ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI VỚI CÔNG TÁC CHUẨN BỊ MỘT SỐ DỰ ÁN LUẬT

07/08/2018

Tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 10, chiều 07/8, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội làm việc với Bộ Y tế và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc chuẩn bị một số dự án luật.

Toàn cảnh phiên họp

Dự án Luật phòng chống tác hại của rượu, bia được dự kiến gồm 5 chương

Báo cáo về việc chuẩn bị dự án Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, đại diện Bộ Y tế cho biết, thực hiện Nghị quyết số 34/2017/QH14 của Quốc hội về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2018, Bộ Y tế được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia để trình Quốc hội cho ý kiến vào năm 2018 và thông qua vào năm 2019.

Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, thực hiện sự phân công của Chính phủ, Bộ Y tế đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan xây dựng Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về nội dung cơ bản của dự án luật, Đại diện Bộ Y tế cho biết, Dự án luật được dự kiến thiết kế gồm 5 chương, trong đó quy định các biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; quy định các biện pháp giảm tác hại của rượu bia; giảm mức tiệu thụ rượu, bia; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ cụ thể của các cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện Luật sau khi có hiệu lực.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu

Thảo luận về nội dung này, một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần quan tâm làm rõ tên của Dự án luật, đảm bảo tên luật phải phủ hợp, thể hiện đúng nội dung, tinh thần của của Dự án luật theo hướng tên gọi là luật quản lý sử dụng bia rượu và đồ uống có cồn. Bên cạnh đó, các đại biểu chỉ ra rằng, cơ quan soạn thảo nhận định rõ đối tượng của việc cấm sử dụng, đó là cấm sử dụng khi không đúng lúc, không đúng liều lượng, không đúng chất lượng; hơn nữa đối tượng tác động của luật chính là hành vi sử dụng cho nên một số nội dung về kiểm soát sản xuất, buôn bán rượu bia cần xem xét lại.

Cho ý kiến về việc chuẩn bị Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đánh giá đây là Dự án luật tương đối khó, phức tạp, nhiều ý kiến khác nhau; tuy nhiên Thường trực Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý luật này phải đáp ứng với yêu cầu, chủ trương của Đảng; đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của dự thảo luật đối với các luật khác trong hệ thống pháp luật hiện hành; tính khả thi và hợp lý của dự án Luật.

Đảm bảo quyền, lợi ích của các bên trong quan hệ lao động và thích ứng với sự thay đổi của thị trường 

Báo cáo về tiến độ và các nội dung cơ bản của Dự án Bộ Luật Lao đống sửa đổi, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, về cơ bản Bộ luật Lao đổng (sửa đổi) vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động năm 2012 như sau: Bộ luật Lao động quy định tiêu chuẩn lao động; quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện của người lao động, người sử dụng lao động, quản lý nhà nước về lao động.  Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết, Bộ luật sửa đổi lần này cũng nghiên cứu, bổ sung một số nội dung mang tính tăng cường khả năng nhận diện các quan hệ lao động trên thực tiễn, khắc phục tình trạng “lách” các quy định của pháp luật lao động; đồng thời nghiên cứu điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong thị trường lao động nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của các bên trong quan hệ lao động và thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động trong bối cảnh mới.

Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Lê Quân báo cáo tại phiên họp

Cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, các đại biểu tham dự  quan tâm nhiều về vấn đề thêm giờ, tuổi nghỉ hưu. Theo một số đại biểu, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển của đất nước; tuy nhiên sự điều chỉnh này cần có tầm nhìn dài hạn, có lộ trình trình phù hợp, tránh những vướng mắc từ khung pháp luật cho đến thực tiễn. Còn vấn đề làm thêm giờ, Bộ luật sửa đổi phải quy định rõ về điều kiện, nguyên tắc cần làm thêm giờ, vừa đảm bảo được nhu cầu lao động chính đáng của người lao động, vừa khắc phục đường tình trạng lợi dụng trục lợi người sử dụng lao độnNgoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng, đây là một Bộ luật lớn, có liên quan đến nhiều Bộ luật, luật khác trong hệ thống pháp luật, do đó đề nghị cơ quan soạn thảo cần liên cứu kỹ lưỡng, cần có lộ trình phù hợp để đảm bảo tính khả thi.

Về tiến độ và nội dung của Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, thay mặt Thường trực Ủy ban, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, những vấn đề sửa đổi của Bộ luật lần này là những vấn đề lớn, tương đối khó, tác động đến nhiều đối tượng, do đó cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng để có kế hoạch chi tết; Ủy ban Về các vấn đề sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc khảo sát, tọa đàm chuyên gia, lấy ý kiến về từng nội dung sửa đổi cụ thể của Bộ luật trong thời gian tới.

Hồ Hương- Nghĩa Đức