THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ BẢO ĐẢM VÀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

04/09/2019

Cần có một tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học độc lập; tập trung nâng cao công tác chuyên môn của kiểm định viên… là những ý kiến được các đại biểu đưa ra tại hội nghị “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học” được Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức ngày 03/9 tại Tp.Hồ Chí Minh. Chủ nhiệm Uỷ ban Phan Thanh Bình chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị

Thực tế nhiều năm qua, việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan kiểm định chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) đã không ngừng hoàn thiện, tiếp cận với thông lệ quốc tế. Cụ thể, bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng GDĐH Việt Nam đã được xây dựng tương thích với bộ tiêu chuẩn AUN-QA. Tiếp đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được ban hành khẳng định tầm quan trọng của công tác kiểm định chất lượng GDĐH trong quá trình tự chủ của các trường.

Hiện cả nước có 5 trung tâm kiểm định chất lượng GDĐH. Mặc dù các trung tâm đều sử dụng một công cụ đánh giá chung là bộ tiêu chuẩn chất lượng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, nhưng cách thức sử dụng công cụ này, quy trình đánh giá, và giá dịch vụ đều có sự khác biệt. Hiện chưa có tiêu chuẩn, tiêu chí, công cụ tin cậy để đánh giá chất lượng kiểm định của các Trung tâm Kiểm định chất lượng. Vì vậy, niềm tin vào các trung tâm này chưa cao…

PSG.TS Cao Hào Thi - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Sài Gòn – nêu ý kiến: “Nếu chúng ta không quan niệm làm chất lượng là để trường tốt hơn mà nếu chúng ta chỉ  quan niệm làm chất lượng để trường chúng ta đạt được chứng nhận nào đó thì tôi nghĩ cái đó không đúng bản chất.”

Liên quan bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đại học hiện hành, nhiều đại biểu cho biết, hiện, bộ tiêu chuẩn này đã có những điều chỉnh tương đối phù hợp với sự phát triển của đại học ở Việt Nam và dần tiệm cận với thế giới. Tuy nhiên, để bộ tiêu chuẩn “đạt chuẩn” và làm căn cứ cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam còn là vấn đề cần phải thảo luận nhiều.

PGS.TS Ngô Văn Thuyên - Chủ tịch Hội đồng trường ĐHSP Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh – phát biểu: “Đi kiểm định là để các trường nâng cao chất lượng… Bộ chuẩn mới đã thay đổi rất nhiều so với bộ chuẩn cũ…Nhưng vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào giấy tờ hành chính….”

Bày tỏ quan điểm, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh – trăn trở: “Khi chúng ta đưa 1 bộ tiêu chuẩn về chúng ta chưa nhận ra biên độ co giãn cho các ngành đặc thù. Ví dụ chúng ta lấy bộ chuẩn AUN mà chúng ta áp dụng cho các ngành đào tạo giáo viên chuyên biệt ở Việt Nam thì không khả thi”

Các đại biểu cũng kiến nghị, để hoạt động kiểm định chất lượng gíao dục đại học được đảm bảo, yếu tố quan trọng là đội ngũ kiểm định viên. Vì nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, hiện nay, đội ngũ này vẫn hoạt động chưa đúng với chuyên môn và chưa đạt hiệu quả cao.

Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Gíao dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Phan Thanh Bình đã đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu tại hội thảo, cho rằng đây là những ý kiến hết sức thực tế, là cơ sở để Uỷ ban Văn hóa, Gíao dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nghiên cứu, tổng hợp. Từ đó, Uỷ ban sẽ đưa ra những đề xuất, khuyến nghị giải pháp nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy hoạt động kiểm định chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo GDĐH trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế./.

Vũ Thạch