HỢP TÁC GIÁO DỤC, VĂN HÓA TRONG TÌNH HÌNH MỚI, ĐẶC BIỆT DỊCH BỆNH COVID -19 DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

30/07/2020

Trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững” diễn ra tại Việt Nam vào chiều 30/7, sau phiên khai mạc, các đại biểu đến từ các nước thành viên AIPA và đại diện các tổ chức quốc tế, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tiến hành tham luận, thảo luận, chia sẻ nhiều kinh nghiệm về hoạt động hợp tác phát triển giáo dục trong bối cảnh tình hình mới, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu hoan nghênh sáng kiến của Quốc hội Việt Nam với việc lần đầu tiên tổ chức một hội nghị gắn kết hợp tác nghị viện với việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, nhằm thúc đẩy đổi mới hoạt động, nâng cao vị thế và vai trò của AIPA trong xây dựng cộng đồng ASEAN phồn vinh, thịnh vượng, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Qua đó, khẳng định, sự chủ động của nghị viện mỗi nước và các cơ chế hợp tác liên nghị viện là vô cùng quan trọng để hướng tới khu vực ASEAN phát triển bền vững, với nền giáo dục có tính liên thông cao và nền du lịch được kết nối một cách chặt chẽ.

Ông Zaw Thein, Chủ nhiệm Ủy ban Hỗn hợp AIPA, Hạ viện Myanmar tin tưởng chủ đề hội nghị rất quan trọng, sẽ gia tăng vai trò của AIPA trong xây dựng một cộng đồng ASEAN đoàn kết, thịnh vượng và phát triển bền vững. Như chủ đề của hội nghị, chúng ta cần đảm bảo tính bền vững ở mọi khía cạnh, từ phát triển kinh tế bền vững đến mọi lĩnh vực khác, đặc biệt là văn hóa và giáo dục.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa phát biểu tại Hội nghị.

Tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa cho rằng, trong bước tiến của hội nhập khu vực ASEAN, hướng đến “Một tầm nhìn, Một bản sắc, Một cộng đồng” giáo dục, văn hóa cũng đã có bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, hiện chúng ta vẫn chưa có khung pháp lý của AIPA để thể chế hóa chính sách về các vấn đề có liên quan về hợp tác văn hóa, giáo dục ASEAN. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với tư cách là cơ quan trong bộ máy lập pháp và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về văn hóa, giáo dục của Quốc hội Việt Nam đề xuất nhiều giải pháp cho vấn đề này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa nhấn mạnh đến các giải pháp nhằm tăng cường hợp tác nghị viện trong các nước thành viên AIPA. Đó là tổ chức Hội nghị thường niên của AIPA trong hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc và trong hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững. Thúc đẩy hợp tác giữa các nghị viện thành viên AIPA trong việc xây dựng và hoàn thiện luật pháp văn hóa, giáo dục; tạo hành lang pháp lý cho việc liên thông giáo dục trong khối ASEAN và các hình thức đào tạo mới từ xa, trực tuyến để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh. Phát huy vai trò của AIPA trong việc khuyến nghị để ASEAN và các chính phủ thành viên xây dựng cơ chế hợp tác trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Hoàn thiện cơ chế giám sát của AIPA để thúc đẩy ASEAN, các chính phủ thành viên thực hiện các cam kết về giáo dục, văn hóa.

Đại diện các tổ chức quốc  tế cũng khuyến nghị, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong khu vực và trên toàn thế giới, các nghị viện thành viên AIPA cần xây dựng hành lang pháp lý cho giáo dục từ xa, trực tuyến, nhằm đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh, bên cạnh đó cần thúc đẩy liên thông giáo dục trong khu vực ASEAN để tận dụng một cách tốt nhất nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp cho sự phát triển của toàn khu vực.

