ĐẢNG BỘ CỤC QUẢN TRỊ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA CẤP ỦY TRONG NẮM BẮT TƯ TƯỞNG CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

14/01/2021

Tại Hội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, Đảng bộ cơ sở Cục Quản trị đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của cấp ủy trong việc nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, người lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh tại chi bộ trực thuộc.

Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tại Hội nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản trị Phạm Đức Thảo đã đề cập vai trò của cấp ủy trong việc nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, người lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh tại chi bộ trực thuộc, đảng bộ cơ sở và kiến nghị giải pháp.


Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản trị Phạm Đức Thảo.

Theo Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản trị Phạm Đức Thảo, Đảng bộ Cục Quản trị là đảng bộ cấp cơ sở, trực thuộc Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, hiện nay, có 164 đảng viên đang sinh hoạt tại 11 chi bộ trực thuộc. Năm 2020, Đảng ủy Cục Quản trị đã lãnh đạo, chỉ đạo đảng viên, công chức, người lao động trong Cục đoàn kết, phối hợp hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo cơ sở vật chất - kỹ thuật, an ninh - an toàn, phương tiện, y tế phục vụ các hoạt động của Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, được các cấp lãnh đạo ghi nhận, đánh giá.

Để góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ nêu trên, Đảng bộ cơ sở Cục Quản trị chúng tôi nhận thấy việc thường xuyên nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, người lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh tại cơ sở, trong đó vai trò của cấp ủy là rất quan trọng; trong điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, trụ sở làm việc phân tán ở nhiều địa điểm,...; công chức, người lao động đông, đại đa số có thu nhập thấp, đời sống nhiều khó khăn, cấp ủy phải tăng cường nắm bắt tâm trạng, tư tưởng của đảng viên. Bởi các biểu hiện về quan điểm, tư tưởng của đảng viên không thể bột phát trong phút chốc mà thường biểu hiện qua nhiều hình thức, nhiều giai đoạn. Chẳng hạn, đảng viên có thể không bằng lòng với một quyết định nào đó của cấp ủy, của chi bộ, đã có phản ứng nhưng chỉ được xem đơn thuần là một hình thức biểu hiện thái độ mà không được đả thông, giải tỏa, dẫn đến sự xa cách, mất lòng tin đối với cấp ủy và chi bộ của mình, từ đó có thể nâng dần thành sự mất lòng tin với tổ chức đảng, với Đảng.

Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản trị Phạm Đức Thảo cho biết: Cục Quản trị là một đơn vị phục vụ chung, có phạm vi, khối lượng công việc và số lượng cán bộ, đảng viên rất lớn; đại đa số là người lao động trực tiếp, vị trí việc làm đa dạng. Do có nhận thức, vị trí công tác, lợi ích… của các đảng viên khác nhau nên tâm trạng, tư tưởng hầu như không bao giờ thuần nhất. Vì vậy, Đảng ủy, Ban Chi ủy các chi bộ trực thuộc Đảng bộ Cục Quản trị đã thường xuyên quan tâm nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm trạng của đảng viên trong tổ chức đảng mình bằng nhiều cách. Có thể thông qua sinh hoạt tư tưởng trong mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ, qua các đợt sinh hoạt về nguồn, qua giao ban chuyên môn hoặc trao đổi công tác, kể cả qua chuyện trò mang tính cá nhân với nhau. Nhất là khi tâm trạng được bộc lộ trong các sinh hoạt không chính thức thì việc nắm bắt và xử lý tâm trạng cũng được thực hiện không nhất thiết bằng con đường chính thức, nhưng đảm bảo khách quan, trung thực, chính xác. Việc nắm bắt này đã được cấp ủy tiến hành thường xuyên, liên tục chứ không phải chỉ khi phát hiện có vấn đề, bởi trong nhiều trường hợp nên thực hiện việc phòng ngừa và trên thực tế cần thiết xử lý, giải quyết khi biểu hiện vừa manh nha chứ không phải để sự việc trở nên phức tạp.

Các vấn đề về tư tưởng của mỗi đảng viên có nhiều yếu tố, nhưng yếu tố cơ bản đầu tiên đó là quyền lợi của đảng viên. Các yếu tố về quyền lợi bao gồm lợi ích vật chất và liên quan đến vật chất (chế độ đãi ngộ, đề bạt, chế độ chính sách, lương, thưởng…), lợi ích phi vật chất (sự tôn trọng, sự quan tâm, sự giúp đỡ, động viên…). Do đó, tổ chức phải thực hiện đầy đủ các quy định, mặt khác phải đảm bảo thông tin hai chiều giữa lãnh đạo với cán bộ, đảng viên, nhân viên, phát huy dân chủ một cách thực chất. Với những dư luận, tâm trạng, phản ứng của đảng viên, cấp ủy, chi bộ lắng nghe một cách thấu đáo và giải quyết một cách cầu thị. Đơn cử như giai đoạn 2015 – 2020 vừa qua là những năm Quốc hội và Văn phòng Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới trong hoạt động, việc đưa vào sử dụng các trụ sở cơ quan đặc biệt là Nhà Quốc hội dẫn đến khối lượng đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị lớn, nhiều biến động, yêu cầu chất lượng cao, do đó nhân sự cũng cần đáp ứng yêu cầu bằng cấp chuyên môn để vận hành tốt các hệ thống kỹ thuật hiện đại của trụ sở, nhưng các kỹ sư, kiến trúc sư… chỉ được hưởng ngạch lương nhân viên kỹ thuật, không được tuyển dụng vào biên chế. Cấp ủy, trực tiếp là đồng chí Bí thư Đảng ủy đã thường xuyên làm việc trực tiếp, quan tâm, giúp đỡ, động viên để các đồng chí yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với đơn vị.


Hội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 ​của Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội.

Qua thực tế hoạt động, Đảng bộ cơ sở Cục Quản trị đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của cấp ủy trong việc nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, người lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh tại chi bộ trực thuộc như sau:

Một là, thực hiện đầy đủ các quy định quyền lợi của đảng viên; phải thật sự lắng nghe, thực sự cầu thị và trao đổi một cách thẳng thắn, chân thành với đảng viên trong chi bộ. Trong sinh hoạt chi bộ phải dành thời gian thỏa đáng để gợi mở, lắng nghe những suy nghĩ, tâm tư của đảng viên, qua đó trao đổi, làm rõ những vấn đề đảng viên quan tâm.

Hai là, thông tin kịp thời, đầy đủ đến đảng viên chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình, lên kế hoạch của cấp ủy thực hiện các nghị quyết của cấp ủy cấp trên, giúp cho đảng viên nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng, từ đó tạo sự thống nhất trong tư tưởng, đồng thuật trong hành động. Việc thông tin đến đảng viên có thể không đợi đến kỳ sinh hoạt chi bộ định kỳ hàng tháng của chi bộ, mà mỗi khi có thông tin quan trọng cấp ủy phải chủ động thông tin, trao đổi ngay để giúp cho đảng viên tiếp nhận một cách đầy đủ, nhanh và kịp thời.

Ba là, phân công các đồng chí trong cấp ủy tham gia chỉ đạo, phụ trách từng nhiệm vụ cụ thể của chi bộ; nắm bắt kịp thời việc thực hiện Nghị quyết chi bộ của từng đảng viên. Song song với việc lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn phải chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng chi bộ. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết của chi bộ. Mỗi đồng chí cấp ủy viên phải làm tốt việc nêu gương trong việc thực hiện nhiệm vụ để đảng viên noi theo./.

Bích Lan