UỶ BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 18

30/09/2020

Ngày 30/9, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 18. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh điều hành Phiên họp.

Đến dự Phiên họp về phía Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội còn có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban: Bùi Sỹ Lợi, Đặng Thuần Phong, Nguyễn Hoàng Mai. Ngoài ra, Phiên họp còn có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và các Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Lê Tấn Dũng cùng  đại diện một số cơ quan, đơn vị hữu quan.

Trong buổi sáng, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tập trung thảo luận về thực hiện Nghị quyết số 76/2014 /QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; Tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về Bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011-2020.

Đề cập kết quả 06 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nêu rõ: Quốc hội, Chính phủ đã rất quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Kinh phí thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội được Chính phủ giao ổn định để các địa phương chủ động thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ người nghèo nâng cao thu nhập, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và thông tin.


Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo thông qua các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020. Tỷ lệ hộ nghèo còn 3,75% năm 2019 và ước năm 2020 còn khoảng 2,75%, trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,43%; tỷ lệ hộ nghèo ở 64 huyện nghèo còn 27,85% năm 2019, ước cuối năm 2020 còn khoảng 24%, trung bình mỗi năm giảm 5,28%. Các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đều đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra. Các Bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa bàn nghèo, nhất là khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã có sự thay đổi rõ rệt; thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo được cải thiện, từng bước tiệm cận chuẩn mức sống tối thiểu. Kết quả giảm nghèo và cách tiếp cận giải quyết vấn đề nghèo đói ở nước ta thời gian qua tiếp tục được các đối tác phát triển, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, công tác giảm nghèo trong thời gian qua vẫn còn tồn tại những hạn chế. Đó là Chuẩn nghèo thu nhập chỉ bằng 70% chuẩn mức sống tối thiểu tại thời điểm năm 2015, hiện nay chỉ còn bằng khoảng 45% chuẩn mức sống tối thiểu,  chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm bằng chuẩn mức sống tối thiểu theo Nghị quyết 76 đặt ra.

Việc rà soát, tích hợp văn bản chính sách về giảm nghèo cũng như việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ người nghèo từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn triển khai chưa hiệu quả; các chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống. Tình trạng phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm không đồng đều trong các vùng của cả nước; thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng thấp. Tỷ lệ xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 thoát khỏi tình trạng khó khăn chưa đạt mục tiêu đề ra 20-30%. Tại một số huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 58,53% (cuối năm 2019).

Chênh lệch giàu nghèo, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Nguồn lực đầu tư cho người nghèo và các địa bàn nghèo, vùng đồng bào dân tộc và miền núi tuy đã được ưu tiên nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Còn nhiều bất cập trong việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác về giảm nghèo do mục tiêu, cơ chế quản lý, thanh toán khác nhau. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số học trung học phổ thông còn thấp; nhiều địa phương không bố trí được việc làm cho người học cử tuyển sau khi tốt nghiệp. Công tác đào tạo cử tuyển chưa gắn với sử dụng nguồn lao động. Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, tiến độ giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp còn chậm. Công tác tuyên truyền nhằm khơi dậy tinh thần ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo làm giàu của người nghèo chưa tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong người dân và cộng đồng.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành quy trình, bộ công cụ rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, một số chính quyền cấp xã chưa thực hiện đúng quy trình, chưa áp dụng đầy đủ bộ công cụ rà soát, chưa niêm yết công khai và tổ chức họp, lấy ý kiến nhân dân về kết quả rà soát tại thôn, ấp. Do vậy, tình trạng một số đối tượng không đủ điều kiện được đưa vào danh sách hộ cận nghèo để trục lợi chính sách vẫn còn xảy ra tại một số địa phương.

Đề cập những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2020, Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nêu rõ: Năm 2020, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã lan rộng và bùng phát tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Ở trong nước, dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội; ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và người dân; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng làm gia tăng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dân thất nghiệp, tình trạng thiếu việc làm. Bên cạnh đó, trong 8 tháng đầu năm 2020, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường trên cả nước như xảy ra các đợt dông lốc, mưa đá, lũ lụt diện rộng tại một số tỉnh miền núi phía Bắc; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thiên tai đã làm nhiều người chết, mất tích; nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; lúa và hoa màu bị ảnh hưởng, bị đổ, dập nát.

Dự báo trong giai đoạn cuối năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, một số hộ gia đình rơi vào tình trạng nghèo đói, tái nghèo, thậm chí thiếu đói, thiếu lương thực do mất nguồn thu nhập và mất việc làm, sinh kế. Công tác giảm nghèo gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, bảo đảm người nghèo có thu nhập, ổn định cuộc sống; đặc biệt là việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo 1-1,5%/năm. Đến hết năm 2020, Chính phủ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước xuống dưới 3% (năm 2019 là 3,75%); tỷ lệ bình quân hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm xuống dưới 26% (năm 2019 là 27,85%).

