ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ LÀM VIỆC VỚI MỘT SỐ BỘ, NGÀNH

01/08/2018

Chiều ngày 01/8, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã có buổi làm việc với các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì buổi làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thúy Anh chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công An, Bộ Ngoại giao; đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ Tài Chính, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Tòa án Nhân dân tối cao, và một số cơ quan, tổ chức có liên quan.

Lao động nước ngoài tại Việt Nam chủ yếu là các chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành

Trình bày Báo cáo quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mẫu Diệp cho biết, trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Về cơ bản quy định của Pháp luật hiện hành về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam khá đầy đủ và đồng bộ theo hướng tăng cường, chủ động và xác định rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, giảm bớt thủ tục hành chính.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng nhấn mạnh, theo quy định, người sử dụng lao động chỉ được tuyển và sử dụng lao động nước ngoài đối với các vị trí công việc mà lao động Việt Nam không đáp ứng được. Người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng người lao động nước ngoài thực hiện đúng quy đinh của pháp luật về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Lực lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chủ yếu là các chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành và lao động kỹ thuật, cho nên đã bổ sung đáng kể nguồn nhân lực chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được; lao động Việt Nam cũng làm việc với lao động nước ngoài được tiếp cận, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, chuyển biến mạnh về tác phong, từng bước nhận sự chuyển giao công nghệ mới.

Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Doãn Mậu Diệp trình bày báo cáo

Cho ý kiến về vấn đề này, đại diện một số cơ quan, tổ chức có liên quan chỉ ra rằng, công tác phối hợp thông tin trong quản lý lao động nước ngoài giữa các cơ quan chuyên môn ở địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời và đồng bộ; nhiều dịa phương chưa thực hiện nghiêm túc báo cáo tình hình tuyển và sử dụng lao động nước ngoài định kỳ theo quy định; ý thức chấp hành pháp luật của một số nhà thầu và người lao động  nước ngoài trong việc tuyển, sử dụng và cấp giấy phép lao động, xuất nhập cảnh, cư trú còn hạn chế. Do đó, một số ý kiến đề nghị trong thời gian tới, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra liên ngành; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, tránh tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam lũng đoạn, thao túng thị trường.

Khu vực đông Bắc Á trở thành trọng điểm xuất khẩu lao động của Việt Nam

Vê tình hình người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, Báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, trong giai đoạn 2010-2017, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 10 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gồm 07 Nghị định của Chính phủ, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 12 Thông tư và Thông tư liên tịch, 04 Quyết đinh của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng nêu rõ, từ năm 2010 đến nay, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày càng gia tăng, đặc biệt liên tục từ năm 2014 đến nay, số lao động đi làm việc ở nước ngoài năm sau luôn cao hơn năm trước. Một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản ghi nhận lao động Việt Nam ở vị trí cao so với lao động ở các nước khác. Ngoài việc nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, các lao động này được nâng cao tay nghề, tự tích lũy được kinh nghiệm làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật và trình độ ngoại ngữ. Đây là tiền đề vững chắc để người lao động có thể tìm được công việc phù hợp sau khi trở về nước. Báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng cho biết, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chủ yếu là trong các lĩnh vực có trình độ đơn giản như xây dựng, đánh cá, giúp việc…; đa số các lao động được sử dụng tại các địa bàn được đánh giá cao về sự chăm chỉ, cần cù, sáng tạo. Ngoài các thị trường truyền thống và các ngành nghề thu hút nhiều lao động, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp của ta nỗ lực tìm kiếm các thị trường mới như Cộng hòa Liên bang Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng hòa Sip, Bê-la-rút, I-ta-li-a với các ngành nghề mới để tăng thêm thị phần xuất khẩu lao động theo hợp đồng.

Cho ý kiến về nội dung này, một số đại biểu đánh giá, khu vực đông Bắc Á trở thành trọng điểm xuất khẩu lao động của Việt Nam, dù có nhiều vấn đề phát sinh nhưng quan hệ của Việt Nam với các nước này tương đối tốt, còn nhiều tiềm năng. Hơn nữa, việc đưa các lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài đem lại cơ hội cải thiện đời sống, tăng thu nhập, đào tạo nghề cho đội ngũ lao động trong nước, tạo nguồn thu ngoại tệ và góp phần tích cực trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, có ý kiến chỉ ra rằng, một số doanh nghiệp phái cử còn chạy theo lợi nhuận, chưa quan tâm đến bảo vệ lợi ích người lao động, nhiều vụ việc chưa phối hợp với các cơ quan đại diện ở nước ngoài để giải quyết kịp thời; công tác phối hợp trao đổi thông tin còn chưa hiệu quả. Do đó, một số ý kiến đề nghị Bộ chủ quản, cơ quan, đơn vị làm tốt công tác quản lý lao động qua biên giới; tăng cường quản lý nhà nước, giảm thiểu số lượng cò xuất khẩu lao động; nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu; đánh giá cụ thể về những lao động sau khi kết thúc hợp đồng trở về nước thì khả năng tiếp tục quay trở lại với công việc như thế nào?

Toàn cảnh buổi làm việc

Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Phó trưởng doàn giám sát Bùi Sỹ Lợi đánh giá cao nội dung báo cáo của các bộ, ngành. Phó Chủ nhiệm Ủy ban đề nghị Chính phủ sớm tổng kết việc thi hành Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, ban hành Nghị đinh quy định về Bảo hiểm xã hội bắt buộc; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ trong đó có nội dung rà soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài…

Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thúy Anh hoan nghênh các bộ, ngành đã có báo cáo tương đối chi tiết, bám sát đề cương mà Đoàn giám sát đưa ra; đề nghị các bộ, ngành tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo về mặt số liệu, bảng biểu, bổ sung thêm một số nội dung; nêu rõ các kiến nghị để làm cơ sở sửa đổi bổ sung một số điểm bất cập trong các chính sách pháp luận hiện hành.

Hồ Hương