Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong vấn đề về tăng năng suất lao động

12/05/2015

Tại Phiên họp thứ 38, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII, góp ý vào Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị, Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong vấn đề về tăng năng suất lao động.

Ảnh: TTXVN

Theo Báo cáo của Chính phủ, dân số trung bình của cả nước trong năm 2014 là 90,73 triệu người, tăng 1,08% so với năm 2013; lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế là 52,7 triệu người (trong đó lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 46,3%, khu vực dịch vụ chiếm 32,2%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 21,5%.

Trong năm vừa qua, Chính phủ đã có những chủ trương, chính sách nhằm tăng cường chất lượng đào tạo dạy nghề, đồng bộ theo các nghề trọng điểm. Dạy nghề cho lao động nông thôn ngày càng được khẳng định, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, cơ cấu lao động và xây dựng nông thôn mới, góp phần tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng thu nhập.

Có trên 30% người lao động sau khi học nghề đã tìm được việc làm mới hoặc đã thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác sau học nghề. Tuy nhiên, trong số 14 chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao cho Chính phủ thì có 01 chỉ tiêu không đạt là tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo. Theo kế hoạch, tỷ lệ này là 52% nhưng khi thực hiện chỉ đạt 49%.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho biết, theo đánh giá của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì năng suất lao động của Việt Nam đã dần thu hẹp so khoảng cách với các nước trong khu vực ASEAN. Trong quá trình từ năm 2007 - 2011 và đến năm 2014 khoảng cách này đang thu hẹp dần, đây là một điểm tích cực.

Tuy nhiên, với cơ cấu lao động và cơ cấu nông nghiệp như Báo cáo của Chính phủ, nếu dùng công thức năng suất lao động là giá trị sản phẩm tạo ra trên một người lao động (lấy GDP chia cho người lao động) thì với tỷ lệ lao động nông nghiệp như hiện nay, “năng suất lao động khó cao”. Đây cũng là câu trả lời cho việc tại sao Việt Nam thi tay nghề đứng vị trí thứ nhất ASEAN, nhưng năng suất lao động lại không cao- Chủ nhiệm Trương Thị Mai phân tích.

Nếu có thể so sánh về chất lượng nguồn nhân lực, khi Việt Nam đạt được 49% tỷ lệ qua đào tạo thì Malaysia đã được 62%, philippines đã được 67%. Nếu tính theo cách đào tạo nghề 3 tháng trở lên là cấp chứng chỉ thì khi Việt Nam được 18,2%, Singapore đã được 61,5% và Hàn Quốc đã được 62%. Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho rằng, những con số này cho thấy cần tích cực trong quá trình đào tạo nghề, tăng tỷ lệ qua đào tạo lên một cách mạnh mẽ hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Hiện nay, tăng năng suất lao động chính là tạo điều kiện trực tiếp nhất để tăng tiền lương thực chất và cải thiện đời sống của người lao động về lâu dài. Nếu theo cách tăng tiền lương tối thiểu thì trên thực tế tiền lương ở Việt Nam đang tăng nhanh hơn năng suất lao động, do đó khó tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể cạnh tranh được. Chủ nhiệm Trương Thị Mai khẳng định: chỉ có con đường tăng năng suất lao động, vừa là tăng tiền lương thực tế của người lao động, cải thiện đời sống cho người lao động, vừa tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Nếu không thay đổi được vấn đề này thì việc tăng tiền lương sẽ là “câu chuyện rất dài đối với người lao động” và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cũng sẽ gặp khó khăn - Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị, Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa và cần được thể hiện cụ thể trong Báo cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới.

Đức Phương