THẨM TRA BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 76 CỦA QUỐC HỘI

07/09/2018

Chiều 06/09, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả 02 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp

Phiên họp còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết: Ngày 24 tháng 06 năm 2014, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Ngay sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm túc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao. Theo đó, khuôn khổ pháp lý để triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cơ bản được hoàn thiện; Cơ chế quản lý điều hành, phân công, phân cấp, phối hợp, lồng ghép trong tổ chức thực hiện đã từng bước được hình thành và đi vào nền nếp; Nhiều mục tiêu đề ra trong Nghị quyết đã được tổ chức thực hiện đạt và vượt tiến độ đề ra. Cụ thể, đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cả nước là 15,10%. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cả nước giảm còn 13,64%. Cuối năm 2017, giảm còn 12,02%. Như vậy, giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm, đạt vượt so với mục tiêu đề ra là từ 1-1,5%/năm. Đến nay có 8 huyện thoát nghèo trong trong tổng số 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; 14 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn; có 19/291 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo ra khỏi chương trình.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp trình bày báo cáo của Chính phủ.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng chỉ rõ, một số nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 76 chưa đạt tiến độ quy định. Điển hình như việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ người nghèo từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn triển khai còn chậm; Nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tuy đã được ưu tiên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; Kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Cụ thể trong 02 năm (2016 – 2017), tỷ lệ tái nghèo bình quân 5,1%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo (giai đoạn trước tỷ lệ tái nghèo khoảng 12%/năm), tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, bằng 22,98% so với tổng số hộ thoát nghèo.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng nhấn mạnh quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết của Quốc hội; phấn đấu đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước sẽ giảm xuống dưới 4% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 và tỷ lệ bình quân hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm xuống dưới 30%.

Cho ý kiến tại phiên họp, đa số các đại biểu cơ bản đồng tính với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ. Khẳng định công tác giảm nghèo đã đạt được những mục tiêu nhất định và từng bước kiềm chế tái nghèo, nhất là huy động được cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, qua quá trình giám sát thực tế tại các địa phương, công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều hạn chế. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi chỉ rõ: Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, khoảng cách giàu, nghèo có xu hướng gia tăng; Việc bố trí các nguồn vốn thực hiện một số chương trình đôi khi còn chưa kịp thời, dàn trải …nên đã ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng các công trình.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong nhấn mạnh: Chính sách về giảm nghèo còn dàn trải, chồng chéo dẫn đến tình trạng khó thực thi ở nhiều địa phương, thậm chí nhiều nơi không đánh giá được chính sách nào là hiệu quả và chính sách nào là bất cập đối với địa phương mình. Một số chính sách còn chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội tiếp tục quan tâm hơn nữa đến đồng bào dân tộc thiểu số, di cư, di dân và đồng bào vùng bị thiên tai, lũ lụt, hạn hán.... Bên cạnh đó cần phải có chính sách riêng cho những vùng này…

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận phiên họp.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh ghi nhận những cố gắng của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã quyết tâm thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội, qua đó tạo đà hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng nhấn mạnh, Báo cáo của Chính phủ lần này cơ bản đã thể hiện tinh thần tiếp thu ý kiến từ các phiên họp mở rộng trước. Tuy nhiên, công cuộc giảm nghèo bền vững vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự đồng lòng, quyết tâm cao của từng cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội, nhất là trong điều kiện chúng ta thực hiện các chính sách theo chuẩn nghèo đa chiều. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục tiếp thu kiến nghị của các đại biểu trong phiên họp hôm nay, qua đó tổng hợp, hoàn thiện báo cáo thêm một bước để làm cơ sở trình Ủy ban Thường vụ trong thời gian tới, bảo đảm tính toàn diện, chi tiết và khoa học./.

Lê Phương - Nghĩa Đức