Giải trình thông tuyến trong khám, chữa bệnh BHYT: Tiến tới xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển, bảo đảm y tế cơ sở là nền tảng

01/03/2017

Thực hiện quy định của Luật tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, ngày 1/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về việc triển khai thực hiện lộ trình thông tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì buổi làm việc. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự phiên giải trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại khai mạc Phiên giải trình

Tham dự phiên giải trình có: đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành phố; Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Nội vụ, Bộ Công an,… cùng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu có quan tâm về lĩnh vực y tế, bảo hiểm xã hội.

Về phía các cơ quan chịu trách nhiệm giải trình có: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh; Đại diện các cơ quan phối hợp giải trình về những nội dung có liên quan.

Phiên giải trình được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam, kênh VTV1, kênh Truyền hình Quốc hội.

Tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, nhất là tuyến xã

Trong báo cáo của Bộ Y tế tại phiên giải trình cho biết, thông tuyến được xem là một trong những cách thức đảm bảo tốt hơn quyền lựa chọn cơ sở y tế của người tham gia BHYT dựa trên nhu cầu và niềm tin về chất lượng. Người tham gia Bảo hiểm y tế cũng thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ y tế do giảm thiểu những thủ tục hành chính, những phiền hà mỗi khi người bệnh phải chuyển tuyến khám chữa bệnh. Với người thường xuyên đi công tác, làm việc xa nơi cư trú cũng dễ dàng tiếp cận cơ sở y tế và được đảm bảo quyền lợi khi có nhu cầu khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, cơ chế thông tuyến đòi hỏi mỗi cơ sở khám chữa bệnh phải chủ động, tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ về phạm vi chuyên môn kỹ thuật, tinh thần, thái độ, phong cách phục vụ; tạo sự “cạnh tranh lành mạnh” giữa các cơ sở khám chữa bệnh.

Bên cạnh những kết quả đáng hoan nghênh, việc thông tuyến vẫn còn tồn tại những bất cập nhất định. Cụ thể, năm 2016, số lượt khám chữa bệnh tại tuyến huyện đã tăng 15 triệu lượt so với năm 2015, tương ứng 27,7% (năm 2015: 54 triệu lượt, năm 2016 là 69 triệu lượt) trong khi số thẻ bảo hiểm y tế đăng ký ban đầu tại tuyến huyện tăng chưa đến 8%. Có khoảng 18 triệu lượt người đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện không phải tại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Việc gia tăng số lượng khám chữa bệnh tại tuyến huyện do tuyến này có cơ sở vật chất tốt hơn, danh mục thuốc, dịch vụ kỹ thuật nhiều hơn, đồng thời trình độ chuyên môn tốt hơn tuyến xã. 

Xuất phát từ thực tế nêu trên, Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Phương- Quảng Bình đặt ra vấn đề, Bộ chủ quản có giải pháp nào cho việc thực hiện thông tuyến để tránh tình trạng vượt tuyến quá nhiều?

Cũng quan tâm đến vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn- TP Hà Nội và một số đại biểu chỉ ra rằng, chủ trương phát triển của ngành y tế từ trước tới nay là dự phòng, chăm sóc ban đầu cần coi trọng hơn điều trị; y tế cơ sở cần quan tâm hơn tuyến trên. Nhưng thực tế, những năm gần đây đầu tư trong ngành y tế chủ yếu được tập trung cho điều trị, cho tuyến trên. Trong khi đó có thực trạng y tế cơ sở, trạm y tế xã ở những vùng đồng bằng được đầu tư tốt nhưng không phát huy được hiệu quả do máy móc trang thiết bị chất lượng chưa cao, người dân chưa tin tưởng vào kết quả siêu âm, chụp chiếu; điều kiện giao thông không thuận lợi; chất lượng đội ngũ bác sĩ chuyên môn còn khiêm tốn. Do đó các trạm y tế cở sở, nhất là cấp xã không thu hút được bệnh nhân đến khám, mà số bệnh nhân vượt lên tuyến trên ngày càng đông.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình tại phiên họp                                                     Ảnh: Đình Nam 

Giải trình về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận rằng, việc đầu tư cho y tế cơ sở đang được Chính phủ rất quan tâm, tuy nhiên việc triển khai vẫn còn chưa đạt như ý muốn. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết thêm, hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở ở cấp xã nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân; việc thu hút các cán bộ y tế có trình độ chuyên môn giỏi về công tác tại tuyến cơ sở còn gặp khó khăn do chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng; đầu tư về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Hơn nữa, nhận thức của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương về y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu và sự tham gia của các ban ngành đoàn thể địa phương trong hoạt động chăm sóc sức khỏe ở một số địa phương còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức đến đầu tư nâng cao năng lực cho y tế ở cấp xã.

