ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI TỔ CHỨC PHIÊN HỌP THƯỜNG TRỰC ỦY BAN MỞ RỘNG THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÔNG ĐOÀN

27/08/2020

Thực hiện chương trình công tác năm 2020, chiều 27/8, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức Phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp.

 

Toàn cảnh Phiên họp

Tham dự Phiên họp còn có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Đoàn ĐBQH một số tỉnh/ thành phố; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; đại diện một số Bộ, ngành hữu quan.

Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, đại diện Cơ quan soạn thảo cho biết, Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Luật Công đoàn đã thể chế hoá các quan điểm, đường lối của Đảng về hoàn thiện, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là cơ sở pháp lý quan trọng đáp ứng về tổ chức và hoạt động cho tổ chức Công đoàn thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội của đất nước trong thời gian qua. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện trên thực tế đã xuất hiện các yêu cầu đòi hỏi Luật Công đoàn cần phải được tiếp tục sửa đổi.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang báo cáo một số nội dung

Đại diện Cơ quan soạn thảo cũng cho biết, mục đích của việc sửa đổi Luật Công đoàn lần này nhằm: Giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau hơn 7 năm áp dụng trên thực tế cũng như các vấn đề mới phát sinh mà luật chưa điều chỉnh. Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức Công đoàn, tạo cơ sở cho sự đổi mới và nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Đồng thời, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chung về tổ chức và hoạt động cho tổ chức Công đoàn trước đòi hỏi của hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, cơ bản, Dự thảo Luật tiếp tục khẳng định, Luật Công đoàn là luật điều chỉnh về tổ chức và hoạt động cho tổ chức Công đoàn Việt Nam – tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của của giai cấp công nhân và của người lao động. Trong bối cảnh pháp luật của Việt Nam đã cho phép việc thành lập “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” nằm ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam, tổ chức này được điều chỉnh chủ yếu bằng pháp luật lao động. Tuy nhiên một số nội dung có liên quan như vấn đề gia nhập của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp vào tổ chức công đoàn và vần đề chia sẻ kinh phí công đoàn cũng được xem xét quy định vào trong Dự thảo Luật.

Về nội dung cơ bản, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung tại 14 điều; sửa kỹ thuật tại 5 điều trong tổng số 33 điều của Luật Công đoàn.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Bùi Sỹ Lợi cho ý kiến

Thảo luận tại Phiên họp, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội và các đại biểu tham dự đánh giá Hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị tương đối công phu, kỹ càng, đáp ứng đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Một số ý kiến cho rằng, đây là một trong những luật có tác động và ảnh hưởng lớn tới cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, tuy nhiên trong các ý kiến góp ý về dự án Luật thì chưa có ý kiến của nhiều đối tượng chịu tác động của Luật. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ hơn vấn đề này.

Về vấn đề sửa đổi Điều 5 quy định quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, Dự luật quy định “người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. Trình tự, thủ tục thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập, hoạt động hợp pháp, tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam theo trình tự, thủ tục do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định”. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần làm rõ về vấn đề này hơn để đảm bảo tính khả thi của Dự luật.

Đối với việc sửa đổi Điều 7, Điều 23 quy định về hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam, bảo đảm về tổ chức, cán bộ, có ý kiến đề nghị trong bối cảnh đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo quy định của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thì việc sửa đổi các Điều luật này cần phải được rà soát, xem xét kỹ lưỡng cho phù hợp.

Liên quan đến cơ chế tài chính, một số ý kiến đại biểu chỉ ra rằng, việc phân bổ tài chính trong công đoàn thực tế thời gian qua vẫn chưa được đáp ứng, do đó lần sửa đổi này cần rà soát, thiết kế rõ hơn để quy định cụ thể trong Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh kết luận một số nội dung

Kết luận một số nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, qua thảo luận, các ý kiến Thường trực Ủy ban và các đại biểu tham dự thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật Công đoàn để khắc phục những hạn chế đã được nhận diện. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã gửi xin ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và sẽ phản ánh đầy đủ các ý kiến này trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh

Các bài viết khác