PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 7 CỦA UỶ BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

29/09/2017

Trong khuôn khổ hoạt động của Ủy ban, sáng 29/9, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 7. Phiên họp kéo dài trong 2 ngày 29-30/9.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh phát biểu khai mạc phiên họp

Tham dự phiên họp có đại diện Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của  Quốc hội, đại diện Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các bộ, ban, ngành có liên quan, cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, trong phiên họp lần này, Ủy ban Về các vấn đề xã hội sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến và quyết định về 20 nội dung thuộc trách nhiệm của Ủy ban, gấp 4 lần nội dung của Phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 2 và gấp gần 2 lần so với Phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 6 vừa qua. Cụ thể, về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban sẽ cho ý kiến về dự kiến triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 thuộc lĩnh vực y tế - dân số và lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội.

Về công tác giám sát ,Ủy ban tiến hành Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2016; Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình 02 năm (2016 - 2017) thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá trong hai năm 2016 – 2017; Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Nội dung này sẽ được Quốc hội thảo luận tại phiên toàn thể và truyền hình trực tiếp; Giám sát tình hình thực hiện Luật phòng, chống ma túy; Luật phòng, chống HIV/AIDS  và Pháp lệnh phòng, chống mại dâm (giai đoạn 2011 - 2016); Giám sát tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của 6 bộ: Bộ Y tế, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ Nội vụ, Bộ Công an; Cho ý kiến về kết quả thực hiện lời hứa về các nội dung chất vấn liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Lao động-thương binh và xã hội; Cho ý kiến thẩm tra về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 và dự kiến kế hoạch, dự toán năm 2018; dự kiến kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2018 - 2020 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế, Bộ Lao động - thương binh và xã hội.

Cũng trong phiên họp toàn thể lần thứ 7, Ủy ban sẽ cho ý kiến về Báo cáo công tác của Ủy ban năm 2017 và dự kiến Chương trình công tác năm 2018; Chương trình giám sát của Ủy ban năm 2018; Cho ý kiến thẩm tra lồng ghép vấn đề giới trong một số dự án Luật; Cho ý kiến về một số dự án luật, nghị quyết Ủy ban có trách nhiệm tham gia thẩm tra; Cho ý kiến về dự thảo báo cáo một số vấn đề về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước...

Trong phiên làm việc buổi sáng, Ủy ban tiến hành thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2016. Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đánh giá tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2016 đã đạt được những thành tựu đáng kể. Theo đó: công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế được quan tâm từ trung ương tới địa phương; Thực hiện vượt chỉ tiêu mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế tế toàn dân; không còn tình trạng kết dư quỹ lớn như trước đây, quỹ bảo hiểm y tế đang được quản lý và vận hành theo đúng tính chất của quỹ ngắn hạn; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, giám định và thanh toán đã bắt đầu đi vào hoạt động năm 2016, làm tiền đề cho việc quản lý và sử dụng quỹ ngày càng hiệu quả trong các năm tiếp theo; Công tác giám định bảo hiểm y tế đã được ngành bảo hiểm xã hội nỗ lực để thực hiện tốt hơn trong bối cảnh khối lượng công việc rất lớn, nguồn nhân lực hạn chế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được Báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra những tồn đọng hạn chế của việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm trong thời gian qua. Cụ thể, vẫn còn khoảng 18% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế, chủ yếu tập trung vào nhóm người lao động và người sử dụng lao động thuộc khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hộ kinh doanh cá thể; nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình và các hộ làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; nhóm học sinh, sinh viên; Công tác thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế còn gặp khó khăn do hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế còn có một số nội dung mâu thuẫn, chồng chéo và khó thực hiện  trong khi đó lại thiếu những quy định và công cụ cần thiết để thực hiện thanh quyết toán; tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế từ phía cơ sở khám chữa bệnh và người tham gia bảo hiểm y tế có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận xã hội trong bối cảnh từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, đưa tiền lương và phụ cấp vào kết cấu giá dịch vụ y tế  và khi người có thẻ bảo hiểm được quyền khám chữa bệnh thông tuyến...

Thảo luận về vấn đề này, các đại biểu tham dự phiên họp đề nghị Bộ Y tế khẩn trương thực hiện rà soát và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật bảo hiểm y tế để giải quyết những tồn tại, vướng mắc; hoàn thiện và ban hành các quy định về quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật bệnh viện, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, định mức kinh tế kỹ thuật, nhân lực, thời gian thực hiện dịch vụ kỹ thuật để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và làm công cụ giám sát công tác khám, chữa bệnh, tránh lạm dụng, trục lợi quỹ. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị Bộ Y tế cần ban hành đúng thời hạn quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả; điều chỉnh giá dịch vụ y tế quy định tại Thông tư số 37/2015/TT-BYT-BTC cho sát với thực tế để tiết kiệm và chống lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế và tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ và sát với thực tiễn.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tăng cường phối hợp, trao đổi với Bộ Y tế nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh toán, quyết toán kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đồng thời huy động mạng lưới đại lý bán bảo hiểm y tế ở tuyến cơ sở trong việc truyền thông, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế.

+ Chiều cùng ngày, Ủy ban Về các vấn đề xã hội thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả hoạt động và quản lý sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban nêu rõ, sau 4 năm thành lập, quỹ đã giữ vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương thực hiện các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá; các hoạt động truyền thông về tác hại thuốc lá được thực hiện trong 4 năm đầu triển khai thực hiện Luật đem lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của mọi người dân, tạo sự ủng hộ của các cấp chính quyền, người dân. Tuy nhiên, hoạt động truyền thông về tác hại của thuốc lá và phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với từng nhóm đối tượng chưa được quan tâm đúng mức; quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc, bệnh viện, trường học, các điểm công cộng chưa được thực hiện tốt, tình trạng vi phạm còn xảy ra phổ biến; tỷ lệ nam giới trưởng thành sử dụng thuốc lá vẫn ở mức cao 45,3%. Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ tổ chức cai nghiện thuốc lá do Quỹ hỗ trợ chủ yếu là tư vấn cai nghiện; việc tổ chức cai nghiện mới thực hiện ở 01 bệnh viện; việc xây dựng, triển khai các mô hình điểm về cai nghiện thuốc lá dựa vào cộng đồng mới chỉ dừng ở tập huấn cho cán bộ y tế về tư vấn cai nghiện thuốc lá.

Trên cơ sở những hạn chế, tồn đọng trong việc quản lý sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, thảo luận tại phiên họp, Ủy ban thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi bổ sung mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định của Luật phòng chống tac hại thuốc lá chưa được quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời chỉ đạo Bộ Y tế và Hội đồng quản lý Quỹ đưa ra giải pháp sáng tạo để kết hợp, lồng ghép các nhiệm vụ các hoạt động nâng cao sức khỏe khi thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ do Quỹ hỗ trợ.

Hồ Hương