HÌNH ẢNH TỌA ĐÀM CHUYÊN GIA VỀ MA TÚY TỔNG HỢP VÀ ĐIỀU TRỊ NGHIỆN MA TÚY

15/10/2019

Sáng ngày 15/10, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Tọa đàm chuyên gia về ma túy tổng hợp và điều trị nghiện ma túy. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần Phong chủ trì Tọa đàm.

Phát biểu  tại Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần Phong nêu rõ, Tọa đàm là cơ hội để các chuyên gia, nhà nghiên cứu cung cấp cho các đại biểu thông tin về ma túy, tình hình sử dụng ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp và kinh nghiệm quốc tế trong điều trị cai nghiện ma túy; khả năng áp dụng các kinh nghiệm của quốc tế tại Việt Nam. Trên cơ sở này, Ủy ban Về các vấn đề xã hội sẽ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia để hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến ma túy, nhất là trong bối cảnh dự kiến Luật Phòng, chống ma túy sẽ sớm được sửa đổi, bổ sung.

Tại Tọa đàm, các đại biểu tham dự và các chuyên gia cho biết, năm 2000 Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống ma túy và được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018, đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy. Tuy nhiên tình trạng sử dụng ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Tính đến cuối năm 2018, trên cả nước có 47 địa phương có số người nghiện tăng. Tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp chiếm khoảng 60-70% trong tổng số người nghiện.

Cổng thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Tọa đàm:

Toàn cảnh Tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, các chuyên gia cho biết, việc sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần gây nên biểu hiện rối loạn tâm thần, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật

Tính đến cuối năm 2018, trên cả nước có 47 địa phương có số người nghiện tăng. Tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp chiếm khoảng 60-70% trong tổng số người nghiện.

Tuy nhiên công tác cai nghiện vẫn còn tồn tại những khó khăn, bất cập; nhiều địa phương còn chưa cân đối được nguồn lực và chưa bố trí được kinh phí phù hợp cho công tác cai nghiện. 

Các đại biểu cũng đề nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, gia đình và nhà trường trong tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy trong tuổi trẻ học đường

Đồng thời, ngành y tế cần tăng cường việc kiểm soát bệnh tật, đổi mới công tác tuyên truyền, trong đó tập trung vào phổ biến các quy định hiện hành về công tác phòng, chống ma túy.

Chia sẻ tại Tọa đàm, các chuyên gia nước ngoài cho biết, điều trị nghiện ma túy là biện pháp có hiệu quả trong đó có nhiều phương pháp trị liệu, hỗ trợ sau điều trị. Đặc biệt, hiệu qủa điều trị không tập trung vào giảm triệu chứng mà tập trung vào cải thiện chất lượng cuộc sống.

Do đó, Việt Nam cần nghiên cứu, tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế về điều trị ma túy, đặc biệt là những vận dụng phù hợp với đặc điểm thực tiễn của Việt Nam.

Hồ Hương