VẤN ĐỀ GIỚI TRONG SỬA ĐỔI BỘ LUẬT LAO ĐỘNG

12/01/2019

Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2019, chiều 11/01, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo “Vấn đề giới trong sửa đổi Bộ luật Lao động”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi và Trưởng Chương trình Phát triển Con người, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Keiko Inoue đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các chuyên gia nhà nghiên cứu có quan tâm đến lĩnh vực giới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sĩ Lợi phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sĩ Lợi nêu rõ, Dự án Bộ Luật lao động có nhiều vấn đề liên quan đến nội dung bình đẳng giới như: việc làm, tuyển dụng, hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động, vệ sinh lao động, những quy định riêng đối với lao động nữ, lao động giúp việc gia đình, lao động là người khuyết tật… Vì vậy, việc xem xét dự án Bộ luật dưới góc độ giới là thực sự cần thiết.

Phó chủ nhiệm Bùi Sĩ Lợi cũng cho biết, mục tiêu của Hội thảo nhằm cung cấp thông tin, trao đổi về các nội dung của dự án BLLĐ liên quan đến việc nhận diện các vấn đề giới để phân tích và lồng ghép giới trong quá trình xây dựng dự án BLLĐ. Đặc biệt, Hội thảo này hướng tới việc chia sẻ thông tin và lắng nghe các ý kiến, đóng góp của các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương là đại diện của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, cũng như các vị đại biểu quốc hội là các trưởng đoàn, phó trưởng Đoàn chuyên trách của Đoàn đại biểu Quốc hội một số địa phương, các đại biểu đến từ một số cơ quan, bộ ngành và các chuyên gia tham gia hoặc liên quan trực tiếp đến quá trình chuẩn bị, xây dựng hồ sơ dự án Bộ luật lao động (sửa đổi).

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng chỉ ra rằng, bình đẳng, không phân biệt đối xử - trong đó có bình đẳng, không phân biệt đối xử dựa trên yếu tố giới - là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Về cơ bản, Bộ luật Lao động năm 2012 (BLLĐ) đã thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của lao động nữ trong việc thực hiện đồng thời chức năng lao động xã hội và chức năng sinh sản, nuôi con nhỏ. Những quy định đó đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới trên thực tế. Nhiều doanh nghiệp đã xác định việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định trên không chỉ bảo đảm quyền lợi cho người lao động, mà còn giúp tăng cường năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp thông qua việc ổn định và phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp. 

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo

Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, bất cập liên quan đến bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới trong Bộ luật Lao động năm 2012 qua quá trình tổng kết thi hành. Cụ thể như một số quy định riêng đối với lao động nữ với mục tiêu bảo vệ lao động nữ, nhưng thực tế đem lại tác động bất lợi với phụ nữ, hạn chế quyền làm việc có thu nhập và phát triển nghề nghiệp của lao động nữ; một số biện pháp bảo vệ sức khỏe sinh sản của NLĐ do còn chịu ảnh hưởng của định kiến giới nên chưa bảo đảm bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của lao động nam và lao động nữ trong công việc và trong gia đình theo nguyên tắc Bình đẳng giới, không phân biệt đối xử về giới của Hiến pháp năm 2013; một số quy định bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới rất hợp lý, song tính khả thi chưa cao do thiếu quy định cụ thể phù hợp (như chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, chính sách đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ…); một số khái niệm trong Bộ luật lao động năm 2012 chưa được định nghĩa rõ ràng, ví dụ như quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định là hành vi bị nghiêm cấm nhưng chưa có giải thích thuật ngữ, cũng chưa có chính sách, biện pháp cụ thể để đảm bảo tính khả thi trong thực tế. Từ đó, nhiều đại biểu cho rằng những bất cập giới tổng quát trên đòi hỏi phải có chính sách, giải pháp và chế tài xử lý cụ thể hơn, mới có thể đảm bảo và thúc đẩy bình đẳng thực chất giữa lao động nam và nữ cả về mặt pháp lý và trên thực tế về cơ hội, năng lực, điều kiện thực hiện quyền, trách nhiệm và thụ hưởng quyền lợi trong lao động xã hội và lao động gia đình.

Trao đổi tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng cho rằng, bình đẳng giới là một hình thái kinh tế thông minh thông qua ba đòn bẩy kinh tế: Tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ; Tăng số giờ làm việc có thu nhập của phụ nữ và tăng năng suất của phụ nữ so với của nam giới nhờ tăng số phụ nữ vào các ngành năng suất cao hơn và vào các vị trí quản lý. Đồng thời các đại biểu nhấn mạnh, luật và hệ thống pháp luật đóng vai trò đặc thù trong thúc đẩy bình đẳng giới. Trên cơ sở nhận thức được vai trò của luật, các đại biểu đưa ra một số chính sách, giải pháp cần quan tâm nhằm giải quyết các vấn đề giới trong dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi):

Thứ nhất, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm thích ứng với xu hướng già hoá dân số và thu hẹp khoảng cách giới trong quy định tuổi nghỉ hưu phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thứ hai, người lao động bình đẳng về quyền nghỉ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội khi thực hiện biện pháp tránh thai, khám thai, sinh con, nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau phù hợp với pháp luật bảo hiểm xã hội.

Thứ ba, người lao động có quyền tự quyết định lựa chọn làm các công việc có rủi ro ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ trên cơ sở được thông tin đầy đủ về các công việc đó và điều kiện bảo hộ lao động.

Thứ tư, xây dựng cơ chế cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và NSDLĐ trong việc tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo cho con của NLĐ, thực hiện các biện pháp bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới.

Thứ năm, phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, đảm bảo môi trường làm việc an toàn, lành mạnh.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sĩ Lợi trân trọng cảm ơn sự quan tâm sâu sắc và những ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội, đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan, các chuyên gia trong nước và quốc tế. Phó Chủ nhiệm hy vọng các đại biểu sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa vào sự nghiệp bình đẳng giới ở Việt Nam trong thời gian tới./.

Hồ Hương