NÂNG CAO NHẬN THỨC, TRÁCH NHIỆM CỦA CỘNG ĐỒNG VỀ TRẺ EM TỰ KỶ Ở VIỆT NAM

19/04/2018

Sáng 19/4, tại tọa đàm về vấn đề trẻ em tự kỷ do Ủy ban Về các vấn đề xã hội phối hợp với Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội tổ chức, đại diện Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam đưa ra nhận định, dự án Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam sẽ góp phần nâng cao kiến thức, trách nhiệm của cộng đồng và là cơ sở để xuất chính sách cho trẻ em tự kỷ.

Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam Hoàng Văn Tiến phát biểu

Dự án Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam được Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam kết hợp với các cơ quan và các tường đại học có chuyên ngành về hỗ trợ, can thiệp cho trẻ tự kỷ thực hiện có tác động tích cực đến việc hỗ trợ trẻ em tự kỷ tại Việt Nam, nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức, phương pháp làm việc với trẻ tự kỷ.

Dự án tập trung vào 05 mục tiêu cơ bản sau: biên tập và phát hành bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam; đào tạo nâng cao năng lực 100 cán bộ nòng cốt về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ; phổ biến kiến thức về tự kỷ cho 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng; hỗ trợ 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tiếp cận và chuẩn hóa kiến thức về tự kỷ tại Việt Nam; thông qua kết quả phổ biến kiến thức với khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng. 

Dự án được trình bày tại tọa đàm

Trong năm thứ nhất nhất, dự án được thực hiện tại 13 tỉnh thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Đăk Lawk, TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang. Các năm tiếp theo dự án sẽ mở rộng thêm tới các tỉnh, thành phố khác như Cần Thơ, Đồng Nai, Bạc Liêu…Trong quá trình thực hiện, các tỉnh, thành phố không đủ điều kiện về cán bộ, năng lực pháp lý của đơn vị tham gia, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam có thể đề xuất nhà tài trợ điều chuyển cho địa phương khác thực hiện.

Các đại biểu tham dự

Về vận hành, dự án đã thành lập Ban quản lý vận hành trong 05 năm gồm 05 người: Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, 02 điều phối dự án, 01 kế toán và 01 cán bộ chuyên trách dự án. Tại các địa  phương, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam triển khai thực hiện dự án thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em các tỉnh, thành phố hoặc các cơ sở chuyên biệt, trung tâm giáo dục tại địa phương có chức năng chuyên môn về hỗ trợ giáo dục trẻ em tự kỷ. Ban quản lý dự án có nhiệm vụ điều hành chung các hoạt động của dự án, phối hợp thực hiện hoạt động của dự án với các cơ quan chức năng, Viện nghiên cứu, Trường đại học và Quỹ Bảo trợ trẻ em các tỉnh; phối hợp với đơn vị đánh giá độc lập, cơ quan chức năng tại địa phương khảo sát, đánh giá đối tượng hưởng lợi, kết quả hỗ trợ.

Các chuyên gia quan tâm đến dự án

Ngoài việc đạt được 5 mục tiêu cơ bản để ra, dự án còn mang lại nhiều kết quả trong việc tăng cường sự hiểu biết của cộng đồng để giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử dành cho trẻ tự kỷ và gia đình các cháu, đồng thời tăng cường sự quan tâm, trách nhiệm hỗ trợ của các cấp chính quyền với gia đình có trẻ tự kỷ trong hoạt động can thiệp, hỗ trợ phục hồi chức năng; tăng cường sự hợp tác giữa Bộ Lao động thương binh và Xã hội và các nhà chuyên môn, cộng đồng trong việc nâng cao năng lực về tổ chức các hoạt động nhằm mang lại cuộc sống trọn vẹn, có ý nghĩa cho trẻ em tại cộng đồng; thông qua các chiến dịch truyền thông mở rộng, các gia đình có trẻ em tự kỷ hiểu biết, nhận thức và trang bị được một số kiến thức cơ bản để giúp con em mình phục hồi nhanh hơn, tốt hơn.

Toàn cảnh tọa đàm

Hồ Hương