THỰC TRẠNG SỬ DỤNG RƯỢU, BIA TẠI VIỆT NAM ĐANG Ở MỨC BÁO ĐỘNG

31/08/2018

Sáng ngày 30/8, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tại phiên họp, đại diện Bộ Y tế cho biết, tình trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động.

Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại phiên họp

Thực trạng sử dụng rượu, bia  đang ở mức báo động và cần được kiểm soát chặt chẽ

Theo Tờ trình Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, thực trạng sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động và cần phải được kiểm soát chặt chẽ để giảm mức tiêu thụ. Bằng chứng từ các nghiên cứu thực tiễn cho thấy tình hình sử dụng rượu bia ở nước ta đang có xu hướng tăng nhanh qua các năm, thể hiện qua ba tiêu chí: mức tiêu thụ lít cồn nguyên chất bình quân đầu người và ở nam giới; tỷ lệ người dân có uống rượu,bia; tỷ lệ người uống rượu, bia ở mức nguy hại.

Tờ trình nêu rõ, về mức tiêu thụ, nếu quy đổi tiêu thụ rượu, bia ra lít cồn nguyên chất thì mức tiêu thụ bình quân trên đầu người Việt Nam theo số liệu của Tổng cục Thống kê là 4,4 lít năm 2014; 8,3 lít theo số liệu ước tính năm 2016 của Tổ chức Y tế thế giới. Trong đó, tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia đang tăng nhanh hơn từ rượu. Về mức độ phổ biến của việc uống rượu bia, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao và gia tăng ở cả hai giới. Năm  2010 có khoảng 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu, bia. Đến năm 2015 tỷ lệ này tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam và 11,6% ở nữ. Đặc biệt, xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia đang là một vấn đề đáng lo ngại do các hệ lụy về sức khỏe, xã hội với giới trẻ. Tỷ lệ uống rượu, bia ở vị thành niên và thanh niên khoảng 79,9% đối với nam và 36,5% đối với nữ.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, nghiêm trọng hơn là tình trạng uống rượu, bia ở mức nguy hại ngày càng tiếp diễn. Tình trạng này phổ biến hơn ở các hộ gia đình người dân tộc thiểu số, miền núi và nông thôn. Tỷ lệ uống rượu được sản xuất thủ công không đăng ký kinh doanh, rượu không rõ nguồn gốc trong tỷ trọng tiêu thụ rượu, bia ở nước ta chiếm khoảng hơn 74%. Tình trạng người dân một số địa phương dùng cồn công nghiệp để pha chế rượu cũng là vấn đề hết sức nhức nhối.

Về vấn đề này, các đại biểu cũng chỉ ra rằng, so với thuốc lá thì các hệ lụy về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia nghiêm trọng hơn rất nhiều, bao gồm tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, tội phạm, an ninh trật tự và một số vấn đề về bất bình đẳng giới. Do đó việc ra đời một đạo luật để điều chỉnh các hành vi lạm dụng rượu bia là hết sức cần thiết.

Các đại biểu đưa ra quan điểm tại phiên họp

Pháp luật về phòng, chống rượu bia còn bất cập, đòi hỏi có sự điều chỉnh kịp thời

Tờ trình về Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia cho biết, hiện nay các quy định của pháp luật về kinh doanh rượu, bia thực hiện theo hai văn bản là Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu, Nghị định số 77/2016/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương đối với bia và một số điều khoản đề cập đến rượu, bia trong Luật Thương mại, Luật Đầu tư và Luật Quảng cáo. Tờ trình cũng chỉ ra rằng, hiện có rất ít quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia, chỉ khi việc sử dụng rượu bia dẫn đến các hậu quả xấu trong các quan hệ xã hội như điều khiển phương tiện giao thông cơ giới có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, bạo lực, tội phạm do sử dụng rượu, bia hoặc vi phạm các điều kiện sản xuất, kinh doanh thì mới bị xử lý.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nêu rõ, các quy định của pháp luật hiện hành chỉ đề cập đến giảm thiểu tác hại của sử dụng rượu, chưa đề cập đúng mức đến tác hại của sử dụng bia trong khi dù là bia hay rượu thì đều là đồ uống có chứa cồn ở hàm lượng khác nhau và đều có nguy cơ gây tác hại. Các quy định về hạn chế tính sẵn có và giảm tiêu thụ rượu, bia; hỗ trợ xã hội để dự phòng hành vi uống rượu, bia ở mức có hại; bảo đảm tài chính cho giảm thiểu tác hại, giải quyết các hậu quả về sức khỏe có liên quan đến sử dụng rượu, bia còn thiếu rất nhiều.

Thảo luận tại phiên họp, một số đại biểu cũng nhận định, các văn bản về phòng chống tác hại của rượu, bia còn tản mạn, hiệu lực pháp lý thấp, chủ yếu là nghị định, thông tư, chỉ thị; còn chồng chéo, thiếu tính đồng bộ. Do đó, việc phòng chống tác hại của rượu, bia là một yêu cầu cần thiết phải được nhà nước và xã hội quan tâm, giải quyết với các biện pháp đồng bộ, toàn diện về chính sách, pháp luật, kinh tế…trong đó việc ban hành Luật với các biện pháp mạnh mẽ sẽ góp phần từng bước hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội./.

Hồ Hương