THẨM TRA SƠ BỘ LUẬT KHÁM, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

06/03/2020

Chiều ngày 06/3, tại Trụ sở các Cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức phiên họp Thường trực mở rộng để Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

 

Toàn cảnh Phiên họp

Tham dự Phiên họp có đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ y tế Nguyễn Trường Sơn, đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và một số Bộ, ngành có liên quan; đại diện một số Bệnh viện, Cơ sở khám chữa bệnh; các chuyên gia, nhà nghiên cứu có quan tâm đến lĩnh vực này.

Trình bày Tờ trình, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Ngay sau Luật được ban hành, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành đã ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật . Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh ra đời đã tạo hành lang pháp lý vô cùng quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh.

Cụ thể, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã góp phần chuẩn hóa chất lượng của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông qua việc quy định điều kiện tối thiêu để cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề và giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tính đến nay, các cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện việc cấp giấy phép hoạt động cho 49.984 cơ sở y tế và chứng chỉ hành nghề cho 363.407 trường hợp. Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã góp phần tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người dân.

Sau hơn 09 năm thực hiện, hiện cả nước có gần 50.000 cơ sở khám, chữa bệnh (trong đó có 248 bệnh viện tư nhân và 21.048 phòng khám tư nhân) với hơn 80. 000 bác sỹ đang làm việc đạt tỷ lệ 8, 2 bác sỹ / 10.000 dân, cao hơn một số nước trong khu vực ; số giường bệnh / vạn dân đạt mức 26, 5 ; 100 % số xã có trạm y tế, 76 % xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Bên cạnh đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tạo hành lang pháp lý để y học Việt Nam đã tiếp cận được với các kỹ thuật mới, phương pháp mới, kỹ thuật y khoa tiên tiến, hiện đại hàng đầu thế giới, góp phân làm tăng tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới (76,6 tuổi ), cũng như thu hút khoảng 300.000 lượt người nước ngoài đến khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, sau hơn 09 năm triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề này sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết. Do vậy, để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý thì việc xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là cần thiết.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn báo cáo

Theo Cơ quan soạn thảo, mục đích xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa (sửa đổi) bệnh nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh .

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội và các đại biểu cho rằng Cơ quan soạn thảo đã nỗ lực chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật, tổ chức các buổi làm việc giữa các Bộ, ngành về các vấn đề có nội dung liên quan. Tuy nhiên, Hồ sơ dự án Luật chưa thực sự được chuẩn bị đầy đủ. Hơn nữa, nhiều nội dung của dự án Luật chưa có sự thống nhất của các thành viên Ban soạn thảo; một số chính sách mới và lớn của dự Luật chưa có đánh giá tác động cụ thể; nhiều vấn đề của nội dung dự Luật chưa có sự giải trình thuyết phục.

Các đại biểu đưa ra quan điểm

Bên cạnh đó, các nội dung cụ thể như quy định chức danh chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề; phải đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài để hành nghề tại Việt Nam; Quy định về thời hạn của chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Quy định về thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề; quy định về liên doanh, liên kết cung cấp, thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cung cấp dịch vụ y tế giữa các cơ sở y tế của Nhà nước và giữa các cơ sở y tế của Nhà nước với cơ sở tư nhân…vẫn còn nhiều quan điểm chưa đồng thuận.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh kết luận

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, dự án Luật Khám, chữa bệnh(sửa đổi) cần phải tiếp tục được hoàn thiện hồ sơ; đối với những chính sách mới của dự án Luật cần có đánh giá tác động cụ thể; một số nội dung lớn của dự Luật vẫn chưa có sự nhất trí cao giữa các Bộ, ngành. Do đó, Ủy ban Thẩm tra sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả phiên thẩm tra sơ bộ để đảm bảo dự án Luật nếu được trình thì phải có sự hoàn thiện và đạt chất lượng nhất định./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức