Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác Đảng năm 2015

10/12/2015

Thực hiện Chương trình công tác năm 2015 của Đảng bộ cơ quan, sáng 10/12, tại Văn phòng Quốc hội, Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác Đảng cho đối tượng là cán bộ cấp ủy trực thuộc Đảng bộ. Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ TS. Nguyễn Đức Thụ chủ trì Hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Nguyễn Đức Thụ phát biểu khai mạc Hội nghị

Hội nghị có sự tham gia của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan; Ban chấp hành các đảng bộ cơ sở; cấp ủy trực thuộc Đảng bộ cơ quan; cấp ủy trực thuộc các đảng bộ cơ sở; cán bộ chuyên trách công tác Đảng tại Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội cùng các chuyên gia từ Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra Đảng Ủy Khối các cơ quan Trung ương; Cục Bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Trung ương; Văn phòng Trung Ương Đảng…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Bí thư thường trực Nguyễn Đức Thụ cho biết, Đảng bộ Văn phòng Quốc hội hiện có trên 900 đảng viên, trong đó khoảng 100 Đảng viên công tác tại các cơ quan Quốc hội, là đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đa số các đảng viên còn lại công tác tại cơ quan giúp việc cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là những đảng viên có quyền quyết định trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; là những đảng viên trực tiếp tham gia công tác nghiên cứu, tổng hợp, tham mưu, phục vụ cho các công tác hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Diễn ra trong 2 ngày từ 10- 11/12, Hội nghị sẽ tập trung thảo luận, trao đổi làm rõ 5 nội dung: xây dựng đảng và đổi mới hệ thống chính trị; nghiệp vụ công tác tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; nghiệp vụ công tác bảo vệ chính trị nội bộ; kỹ năng biên tập văn bản của Đảng; nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng.

Thảo luận về công tác xây dựng Đảng và đổi mới hệ thống chính trị, các đại biểu đánh giá, sau gần 30 năm đổi mới, cách mạng Việt Nam đã dành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm đang phát triẻn có thu nhập trung bình. Sức mạnh tổng hợp của đất nước đã tăng lên rất nhiều, tạo tiền đề để Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, Việt Nam đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đổi mới mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu; cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Đây là một thời kỳ phát triển mới, tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng.

Trước yêu cầu của tình hình mới và thực trạng của Đảng và xây dựng Đảng, các đại biểu đề nghị, để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như: tăng cường xây dựng Đảng về chính trị; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận; rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân; tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị; kiện toàn tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên; đổi mới công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng….

Quang Minh