HỘI THẢO LẤY Ý KIẾN GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC TẠI NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG (SỬA ĐỔI)

05/06/2020

Sáng ngày 05/6, tại thành phố Thanh Hóa, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng rất quan trọng tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay việc đưa người Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không phải bằng mọi giá, mà có chọn lọc với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực cả khi đi và lúc về, phải giải quyết được chất lượng lao động và phải đưa được hình ảnh của người lao động Việt Nam trên thị trường lao động các nước. Do đó, việc sửa đổi luật lần này mang tinh thần mục tiêu hết sức cởi mở, phù hợp với hội nhập quốc tế. Đồng thời, cắt giảm được các thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại hội thảo

Trình bày tổng quan những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn sau 13 năm thi hành. Dự thảo Luật sửa đổi gồm 8 chương và 79 Điều: giảm 1 điều so với hiện hành; bãi bỏ 8 Điều, bổ sung mới 9 Điều và sửa đổi, bổ sung lại 70 Điều của Luật hiện hành. Về cơ bản, dự thảo Luật (sửa đổi) không mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh và tập trung sửa đổi, bổ sung 6 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội như:

Thứ nhất, nhóm nội dung về sửa đổi, bổ sung các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ hai, nhóm nội dung về minh bạch hóa quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ ba, nhóm nội dung về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ tư, nhóm nội dung về chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ năm, nhóm nội dung liên quan đến các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Thứ sáu, nhóm nội dung liên quan đến quy định về quyền, nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ngoài các nhóm nội dung nêu trên, dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu lao động trong công tác quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính đã được thực hiện tốt trong thời gian qua.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu

Tại hội thảo, tham luận của các chuyên gia, phát biểu của các đại biểu cũng như đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã cho thấy cái nhìn đa chiều về các vấn đề liên quan đến: Cơ chế bảo vệ cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Việc tiếp cận thông tin và tổng quan chính sách đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, những khó khăn, vướng mắc; Những vấn đề về công tác quản lý nhà nước của địa phương trong dự thảo Luật; Những vấn đề cần quan tâm về cơ chế hỗ trợ người lao động sau khi về nước trong dự thảo Luật; những vấn đề đặt ra trong quản lý nhà nước tại địa phương về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; Những vấn đề về điều kiện, thủ tục và chính sách đối với doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Đặc biệt, đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã có những chia sẻ đánh giá sự tương thích của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) với các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO.

Chuyên gia phát biểu ý kiến

Hội nghị cũng ghi nhận những ý kiến phát biểu của đại diện Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đại diện người lao động. Qua chia sẻ khó khăn trong hoạt động xuất khẩu lao động thời gian qua, các doanh nghiệp kiến nghị các Bộ, ngành tăng cường hỗ trợ thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động, tìm kiếm việc làm; Nên áp dụng giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là không thời hạn như luật hiện hành thay vì có thời hạn 5 năm và được gia hạn nhiều lần như Điều 11 dự thảo; Quy định rõ với doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép thì với thời hạn bao lâu Doanh nghiệp có thể xin cấp lại được Giấy phép; Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước hình thành chủ yếu từ đóng góp của  Doanh nghiệp và người lao động, do đó các nội dung chi nên tập trung cho hai chủ thể này … Về phía người lao động mong muốn, việc sửa luật cần tăng cường hành lang pháp lý để bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng như chính sách hỗ trợ người lao động trước, trong và sau khi đi làm việc ở nước ngoài về, đặc biệt quan tâm đến công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ pháp lý, chăm sóc sức khỏe, tâm lý người lao động tại nước tiếp nhận.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu kết luận hội thảo

Ghi nhận các ý kiến góp ý tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại hội thảo, có tính chuyên sâu và bao quát cao. Đồng thời đề nghị Quỹ Lao động ngoài nước, cần phải quản lý công khai minh bạch, đảm bảo được hiệu quả quỹ; Bên cạnh đó, phải quản lý số hóa lao động đi làm việc ở nước ngoài; quy định rõ vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, tránh nhũng nhiễu, phát sinh thêm thủ tục hành chính./.

Thuỳ Linh - Phương Thảo - Minh Công

Các bài viết khác