tính rõ ràng, mạch lạc trong từng nội dung. Tuy nhiên, sẽ dẫn đến tình trạng trùng lắp các giải pháp giữa các nhóm nhiệm vụ. Ví dụ, giải pháp về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Đảng ủy Khối… Do vậy, đề nghị cân nhắc việc lựa chọn bố cục theo hướng Mục nhiệm vụ, giải pháp được thiết kế theo hai phần: Phần 1 là nhiệm vụ, phần 2 là giải pháp. Những giải pháp trùng nhau đối với các nhiệm vụ cụ thể sẽ được gộp chung thành nhóm các giải pháp.

Nhiệm vụ, giải pháp trong công tác xây dựng Đảng

Có ý kiến đề nghị chỉnh sửa tiêu đề “Công tác tổ chức xây dựng Đảng” tại mục 1.2 thành “Công tác xây dựng tổ chức Đảng” cho phù hợp với nội dung. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung giải pháp về “Tăng cường phòng chống tham nhũng, chống tệ quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong đội ngũ cán bộ, đảng viên”. Về công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, có ý kiến đề nghị bổ sung nhiệm vụ trọng tâm: thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao vào sau cụm từ “…đội ngũ cán bộ, đảng viên”. Tăng cường việc vận dụng trong học tập, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, xây dựng điển hình tiên tiến trong thực thi công việc, đức lối sống của cán bộ, đảng viên trong tổ chức đảng để có sự thống nhất trong nhận thức và hành động; góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị được giao.

Về đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy trong điều kiện mới, có ý kiến đề nghị bổ sung nhiệm vụ: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao trước cụm từ “ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin…” để thấy rõ hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy Đảng. Về hạn chế, khuyết điểm là do “Một là, mô hình tổ chức đảng trong Đảng bộ Khối còn nhiều bất cập; sự thiếu đồng bộ, bất cập và còn chồng chéo trong một số quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các loại hình tổ chức đảng”, cần có giải pháp mang tính đột phá với nội dung cụ thể hơn để khắc phục hạn chế này.

Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung tuyên truyền, quán triệt đối với các đảng viên, nhất là đảng viên trẻ sử dụng mạng xã hội phải chọn lọc thông tin, thận trọng trong phát ngôn, nhận diện và đấu tranh với những thông tin giả, thông sai sự thật. Bổ sung thêm nội dung về “trách nhiệm của người đứng đầu” trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành.

Có ý kiến cho rằng, trong nhiệm kỳ qua, số lượng cán bộ trong Khối tăng lên rất nhiều nhưng chưa đồng bộ với chất lượng, do đó đề nghị, trong phần giải pháp cần xác định công tác cán bộ là công tác trọng tâm, cần được quan tâm hơn nữa, trong nhiệm kỳ tới cần xác định công tác cán bộ là khâu đột phá. Liên quan đến nội dung này, cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung giải pháp về “Tăng cường phòng chống tham nhũng, chống tệ quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong đội ngũ cán bộ, đảng viên”. Có ý kiến đề nghị cần cụ thể hóa hơn nữa giải pháp về “Hoàn thiện mô hình tổ chức đảng theo ngành, lĩnh vực và những nơi có đặc điểm riêng”.


Bí thư Đảng ủy Cơ quan Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu kết luận phiên họp.

Phát biểu kết luận phiên họp, Bí thư Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thay mặt cho Đoàn Chủ tịch cảm ơn các cơ quan Trung ương đã đến dự phiên họp trù bị và mong rằng các đại biểu phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện nghiêm túc quy chế để tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội thành công. Theo chương trình, Đại hội chính thức diễn ra vào ngày 26/8/2020./.

Bích Lan - Bùi Hùng

Các bài viết khác