Mỗi năm có khoảng 60 nghìn sinh viên ra trường thất nghiệp

16/11/2016

Sáng 16/11, các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về vấn đề công tác quản lý chất lượng đào tạo, nhất là chất lượng đào tạo của các trường đại học do địa phương quản lý; giải pháp quản lý chất lượng giáo dục đại học, gắn đào tạo với quy hoạch, dự báo và sử dụng nguồn nhân lực.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo                              Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh- tỉnh Quảng Trị được biết hiện nay có khoảng 191.000 sinh viên tốt nghiệp các trường đại học trong cả nước không có việc làm. Trong khi đó, ở các địa phương còn nhiều các trường trung cấp, cao đẳng tiếp tục đào tạo và nhà nước đầu tư ngân sách cho công tác đào tạo, nuôi dưỡng bộ máy của các trường này rất lớn. Đại biểu đặt câu hỏi: “Trong khi nguồn lực sau đào tạo còn lãng phí nhưng chưa có giải pháp; các trường trung cấp, cao đẳng vẫn tiếp tục đào tạo một cách mất cân đối giữa cung và cầu, liệu rằng các em sinh viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội việc làm hay không. Bộ trưởng có giải pháp gì để tránh lãng phí về kinh phí và nguồn lực đã được đào tạo, có nên duy trì cách thức đào tạo như hiện nay hay không? nếu có thì giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới là gì?”

Cũng quan tâm về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân- tỉnh Thanh Hóa cho rằng, tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm là vấn đề nhức nhối của xã hội. Tính đến nay có hơn 191.000 nghìn sinh viên ra trường không có việc làm, gây lãng phí cho dân, cho nước. Đại biểu băn khoăn về trách nhiệm của Bộ trưởng khi để xảy ra tình trạng trên và giải pháp trong thời gian tới như thế nào?

Đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ rất trăn trở, bởi sứ mạng của các trường đại học là đào tạo ra phải có việc làm. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào tốt nghiệp ra đều có việc làm, cần phải có một thời gian để tiếp cận thực tiễn và thực tiễn phải đào tạo, bổ sung mới thích ứng với điều kiện thị trường lao động chứ không phải đào tạo lại, đào tạo bổ sung.

Bộ trưởng cũng báo cáo thêm, hiện nay có khoảng 300 nghìn sinh viên ra trường hàng năm. Theo thống kê từ các trường đại học, khoảng 80% sinh viên ra trường có việc làm, như vậy mỗi một năm đã thất nghiệp 60 nghìn em, chỉ cần 5 năm là 300 nghìn, đây là một con số rất lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, số sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp thường là sinh viên tốt nghiệp từ những trường có bề dày, những trường có kinh nghiệm còn phần lớn sinh viên chưa có việc làm hoặc thất nghiệp lâu là sinh viên những trường có chất lượng yếu và phần lớn là các trường mới thành lập.

Về vấn đề này, tới đây Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ điều chỉnh mạng lưới các trường đại học, áp dụng các chuẩn đảm bảo chất lượng trường và ngành để những trường mới mở hay có điều kiện yếu kém sẽ được hỗ trợ theo hướng phân hiệu hoặc thành một trường thành viên của trường đại học lớn.

Trăn trở về vấn đề chất lượng đối với các trường đại học, Bộ trưởng cho rằng, không nhất thiết sinh viên phải học gần nhà, mà cần quy hoạch lại mạng lưới và hình thành nhóm các trường chất lượng. Đối với đại học, chỉ tập trung ở Trung ương và cùng lắm là vùng miền, chứ không nên đặt ở địa phương, vì như vậy lực lượng bị phân tán, chất lượng không bảo đảm, dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry- tỉnh Bạc Liêu, cho biết, hiện nay trên 1 triệu lao động bị thất nghiệp, trong đó có trên 400 ngàn đã được đào tạo có trình độ kỹ thuật,  trong đó trên 191 nghìn đã qua đào tạo đại học và sau đại học. Trong những người lao động về thất nghiệp này có nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số và con em của người nông dân. Vấn đề đặt ra là công tác phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa qua được thực hiện như thế nào mà dẫn đến tình trạng lao động có trình độ mà thất nghiệp như hiện nay? Trong thời gian tới, Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục triệt để và nhanh nhất đối với vấn đề này?

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhưng chưa được nhiều. Tới đây, Bộ sẽ đẩy mạnh hơn, đặc biệt khi Chính phủ phân công hai Bộ tham gia quản lý nhà nước cùng hệ thống giáo dục- dạy nghề này. Đặc biệt, Bộ sẽ đẩy mạnh hơn sự phối hợp, có kế hoạch cụ thể, sớm triển khai khung giáo dục quốc dân.

Thanh Tú- Vân Ngọc