ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QỦA GIÁM SÁT CỦA CƠ QUAN DÂN CỬ ĐỐI VỚI THỰC THI CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ AN SINH XÃ HỘI

12/02/2020

Sáng ngày 12/02, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới và nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030”.

Tham dự Hội thảo có ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, cùng các đại biểu thuộc 2 đơn vị tổ chức Hội thảo và các chuyên gia ở ngành Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội...


Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Theo đó, năm 2017, trên cơ sở tổng kết 70 năm Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kế thừa đổi mới và phát triển, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Đại học Kinh tế quốc dân đề xuất và được Bộ khoa học và Công nghệ quyết định giao nhiệm vụ nghiên cứu Đề tài cấp nhà nước mã số KX01.24/16-20 về “Nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam”.

Sau hơn 2 năm triển khai nghiên cứu, đề tài đã tiến hành điều tra khảo sát, tổ chức toạ đàm tại 6 tỉnh, thành phố và tổ chức hai cuộc hội thảo tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 12/02 là lần thứ 3, hội thảo về đề tài này được tổ chức nhằm mục tiêu hoàn thiện cơ sở lý luận và cung cấp các căn cứ thực tiễn cho việc đổi mới và nâng cao hiệu quả, hiệu lực giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với thực thi chính sách, pháp luật an sinh xã hội ở nước ta.

Hoạt động giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách, pháp luật, an sinh xã hội chưa cao

Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhấn mạnh: Hiện nay, ở nước ta việc giám sát thực thi chính sách, pháp luật, an sinh xã hội được thực hiện bởi nhiều tổ chức khác nhau như: Quốc hội, Hội đồng nhân dân; cơ quan quản lý nhà nước; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như các đoàn thể chính trị xã hội.

Tuy nhiên, việc phân định về nội dung, mục tiêu, phạm vi, hình thức cũng còn chưa thật rõ ràng, còn có sự chồng chéo. Hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách, pháp luật, an sinh xã hội chưa cao.

Theo đánh giá của Quốc hội, hoạt động giám sát, trong đó bao gồm giám sát thực thi chính sách an sinh xã hội “vẫn là khâu yếu, có nhiều hạn chế, nhiều hoạt động còn hình thức, sự đổi mới còn chậm và hiệu quả chưa cao”, “chưa đáp ứng yêu cầu cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân”. Trong khi đó, lại chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này để tạo cơ sở lý luận cho việc giám sát thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội một cách có hiệu quả.

Chính vì thế, việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam” không những có ý nghĩa thực tiễn mà còn có ý nghĩa lý luận cấp bách nhằm góp phần đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với thực thi chính sách, pháp luật an sinh xã hội ở nước ta.


Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo.

Đề tài mã số KX 01.24/16-20 về nghiên cứu nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam được thực hiện. Đề tài đã góp phần làm rõ những vấn đề có ý nghĩa lý luận trong giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội trên cơ sở luận giải đặc điểm và bản chất, chủ thể, đối tượng, phạm vi, hình thức, nội dung, nhân tố ảnh hưởng, quan niệm và các tiêu chí đánh giá hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực thi chính sách, pháp luật, an sinh xã hội.

Đề tài cũng đã nghiên cứu kinh nghiệm một số nước trong giám sát thực thi chính sách, pháp luật nói chung và chính sách, pháp luật về an sinh xã hội nói riêng để khẳng định thêm cho những vấn đề lý luận mà đề tài đã tổng thuật.  

Trên cơ sở đánh giá được thực trạng giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đối với thực thi chính sách, pháp luật, an sinh xã hội với những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân hạn chế hiện nay, đề tài đề xuất quan điểm, phương hướng và các giải pháp nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với thực thi chính sách, pháp luật an sinh xã hội ở nước ta những năm tới. Những khuyến nghị của đề tài là luận cứ cho việc hoàn thiện các văn bản pháp quy và tổ chức thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội ở nước ta giai đoạn 2020-2030.

Đóng góp thêm cho Đề tài, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, việc xây dựng được quy trình và khung giám sát với 4 bước và 12 hoạt động  phân định rõ chủ thể, đối tượng, phạm vi, nội dung, hình thức, công cụ giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách, pháp luật, an sinh xã hội. Bên cạnh đó là phải xây dựng phương pháp luận và hệ tiêu chí gồm 6 tiêu chí phản ánh mặt chất và 3 tiêu chí phản ánh mặt lượng để đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách, pháp luật, an sinh xã hội ở nước ta.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, từ thực trạng hiện nay, đề tài chỉ ra được những điểm chủ yếu cần hoàn thiện về nội dung và đề xuất những giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách, pháp luật, an sinh xã hội những năm tới. Những nội dung và giải pháp  mà đề tài đề xuất được xuất phát từ các quan điểm lý luận, từ thực trạng và đặc biệt là từ những hạn chế hiện nay trong giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam, vì thế nó có căn cứ khoa học và tính khả thi.