Ông Rong Boonsuaykhwan, Phó Chủ nhiệm thứ năm, Ủy ban Tôn giáo, Nghệ thuật và Văn hóa, Hạ viện Thái Lan chia sẻ: Thái Lan có một dự án có tên là Truyền hình giáo dục từ xa được khởi động từ ngày 5/12/1995 nhằm loại trừ bất bình đẳng trong giáo dục. Trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, việc đóng cửa trường học là một trong các biện pháp của chính phủ nhằm kiểm soát và kiềm chế sự lây lan của COVID-19. Dự án nếu trên được áp dụng cho trẻ em Thái Lan ở mọi cấp học như một hệ thống học tập thay thế trước khi học kỳ mới bắt đầu vào tháng 7, giúp học sinh ôn tập các môn học và duy trì học tập trước khi quay lại nhà trường.


Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đề cập chủ đề thúc đẩy chuyển đổi số và liên thông giáo dục trong khu vực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, chìa khoá để có thể “đi cùng nhau và đi xa”, để đạt đến mục tiêu chung dài hạn chính là thúc đẩy chia sẻ tri thức, trao đổi kinh nghiệm, hiểu biết lẫn nhau và lưu thông phân bổ nguồn lực linh hoạt giữa các nước thành viên. Để thúc đẩy chuyển đổi số và liên thông giáo dục trong khu vực, các nước trong khu vực ASEAN cần thiết phải xây dựng hạ tầng công nghệ và đồng bộ hệ thống giải pháp số xét trên nền tảng phát triển công nghệ hiện nay. Nhưng quan trọng hơn cả trong cuộc họp cấp nghị viện này là các nước thành viên phải có những trao đổi, thảo luận để xây dựng được hành lang pháp lí, hướng tới hợp pháp hoá việc liên thông giáo dục giữa các nước trong khối thành viên, đặc biệt trong đào tạo trực tuyến.

Về vấn đề văn hóa, nội dung được các đại biểu quan tâm trao đổi là về xây dựng hành lang pháp lý, nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản gắn với bản sắc văn hóa dân tộc các quốc gia khu vực ASEAN; kết nối các di sản văn hóa trong khu vực vì sự phát triển du lịch bền vững và việc huy động nguồn lực cho hoạt động bảo tồn và phát huy di sản gắn với bảo vệ bản sắc văn hóa.

Khẳng định luôn coi trọng đa dạng văn hóa, ông Mardani Ali Sera, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác liên nghị viện Indonesia cho biết, quốc gia này đã ban hành Luật Du lịch năm 2009 làm cơ sở cho các chính sách về phát triển du lịch bền vững. Trên toàn quần đảo có 12 di sản văn hóa phi vật thể UNESCO, 9 khu vực di sản văn hóa và thiên nhiên và 15 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận. Indonesia là một trong 2 nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương triển khai hệ thống Quan trắc Du lịch bền vững cùng với Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hợp Quốc.

“Chúng tôi đã phối hợp với 5 trường đại học danh tiếng và khu vực tư nhân để xây dựng năng lực cho cộng đồng ở địa phương nhằm quản lý tốt du lịch bền vững”, ông Mardani Ali Sera nói.


Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững”.

Nhằm triển khai hiệu quả công tác bảo tồn và kết nối di sản văn hóa khu vực ASEAN, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đề xuất và kiến nghị nhiều giải pháp, như: Tích cực, chủ động tham gia và thực hiện có hiệu quả các điều ước, cam kết quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của Cộng đồng ASEAN; Hình thành tổ chức Hiệp hội Bảo tàng các nước ASEAN; Xây dựng những trung tâm đào tạo về công tác bảo tồn, tôn tạo, tu bổ di sản mang tầm quốc tế; Kiến nghị Nghị viện các nước thành viên ASEAN xem xét, thông qua khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hơn nữa hợp tác bảo tồn và kết nối di sản văn hóa khu vực ASEAN vì mục tiêu phát triển bền vững.

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng thống nhất quan điểm, để hoàn thành được những mục tiêu phát triển bền vững gắn liền với lĩnh vực văn hóa và giáo dục, hợp tác nghị viện AIPA có vai trò quan trọng trong quá trình hài hòa hóa pháp luật giữa các quốc gia, tạo hành lang pháp lý đầy đủ và thuận lợi cho việc triển khai hiệu quả các quyết sách về phát triển bền vững giáo dục và văn hóa của kênh Chính phủ ASEAN, hướng tới một Cộng đồng ASEAN giàu bản sắc, có sự gắn kết và liên kết chặt chẽ./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội