LỒNG GHÉP CÁC VẤN ĐỀ GIÁO DỤC VÀO DỰ THẢO LUẬT GIÁO DỤC (SỬA ĐỔI)

26/09/2018

Tại hội nghị về các nội dung liên quan đến trẻ em trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức mới đây, các đại biểu đề nghị nghiên cứu lồng ghép các vấn đề liên quan tới giáo dục hòa nhập vào các quy định hiện hành của Luật Giáo dục.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, thời gian qua, Nhà nước đã ưu tiên, tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người tàn tật, khuyết tật và đối tượng được hưởng chính sách xã hội khác thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của mình. Tuy nhiên, hiệu quả giáo dục hòa nhập cho mọi trẻ em vẫn chưa đạt được như mong muốn. Trong số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ khuyết tật là nhóm chiếm tỉ lệ lớn nhất, 86%. Theo số liệu điều tra năm 2016 có 2,79% trẻ từ 2 đến 17 tuổi có khuyết tật. Tuy số lượng trẻ khuyết tật đến trường có tăng hàng năm nhưng mục tiêu huy động 70% trẻ em khuyết tật đến trường trong Chiến lược phát triển giáo dục vẫn khó đạt được. Năm 2015 “hơn một nửa số trẻ em khuyết tật nặng chưa từng được đến trường”.

Mục tiêu huy động 70% trẻ em khuyết tật đến trường trong Chiến lược phát triển giáo dục vẫn khó đạt được

Hầu hết trường phổ thông chưa bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy để giáo dục hòa nhập. Nhiều tỉnh, thành phố chưa có trung tâm, trường cho học sinh khuyết tật. Phần lớn cán bộ quản lý, giáo viên dạy học sinh khuyết tật chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn về giáo dục hòa nhập. Số lượng người khuyết tật được dạy nghề đạt thấp, hầu hết chỉ ở trình độ sơ cấp... Nhiều chủ trương, chính sách có mục tiêu tốt nhưng chưa sát với điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Hoa, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: Giáo dục hòa nhập nhằm tạo ra môi trường bình đẳng cho mọi trẻ em trong tiếp cận giáo dục, từ đó các em có điều kiện, cơ hội để thấu hiểu và hỗ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan tới giáo dục hòa nhập chưa được thể hiện rõ trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Điều này đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khi tham gia vào các hoạt động giáo dục. Vì vậy, nên nghiên cứu lồng ghép các vấn đề liên quan tới giáo dục hòa nhập vào các quy định hiện hành của Luật Giáo dục.

TS. Nguyễn Thị Kim Hoa đề nghị: Nên nghiên cứu lồng ghép các vấn đề liên quan tới giáo dục hòa nhập vào các quy định hiện hành của Luật Giáo dục

Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Hoa cũng nhấn mạnh, hiện trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập chưa được công nhận là cơ sở giáo dục trong Luật Giáo dục nên các Trung tâm này không có cơ sở pháp lý để thực hiện các quy định của những văn bản quy phạm pháp luật của ngành giáo dục (như quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường dẫn đến rất khó khăn trong việc tạo ra một môi trường giáo dục tốt nhất đối với trẻ em ở các Trung tâm, đặc biệt nhóm trẻ yếu thế và dễ bị xâm hại, tổn thương. Do đó nên đưa Trung tâm hỗ trợ giáo dục thành “cơ sở giáo dục” trong Luật Giáo dục tại mục b, khoản 1 điều 62; đưa phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập trong trường mầm non và phổ thông vào khoản 1, điều 6. Bổ sung mục b, khoản 1 điều 76 người học là học sinh trong các trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập. Đối với đội ngũ giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục hòa nhập phải có kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cần thiết trong quá trình giảng dạy, giao tiếp với người học là người khuyết tật. Vì vậy, đề nghị bổ sung vào mục 3, Chương IV nội dung “Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ về giáo dục hòa nhập cho nhà giáo trong các cơ sở giáo dục hòa nhập”.