Tại Hội thảo, ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Xã hội càng phát triển, những vấn đề an sinh xã hội càng được đặt lên vị trí ưu tiên hàng đầu; mức độ đảm bảo về an sinh xã hội phản ánh trình độ phát triển và tính chất nhân văn, an toàn của mỗi quốc gia. Những vấn đề an sinh xã hội thường có mối quan hệ và liên đới, gắn kết với những vấn đề của nhóm người yếu thế, cần có tiếng nói, giám hộ của những người đại diện.

Đối với nước ta, những vấn đề an sinh xã hội còn được xem như những phạm trù xa lạ đối với nhiều người dân, kể cả những người thuộc đối tượng được hưởng các chính sách an sinh xã hội. Chính vì vậy, việc phát huy vai trò của người đại diện là các cơ quan dân cử trong việc giám sát việc thực thi các chính sách an sinh xã hội là vấn đề cần được quan tâm không chỉ với mục tiêu đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân mà còn góp phần hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.   

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài này nhằm cung cấp các luận cứ khoa học cho việc đổi mới và nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đối với thực thi chính sách, pháp luật an sinh xã hội ở nước ta hiện nay.

Cần có khung giám sát thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội

Đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực thi chính sách, pháp luật, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, Vụ trưởng Vụ Phục vụ hoạt động giám sát, Văn phòng Quốc hội, nêu ý kiến: Nhiều hình thức giám sát của các chủ thể giám sát đã được quy định tương đối cụ thể như giám sát chuyên đề, chất vấn, xem xét việc thực hiện nghị quyết, xem xét kiến nghị giám sát…


 Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, Vụ trưởng Vụ Phục vụ hoạt động giám sát, Văn phòng Quốc hội đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Theo Tiến sĩ Ngọc Sơn, cần có khung giám sát thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội và cần nhận thức đúng đắn về bộ máy giúp việc với tính chất là một cơ quan có chức năng tham mưu cho hoạt động giám sát. Từ phía các cơ quan dân cử và bản thân bộ máy giúp việc cũng cần thay đổi suy nghĩ về việc đặt nặng vấn đề bảo đảm điều kiện vật chất hơn là đảm bảo thông tin, nghiên cứu, tham mưu chuyên môn.

Mặt khác, cần có một hệ thống công chức độc lập và phù hợp. Do đó, hệ thống công chức Quốc hội phải có tính độc lập nhất định, được đào tạo theo những tiêu chí riêng, phù hợp với yêu cầu về mặt kiến thức và kỹ năng làm việc trong môi trường Quốc hội và Hội đồng nhân dân, là người tư vấn giúp đại biểu phản biện lại các chính sách do cơ quan hành pháp đệ trình.

Ngoài ra là cần tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, xây dựng quy trình tổ chức thực hiện từng nội dung. Lập bảng theo dõi điều hành công việc, phân công cụ thể người thực hiện kèm theo tiến độ; lượng hóa mức tiêu hao sức lao động của công chức (tính bằng điểm số) và theo dõi, đánh giá chất lượng công chức.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia còn cho ý kiến về quan điểm đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực thi chính sách pháp luật và an sinh xã hội ở Việt Nam; tham luận về giám sát an sinh xã hội của nghị viện các nước trên thế giới...

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, hoan nghênh sự đóng góp của các đại biểu đối với đề tài cũng như vào việc đổi mới và nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam.

Đối với nhà nước và cộng đồng, chính sách, pháp luật an sinh xã hội là một trong những hợp phần quan trọng trong chương trình xã hội của một quốc gia và là một công cụ quản lý của nhà nước, qua đó giữ gìn sự ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội, giảm bất bình đẳng, phân hoá giàu nghèo, phân tầng xã hội, tạo sự đồng thuận giữa các giai tầng, các nhóm xã hội trong quá trình phát triển.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Đại học Kinh tế Quốc dân mong muốn tiếp tục ý kiến góp ý, đề xuất của các chuyên gia về công tác giám sát của cơ quan dân cử để thực hiện tốt hơn vấn đề tăng trưởng kinh tế gắn với công bằng xã hội và an sinh cho người dân./.

Bích Lan