THAM VẤN CHUYÊN GIA VỀ VIỆC KHẢO SÁT THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

04/07/2019

Ngày 04/07, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức tham vấn chuyên gia về khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phạm Tất Thắng chủ trì buổi tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm

Tham dự tọa đàm có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và đông đảo các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục đại học.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng cho biết, thực hiện chương trình công tác năm 2019, Ủy ban sẽ tổ chức khảo sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về kiểm định chất lượng giáo dục đại học” nhằm mục đích đánh gia thực trạng công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học thời gian qua tại Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất, khuyến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy hoạt động kiểm định chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo giáo dục đại học trong bối cảng đổi mới và hội nhập quốc tế.

Hoạt động khảo sát sẽ tập trung vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về việc hướng dẫn tổ chức thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học; công tác quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục đại học; tổ chức bộ máy và việc triển khai thực hiện các quy định về kiểm định chất lượng tại các trung tâm kiểm định chất lượng và một số cơ sở giáo dục đại học.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng phát biểu

Dự kiến trong tháng 8/2019, Đoàn khảo sát của Ủy ban sẽ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo; khảo sát trực tiếp tại một số trung tâm kiểm định chất lượng và cơ sở giáo dục đại học tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An. Sau đó, Đoàn khảo sát sẽ tổ chức các buổi tọa đàm tham vấn chuyên gia tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh trong tháng 9/2019 và hoàn thiện báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội vào cuối tháng 10/2019.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết của việc tổ chức khảo sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về kiểm định chất lượng giáo dục đại học” nhằm mục đích đánh giá thực trạng và đề xuát các giải pháp nâng cao công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam. Các đại biểu cho rằng, trong những năm gần đây, giáo dục đại học nước ta hiện nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, song nhìn chung chất lượng đào tạo của giáo dục đại học vẫn còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp bước phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ cao còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế gtri thức dựa trên nền tảng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo. Bởi vậy, việc đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo là một nhu cầu cấp thiết, thu hút sự quan tâm không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước mà còn của bản thân các cơ sở giáo dục đại học cũng như của toàn xã hội,

Nhiều ý kiến khẳng định, kiểm định chất lượng giáo dục đại học được coi là một công cụ hữu hiệu giúp đánh giá, công nhận cơ sở đào tạo hoặc chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn, đáp ứng các chuẩn mực chất lượng; giúp cơ sở giáo dục đại học nhận thức rõ hơn về mức độ chất lượng đào tạo của mình, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, định hướng để duy trì và cải tiến quy trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Những tiêu chí trong kiểm định chất lượng đã tạo áp lực để các trường đại học chú trọng, đổi mới, tìm giải pháp nâng cao chất lượng. 

Đại biểu phát biểu tại tọa đàm

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, so với thế giới, Việt Nam quan tâm đến kiểm định chất lượng khá muộn. Từ năm 2005, chúng ta mới bắt đầu làm quen với công tác kiểm định. Cho đến nay, kiểm định chất lượng quan tâm nhiều hơn, nhưng về cơ bản vẫn đang ở trạng thái khởi động.

Các đại biểu đánh giá, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nói chung và kiểm định chất lượng giáo dục đại học nói riêng đã được thể chế hóa trong Luật giáo dục 2005 và được cụ thể hóa hơn trong Luật Giáo dục đại học 2012. Tuy nhiên, hành lang pháp lý thúc đẩy hoạt động kiểm định; việc thi hành chính sách, pháp luật về kiểm định chất lượng; việc tổ chức, quản lý và giám sát hoạt động kiểm định vẫn còn những hạn chế.

Qua nghiên cứu đề cương khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, các đại biểu đánh giá các nội dung khảo sát trong Đề cương đã được Ủy ban đưa ra rất cụ thể và phù hợp. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, các đại biểu cho rằng đề cương cần bổ sung các nội dung cụ thể hơn về lộ trình khảo sát.

Về phạm vi khảo sát, các đại biểu cho rằng, khi tập trung khảo sát vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, việc tổ chức thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, Uỷ ban cần lưu ý mục đích cao nhất không phải là đánh giá sự tuân thủ các quy định luật pháp, điểm cốt yếu là tinh thần và bản chất của kiểm định chất lượng trong hệ thống. Do vậy, chúng ta còn cần phải đánh giá thái độ, phản ứng, mức độ tiếp nhận, mức độ sãn sàng của hệ thống, tức là tất cả các bên liên quan trong hoạt động kiểm định chất lượng.

Cảm ơn những ý kiến góp ý của các đại biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng tin rằng đây sẽ là những cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiêu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề cương và Kế hoạch khảo sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về kiểm định chất lượng giáo dục đại học đảm bảo khả thi khi thực hiện./.

Thu Phương