Do đó giải pháp tới đây để thực hiện tốt vấn đề thông tuyến khám chữa bệnh, một trong những giải pháp cốt lõi là cần phải coi việc tăng cường, nâng cao chất lượng của cơ sở y tế cơ sở, đặc biệt tuyến xã. Trong đó, phải thực hiện một cách đồng bộ và toàn diện việc đổi mới phương thức hoạt động, cải cách cơ chế tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường đào tạo nhân lực để đẩy mạnh việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân, tiến tới xây dựng một nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển, bảo đảm y tế cơ sở là nền tảng, là xương sống của hệ thống y tế Việt Nam.

Công tác giám định và hệ thống công nghệ thông tin chưa hoàn thiện

Tại phiên giải trình, đại biểu Đặng Thuần Phong- Bến Tre, Phạm Thị Thu Trang- Quảng Ngãi đề cập đến việc quản lý quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của các cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn nhiều vướng mắc do không quản lý được số lượng bệnh nhân đi khám chữa bệnh tại cơ sở khác. Bên cạnh đó, còn để xảy ra hiện tượng, một số bệnh viện tuyến tỉnh trong năm 2016 đã “xin” xuống hạng III- tuyến huyện, để được áp dụng quy định thông tuyến. Do đó, các đại biểu đề nghị Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần khắc phục ngay những hiện tượng này.

Một số đại biểu khác cũng chỉ ra rằng, việc liên kết thông tin dữ liệu từ các cơ sở khám chữa bệnh chưa thực hiện đầy đủ, thường xuyên; mặc dù đã thống nhất danh mục thuốc dùng chung nhưng nhiều cơ sở khám chữa bệnh không cập nhật vào phần mềm bệnh viện… Từ đó, các đại biểu đề nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội và các cơ sở y tế cần thống nhất một số danh mục còn lại để nâng cao chất lượng công tác giám định bảo hiểm y tế, đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân và chi trả đúng danh mục.

Tổng giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh giải trình tại phiên họp

Gải trình về vấn đề này, Tổng giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết năm 2015, số thẻ bảo hiểm y tế đã tăng hơn 5 triệu so với năm 2014, đạt 69.972.000 thẻ bảo hiểm y tế, bao phủ 76,2% dân số cả nước. Đặc biệt, đã quy định mã thẻ bảo hiểm y tế với một số ký tự đặc biệt (K1; K2; K3) cho các nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn. Đến năm 2016, số người tham gia đạt 75.832.000 người (tăng 8,3% so với 2015), bao phủ 81,7% dân số. Năm 2016, toàn ngành bảo hiểm xã hội hợp đồng với hơn 2094 cơ sở khám chữa bệnh từ Phòng khám đa khoa trở lên và trên 10.000 trạm y tế tuyến xã và tương đương. Số lượt khám chữa bệnh cả nước ước 148 triệu lượt, tăng 14% so với năm 2015, Số chi khám chữa bệnh ước 69.410 tỷ đồng tăng 41,6% so với năm 2015, bội chi so với quỹ khám chữa bệnh được sử dụng là: 5.130 tỷ đồng.

Tổng giám đốc bảo hiểm xã hội cũng thừa nhận rằng, thời gian vừa qua, công tác giám định và hệ thống báo cáo công nghệ thông tin chưa hoàn thiện, cho nên chưa liên thông được dữ liệu đầy đủ và thường xuyên để cảnh báo, kiểm soát tình hình người bệnh khám chữa bệnh thông tuyến, ngăn ngừa tình trạng người tham gia bảo hiểm xã hội lợi dụng chính sách thông tuyến để đi khám chữa bệnh nhiều lần, nhiều nơi mà không phải vì nhu cầu khám chữa bệnh.

Tại phiên giải trình, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nguyễn Thị Minh cũng xin hứa sẽ khắc phục những tồn tại trên một cách sớm nhất. Tổng giám đốc Bảo hiểm cũng cho biết, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã được Chính phủ chỉ đạo và quyết liệt thực hiện xây dựng phần mềm giám định cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Một trong những nội dung đó là có thể kiểm soát được toàn bộ quá trình lịch sử khám chữa bệnh của người bệnh để thông qua đó ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, nhưng đồng thời cũng để đảm bảo điều trị cho người bệnh tốt hơn, ngăn ngừa việc có thể có tác dụng không mong muốn nếu sử dụng thuốc quá liều hoặc kháng thuốc trong tương lai gần.

Hồ Hương