ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH LÀO CAI VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM

25/09/2019

Ngày 24/9, Đoàn giám sát của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội, đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh Lào Cai về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, Trưởng Đoàn giám sát, phát biểu đặt vấn đề tại buổi làm việc

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ, quan tâm, chăm sóc và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng và Nhà nước xác định là chính sách ưu tiên hàng đầu trong bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của đất nước. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị xâm hại, nhất là bạo lực học đường, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục đang diễn ra ngày càng nhiều, tính chất phức tạp, nghiêm trọng, để lại những hậu quả vô cùng nặng nề cho các em nhỏ là nạn nhân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hưng báo cáo về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em

Trình bày báo cáo cáo về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Lê Ngọc Hưng cho biết, dù đã có nhiều hoạt động trong công tác thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em nhưng tội phạm xâm hại trẻ em ở Lào Cai vẫn diễn ra. Trong thời gian qua, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh cở bản ổn định. Tuy nhiên, tội phạm về xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp. Theo thống kê, số lượng trẻ em tại địa phương là 229.730 trẻ. Trong giai đoạn 2015-2019 trên địa bàn tỉnh xảy ra 95 cụ/120 đối tượng/136 trẻ em bị xâm hại.

Tại cuộc làm việc, Đoàn công tác đã đặt ra nhiều câu hỏi về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em bởi Lào Cai là một tỉnh đặc thù như: Tình trạng mua bán trẻ em, tình trạng tảo hôn, về công tác xử lý tội phạm nhẹ, chưa tương xứng? Đặc biệt là câu hỏi về những vụ xâm hại trẻ em ngay trong môi trường giáo dục gây bức xúc dư luận thời gian gần đây.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thị Kim Thuý phát biểu tại buổi làm việc

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội, bày tỏ: “Trong báo của tỉnh, nội dung tuyên truyền rất hẹp, chỉ thấy chống mà chưa thấy công tác phòng ngừa. Trong thời gian tới cần tuyên truyền thêm các luật như: Luật Nuôi con nuôi, phòng chống mua bán người, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Hôn nhân gia đình… Thực tế vùng cao nạn tảo hôn vẫn tồn tại. Vậy với em gái dưới 16 tuổi mà đã kết hôn thì rõ ràng đây là giao cấu với trẻ vị thành niên…”.

Đại biểu Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng cơ chế phối hợp liên ngành, tính gắn kết là chưa được cao. Dù việc này đã được thể hiện rất rõ trong Luật Trẻ em. Điều này thể hiện ngay trong các báo cáo, ngành nào biết ngành đấy….

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồngđồng Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc

Theo phía UBND tỉnh Lào Cai, trong thực tế ý thức phòng ngừa xâm hại trẻ em của người dân còn hạn chế nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa của các xã. Nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ bị xâm hại là từ gia đình, nhà trường, môi trường xã hội, từ bản thân nạn nhân, từ phía đối tượng xâm hại. Điều đáng lưu ý là đa số những vụ xâm hại trẻ em đều xảy ra ở địa bàn nông thôn, vùng sâu. Những kẻ phạm tội thường có quan hệ láng giềng với người bị hại.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng Đoàn giám sát Lê Thị Nga đánh giá cao công tác thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em của tỉnh Lào Cai thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư Pháp của Quốc hội cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong công tác phối hợp giữa các ban ngành của tỉnh còn chữa chặt chẽ; chưa phát hiện các trường hợp xâm hại trẻ em qua công tác tự kiểm tra; việc xây dựng môi trường sống lành mạnh còn chưa hiệu quả.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, Trưởng Đoàn giám sát Lê Thị Nga phát biểu kết luận nội dung buổi làm việc

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Lào Cao cần căn cứ vào đặc điểm của tỉnh cũng như các vụ việc đã xảy ra trên địa bàn để hoạch định, dự báo tình hình về trình trạng xâm hại trẻ em trong thời gian tới. Điểm thứ hai là cần đánh giá vai trò của các ban, ngành trong thời gian qua. Các ban, ngành đã làm hết trách nhiệm chưa? Để từ đó đưa ra các giải pháp cho thời gian tới và các giải pháp này phải phù hợp với thực tế. Ví dụ như trong công tác tuyên truyền ở địa bàn được coi là “vùng lõm”, là nơi tập trung đồng bào thiểu số thì cần phải có những đánh giá và giải pháp cụ thể. Có như vậy thì công tác phòng, chống xâm hại trẻ em mới đạt được kết quả tốt./.

Trọng Hiếu

Các bài viết khác