Đại diện UNICEF cho rằng: Hiện nay một số địa phương đã thành lập Trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập theo Thông tư liên tịch số 58/2012 Bộ Giáo dục và Đào tạo-Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, loại hình cơ sở giáo dục này chưa được thể hiện trong bất kỳ Luật giáo dục (2005) hay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục (2009). Như vậy, nên bổ sung Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập là một loại hình cơ sở giáo dục khác sẽ đảm bảo sự nhất quán giữa các văn bản pháp luật và quan trọng hơn là sẽ hỗ trợ cơ quan chủ quản – Bộ Giáo dục và Đào tạo nâng cao công tác quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục và đẩy mạnh chất lượng giáo dục hòa nhập vì người học, trong đó bao gồm người học khuyết tật.

Một số đại biểu cũng nhấn mạnh: Đối với trẻ khuyết tật, hiện việc miễn, giảm kinh phí được qui định nhưng chỉ tập trung vào trẻ khuyết tật ở mức độ nặng và đặc biệt nặng, hoặc con của những gia đình thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo. Trong khi đó việc xác định khuyết tật và mức độ khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn. Có tới hơn 80% trẻ khuyết tật chưa được xác định và cấp giấy chứng nhận khuyết tật. Vì thế, còn nhiều trẻ khuyết tật và gia đình các em chưa được hưởng các chính sách ưu tiên, do đó đang là rào cản chủ yếu khiến nhiều trẻ chưa được đến trường. Đại diện học sinh và thanh niên khuyết tật Nguyễn Hữu Toàn cho rằng: Với những gia đình có con em khuyết tật vốn đã khó khăn, vất vả trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật nếu lo thêm khoản chi phí học tập thì càng khó khăn hơn. Do vậy, đề nghị nên có chính sách miễn hoàn toàn học phí và các chi phí ngoài học phí cho tất cả các đối tượng học sinh khuyết tật, thay vì quy đinh như hiện nay.

Em Nguyễn Hữu Toàn kiến nghị: Miễn tiền học phí và các chi phí cho tất cả trẻ khuyết tật

Để đảm bảo quyền lợi trong lĩnh vực giáo dục cho người khuyết tật, người khuyết tật cần được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập riêng biệt trong trường hợp cần thiết. Cụ thể người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu; người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo chuẩn quốc gia tại các trường hoà nhập, bán hoà nhập hay chuyên biệt. Người khuyết tật trí tuệ cần được cung cấp thêm các tài liệu bổ trợ dạy kỹ năng sống...  Các đại biểu cho rằng đây là vấn đề quan trọng cần được nhấn mạnh trong Luật Giáo dục, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng tổ chức nghiên cứu, phát triển chương trình, học liệu phù hợp dành cho người khuyết tật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh: Quy định cụ thể các nội dung về giáo dục hòa nhập vào trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt luôn cần sự quan tâm, chăm lo toàn diện của nhà nước, gia đình và cơ sở giáo dục, cũng như toàn xã hội. Để trẻ em thuộc nhóm này được phát triển năng lực cá nhân và thực hiện đầy đủ quyền của mình theo hiến pháp và theo công ước quốc tế về quyền trẻ em, Ban soạn thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể các nội dung về giáo dục hòa nhập vào trong dự thảo Luật. Cần phải có cách tiếp cận làm sao thể hiện được đầy đủ nhất, toàn diện nhất, để tất cả trẻ có hoàn cảnh đặc biệt thực hiện quyền của mình, được hưởng giáo dục một cách tốt nhất. Tuy nhiên, Dự thảo Luật cần quy định thế nào để không phá vỡ cấu trúc, đảm bảo tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đảm bảo Luật Giáo dục vừa là Luật khung, luật gốc, làm nền tảng cho các Luật chuyên ngành như giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp… vừa đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các cấp học khác./.

Lê Phương