Giảm nghèo phải đúng đối tượng, tránh sự lãng phí, chồng chéo

Tại Phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Về các Vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao công tác thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đề xuất cần triển khai công tác này một cách hiệu quả, đúng đối tượng, tránh sự trùng lắp, chồng lấn với các chương trình khác.

Góp ý về thực hiện Nghị quyết số 76/2014 /QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre nêu quan điểm: Công tác giảm nghèo trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu nhất định, tạo đà cho ổn định xã hội và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các Bộ ngành, địa phương cần quan tâm tới việc thống nhất phân cấp, phối phợp thực hiện các mục tiêu giảm nghèo một cách khách quan. Việc phân bổ nguồn lực phải rõ ràng, đến đúng đối tượng được thụ hướng để tránh có địa phương dồn nguồn lực, có nơi không tìm ra và lãng phí ngân sách của Nhà nước.


Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre nêu ý kiến.

Ngoài công tác đảm bảo giảm nghèo, hướng tới xóa nghèo bằng cách cấp tiền, cơ sở vật chất, các địa phương cũng cần chú trọng tới những công việc khác như để người dân có thể tiếp cận với những thủ tục giảm nghèo, thoát nghèo một cách hiệu quả nhất. Mặt khác, cũng cần quan tâm đến việc vì sao hộ nghèo giảm tốt nhưng hộ cận nghèo lại giảm chậm.

Đóng góp vào nguồn lực giảm nghèo, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ cho rằng: Để có thêm kinh phí cho công tác giảm nghèo thì ngoài ngân sách Nhà nước cần huy động thêm sự đóng góp của xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Việc xác định tiêu chí hộ nghèo, cận nghèo cần được tính toán kỹ lưỡng, tránh sự chồng chéo giữa hộ nghèo ở miền núi và nông thôn.

Còn đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, nêu quan điểm: Các Bộ ngành, địa phương khi thực hiện công tác giảm nghèo thì không nên có sự chồng lấn giữa các mục tiêu quốc gia về giảm nghèo mà cần có sự phối hợp, chắt lọc thật tốt. Chương trình nào đã thực hiện hiệu quả thì tiếp tục thực hiện, chương trình nào chưa tốt thì phải xem xét vì sao để có hướng khắc phục kịp thời để sao cho người dân tích cực tham gia vào công tác giảm nghèo, chứ không chỉ là chỉ trông đợi vào sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, địa phương.

Phải có thêm sự giám sát về công tác bình đẳng giới

Cũng tại Phiên họp, Ủy ban Về các Vấn đề xã hội của Quốc hội còn cho ý kiến về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về Bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011-2020. Đa số các đại biểu đánh giá cao công tác bình đẳng giới trong thời gian qua. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cần xem xét lại một số chỉ tiêu đạt được và chưa đạt được.

Đề cập đến nội dung trên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, cho rằng: Sau gần 10 năm thực hiện công tác bình đẳng giới, kết quả đạt được là có 13/22 chỉ tiêu dự kiến đạt chỉ tiêu đề ra; có 9/22 chỉ tiêu chưa đạt hoặc chưa có đủ cơ sở để đánh giá kết quả. Điều này cho thấy cần phải có thêm sự giám sát về công tác bình đẳng giới xem chất lượng có thực sự như báo cáo không, các chỉ tiêu chưa đạt được hoặc chưa có đủ cơ sở để đánh giá kết quả là gì để có sự điều chỉnh kịp thời.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, tạm thời Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vẫn cứ để 22 chỉ tiêu về bình đẳng giới để các địa phương thực hiện và phấn đấu đạt được nhưng cũng phải đưa ra một số mục tiêu, chỉ tiêu mang tính đột phá để các thực hiện.


Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.

Đồng thuận với quan điểm trên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu ý kiến: Khi các Bộ ngành, địa phương đưa ra những chỉ tiêu bình đẳng giới thì phải lượng hóa được cái nào thực hiện được và không cũng như cần ưu tiên những mục tiêu có thể thực hiện được.

Đề cập đến vấn đề bình đẳng giới, tại Phiên họp, các đại biểu, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn đóng góp vào việc cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bình đẳng giới tới các tầng lớp nhân dân, đề cao quyền lực của phụ nữ trong gia đình và xã hội, kêu gọi nam giới chia sẻ với phụ nữ và tham gia vào các công việc trong gia đình, chăm sóc con...


Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận.

Phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các ủy viên, đại biểu và cho rằng, đây là những ý kiến sát thực, tâm huyết để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bình đẳng giới hiệu quả hơn, đạt được tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế đề ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cũng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các đơn vị hữu quan tiếp thu các ý kiến đóng góp để chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật lại các báo cáo trước khi Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội xem xét trong các phiên họp khác.

Theo chương trình Phiên họp, trong chiều cùng ngày, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2019./.

Bích Lan-Bùi Hùng

Các bài viết khác