Chủ tịch Quốc hội dự hội thảo 40 năm Ủy ban các vấn đề xã hội

26/06/2016

Chiều 26/6, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo "Ủy ban về các vấn đề xã hội với chính sách, pháp luật thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội." Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Ủy ban Y tế và xã hội- tiền thân của Ủy ban về các vấn đề xã hội (2/7/1976- 2/7/2016). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự và phát biểu với Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị                                                   Ảnh: TTXVN

Tham dự hội thảo còn có: Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng các đại biểu, nguyên đại biểu Quốc hội là lãnh đạo, thành viên Ủy ban về các vấn đề xã hội các khóa.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI- kỳ họp đầu tiên của Quốc hội thống nhất đất nước, Ủy ban Y tế và xã hội đã được thành lập, một trong sáu Ủy ban đầu tiên của Quốc hội. Tại kỳ họp này, Quốc hội khóa VI đã ra tuyên bố xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, phát triển văn hóa giáo dục y tế, cải thiện từng bước đời sống của nhân dân. Đây là văn kiện có ý nghĩa hết sức đặc biệt, quan trọng thể hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn cách mạng mới với nội dung mới, định hướng đặt nền tảng cho sự phát triển về thể chế, chính sách lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, ưu đãi người có công, xóa đói giảm nghèo, bảo trợ xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội và thực hiện bình đẳng giới. Đây cũng là kim chỉ nam cho hoạt động của Ủy ban về các vấn đề xã hội trong suốt 40 năm qua.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: bám sát định hướng đích đến của mọi chính sách xã hội đều nhằm xây dựng và phát triển con người mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho con người, góp phần làm lành mạnh hóa xã hội cũng như hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai, từ Quốc hội khóa VIII đến nay, hệ thống chính sách pháp luật trong lĩnh vực xã hội đã từng từng bước hình thành, vận động tích cực, không ngừng được bổ sung hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Trong đó, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã khẳng định được vai trò tham mưu và đóng góp thiết thực vào thành tựu quan trọng trong sự phát triển của thể chế, chính sách xã hội.

Ủy ban về các vấn đề xã hội là một trong hai Ủy ban của Quốc hội trình sáng kiến pháp luật và chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội thông qua dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; tiên phong trong các hoạt động tham vấn công chúng, tổ chức các phiên giải trình của thành viên Chính phủ trước Ủy ban, các hoạt động lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, phối hợp với một số địa phương trọng điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… để tiến hành khảo sát, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực hoạt động chuyên môn của Ủy ban…

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với sự năng động, sáng tạo, phát huy trí tuệ tập thể và không ngừng đổi mới, Ủy ban về các vấn đề xã hội đã đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới, mở rộng dân chủ hoạt động của Quốc hội và để lại những dấu ấn quan trọng trong hoạt động của Quốc hội. Bằng tâm huyết, trách nhiệm và những nỗ lực không ngừng, với cách làm dân chủ, cầu thị và tư duy phản biện, các thế hệ thành viên Ủy ban có quyền tự hào về các dấu ấn trong mỗi chính sách ở mỗi thời kỳ, giai đoạn phát triển đất nước cũng như tình cảm của cử tri và nhân dân.

Nhìn lại chặng đường 40 năm qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vui mừng nhận thấy, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ở bất cứ cương vị nào, các thành viên của Ủy ban về các vấn đề xã hội đều thể hiện rõ bản lĩnh và trí tuệ, góp phần quan trọng vào sự phát triển đổi mới hoạt động của Quốc hội nói chung và của Ủy ban nói riêng.

Nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà tập thể Ủy ban về các vấn đề xã hội đã đạt được qua các nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ tin tưởng bằng sự trân trọng, gìn giữ truyền thống quý báu ấy, Ủy ban về các vấn đề xã hội khóa XIV và các khóa tiếp theo sẽ nối dài những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp thúc đẩy các giá trị công bằng và tiến bộ xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại Hội thảo                Ảnh: Bảo Yến

Ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của Ủy ban, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, cùng với quá trình đổi mới, nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, 40 năm qua, Ủy ban đã có những đóng góp đáng kể trong xây dựng một hệ thống chính sách, pháp luật xã hội bao gồm các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, dân số, chính sách ưu đãi người có công và chính sách thúc đẩy bình đẳng giới… và nâng cao hiệu lực thực hiện, hướng đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Trong 8 nhiệm kỳ vừa qua, đã có 194 đại biểu Quốc hội tham gia Ủy ban, trong đó có 75 đại biểu nữ, chiếm tỷ lệ 38,7%, tỷ lệ cao trong Quốc hội. Một số đại biểu là thành viên Ủy ban 3- 4 nhiệm kỳ, nhiều thành viên đã để lại dấu ấn quan trọng trong hoạt động của Quốc hội.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi, đánh giá quá trình phát triển của Ủy ban, những kinh nghiệm trong tổ chức và hoạt động của Ủy ban 40 năm qua cần kế thừa, phát huy; những vấn đề cần tiếp tục đổi mới để thực hiện các chức năng thẩm tra, giám sát, kiến nghị của Ủy ban; kinh nghiệm, bài học về tạo sự gắn kết mật thiết giữa Ủy ban về các vấn đề xã hội với các bộ, ngành, các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu…

Trong phiên làm việc đầu tiên, các đại biểu đã trao đổi, đánh giá quá trình phát triển của Ủy ban, những kinh nghiệm trong tổ chức và hoạt động của Ủy ban 40 năm qua cần phải kế thừa, phát huy, những vấn đề cần tiếp tục đổi mới để thực hiện các chức năng thẩm tra, giám sát, kiến nghị; kinh nghiệm, bài học về sự tạo sự gắn kết mật thiết giữa Ủy ban về các vấn đề xã hội với các bộ, ngành, các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương, với chuyên gia, nhà nghiên cứu... 

Trong các phiên tiếp theo, Hội thảo sẽ nhìn nhận, đánh giá thực trạng chính sách, pháp luật, bối cảnh, cơ hội và thách thức, các định hướng, kiến nghị đối với một số chính sách pháp luật, tập trung vào các chính sách giảm nghèo và phòng, chống tệ nạn xã hội; pháp luật về lao động, pháp luật về y tế, dân số và vấn đề chăm sóc người cao tuổi... đó cũng là các chính sách rất quan trọng để thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri cả nước.

Hội thảo dự kiến sẽ diễn ra hết ngày 27/6.

Bảo Yến